Nghẹn, đắng vì đói, khát…

GNO - Sư em gửi cho mình hai đường link chia sẻ về những nỗi khổ về đói và khát ở một nơi rất xa nơi mình đang sống, đó chính là châu Phi. Những hình ảnh đau đớn, thiếu thốn, nghèo nàn được em gom thành mấy chữ “thương ơi là thương” đã làm mình nghẹn nơi cổ và đắng lòng.

120414doi07_829fc.jpg

Bà mẹ cùng đứa con đang vật vã trong cơn đói và bệnh tật

Cuộc sống tồn tại hai mặt đẹp và xấu xí, con người còn tác ý thiện và ác nên còn luân hồi sanh tử. Hễ tạo tác nhân lành thì sanh vào cõi lành, y báo, chánh báo đều đẹp đẽ, an lành và ngược lại. Do vậy, việc nhận diện ấy cũng là để chia sẻ với em rằng: âu cũng là vì nghiệp mà phải sanh vào nơi thiếu thốn, nghèo nàn, ẩn tàng đói khát, bệnh tật như thế. Nhưng, chia sẻ như thế không phải là coi như xong, vô tâm, vô cảm, không một mảy may thương xót hay không để nó đọng lại một chút gì trong tâm.

Nói như một vị thầy, cũng may là con còn thấy xót xa trước nỗi đau đồng loại, bởi khi ấy trong tâm con đã được tưới tẩm hạt giống thương yêu. Độ rung của tâm hồn và độ tỉnh táo của một cái đầu hiểu rõ nhân quả tương tức này là điều kiện để mình thương mà không lụy, không khổ, không day dứt đến độ phải thấy chán nản, bất lực. Thực ra, ngay cả Đức Phật cũng không có khả năng thay đổi cái quả khi nó đã biểu hiện. Và điều quan trọng chính là thái độ đón nhận những quả báo để có thể có một tương lai tốt đẹp hơn cho mình và người.

Ví dụ như việc đón nhận những nỗi khổ nơi đồng loại của mình, nếu mình biết khởi tình thương và nguyện cầu cho họ ngộ được nỗi khổ đau ấy là do nhân-quả bất thiện và đón nhận bình an thì cũng chính là việc mình gieo vào tâm mình hạt giống sẻ chia. Để, mai mốt, nếu mình có rơi vào trạng huống khổ đau thì sự sẻ chia nơi cộng đồng sẽ có mặt, đủ để mình có niềm tin nơi con người mà bước qua. Đồng thời, cũng là gieo cái nhân sáng suốt cho mình hiểu và hành về nhân quả khi niềm vui nỗi buồn đến-đi, để mình không quá vật vã, đau khổ mà trách người, trách đời.

Đón nhận về những thông tin như thế này (đói, khát, thiên tai…) còn là đón nhận một tiếng chuông báo động về việc hủy hoại môi sinh, chạy theo xu hướng làm giàu vật chất một cách quá tham lam. Từ nhận thức này, mình có thể ngăn ngừa ý niệm “làm giàu” một cách vô độ, gây tàn hại đất mẹ, nước, không khí… của mình (rất có thể đã có hoặc sẽ có). Cũng từ nhận thức này, mình có thể nuôi lớn ý thức chống lại những hành vi làm giàu thô bạo, thiếu bền vững khi tác động quá mức vào thiên nhiên…

Mình không chỉ biết nghẹn, biết thương mà thôi, mình phải nói một tiếng nói đầy chánh kiến với chính trái tim của mình, trái tim đã thấm nhuần lời Phật dạy là phải biết thương yêu đồng loại từ ý-khẩu-thân. Ý mình thương và nhận biết nguyên nhân của khổ đau để tránh gieo nhân, khẩu mình bắt đầu lên tiếng để đứng về phía “bất bạo động” với môi sinh, và thân mình sẽ bắt đầu làm những việc có ý thức bảo vệ môi sinh, chẳng hạn như tiết kiệm điện, tránh xài và xả bao ni-lông…

Rất nhiều việc mình có thể làm, có thể nói và nghĩ để góp phần thay đổi cuộc sống quanh mình cũng có nghĩa là thay đổi cuộc sống của toàn cầu, dù đó là những đổi thay không thấy bằng mắt, không thể cân, đo, đong, đếm trong một ngày, một buổi, mà phải cần đến cả một đời, nhiều đời, nhiều thế hệ. Chẳng hạn như, bắt đầu từ bây giờ, mình đối trước Phật, bạch Phật rằng: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Con vừa xem những hình ảnh đói khát của đồng loại ở khắp nơi cùng những cảnh báo rất đau lòng về sự chết chóc do đói, khát bởi môi sinh bị tàn hại. Con ý thức được những nỗi khổ đau ấy là rất đáng thương, con xin được chia sẻ và gửi năng lượng an lành đến những người đang sống trong những nơi, những vùng, những quốc độ như thế.

Con cũng ý thức được rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy đều là vì con người đã quá tham-sân-si nên đã bòn vét, phá hoại đất mẹ và hủy sự trong sạch của nguồn nước, không khí… Có thể con cũng từng tham dự vào việc làm đầy tham-sân-si ấy, nay con xin sám hối trước Đức Thế Tôn và nguyện sẽ không bao giờ dám nghĩ, nói, cổ súy và làm những điều gây hại đến thiên nhiên nhằm mưu lợi cho mình. Con cũng nguyện cho tất thảy mọi người đều ý thức được điều này mà trở về chăm sóc, thương yêu đất mẹ, nước, không khí… Bởi, chỉ có làm như thế mới mong cứu khổ cho mọi người và ngăn ngừa mình rơi vào trạng huống đói, khát, bệnh tật… như con đã thấy. Kính xin Đức Thế Tôn cho con nuôi dưỡng ý thức này được xuyên suốt trong con, quanh con trong đời đời kiếp kiếp”.

Nguyện, và lạy xuống bằng tất cả tâm thành, bằng tất cả tình thương yêu, sự hiểu biết của mình… Tôi tin, nước cam lồ sẽ rịn nhuần trong cổ người nào lạy bằng tâm thành, bằng hiểu biết, thương yêu như thế!

Lưu Đình Long


Một vài hình ảnh đáng thương khác từ các trang báo nước ngoài:

120321kpnuoc15_65f63.jpg
120414doi03_2fea9.jpg
120414doi10_c126b.jpg
120414doi05_2e15e.jpg
120414doi19_3977d.jpg
120414doi14_90d30.jpg
120414doi04_e1b1c.jpg
120414doi17_6dddd.jpg

120321kpnuoc13_a6162.jpg

Đói khát, bệnh tật... là nỗi khổ của đồng loại vẫn tồn tại đâu đó trên đất nước mình, trên hành tinh này.
Quán điều đó để thương-yêu, để sẻ chia, để phát nguyện không gieo tạo nhân xấu ác...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.