15.5, Triển Lãm ảnh này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập là một trong 11 kỷ lục Phật giáo Việt Nam trong khuôn khổ Vesak.
Comple, càvạt, giày tây, túi đen khoác vai chỉn chu, Võ Văn Tường hoàn toàn không có cái vẻ xăng xái (và đôi khi lăng xăng) của một tay săn ảnh. Thế nhưng, trong ba ngày diễn ra Đại lễ Vesak tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, anh đảm nhận trọng trách ghi hình các hoạt động của Đại lễ cho IOC và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.
"25 năm nay tôi theo đuổi đề tài ảnh đạo Phật nên luôn ăn mặc nghiêm cẩn khi chụp các quý thầy, các ngôi chùa" - Võ Văn Tường mỉm cười, nói. Quan sát Võ Văn Tường tác nghiệp, đều thấy anh chọn, căn góc ảnh một cách điềm đạm, các bức ảnh của anh đều được chụp một cách nghiêm cẩn.
Anh kể: "Tôi là Phật tử thuần thành, pháp danh Tâm Thụy, quy y ở chùa Thiền Tông (Huế). Phổ thông, tôi học ở trường Hàm Long - chùa Báo Quốc. Năm 1963, tại Quốc học Huế, tôi gặp thầy Tuân - người thầy nhiếp ảnh đầu tiên của tôi. Bức ảnh chùa đầu tiên của tôi là ảnh chùa Báo Quốc. 1971 tôi vào Sài Gòn học ở ĐH Vạn Hạnh. 1979 làm ở Sở VH-TT TPHCM, nhà báo Phan Bá Đương là người hướng dẫn tôi nghệ thuật chụp ảnh. Đề tài tốt nghiệp ngành ngữ văn - ĐH KHXHNV của tôi là "Bia, văn ở chùa" là cơ duyên đưa tôi đến "nghiệp" chụp ảnh chùa".
Sự kiện quan trọng đối với "đời ảnh" của Võ Văn Tường là 1981 Sở VHTT TPHCM đứng ra tổ chức cho ông TL tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Năm 1999, hai cuốn sách về kỷ lục Việt Nam của nhà báo Huy Vĩnh công nhận ông là người chụp ảnh chùa nhiều nhất VN. Mùa Phật đản 1999, ông tổ chức TL cá nhân đầu tiên - "1000 ảnh màu ở Học viện Phật giáo Việt Nam".
Võ Văn Tường là tác giả những sách ảnh: "Việt Nam danh lam cổ tự" (in bằng bốn thứ tiếng), "Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam", "Những ngôi chùa danh tiếng" (cùng ông Nguyễn Quảng Tuân), CD-ROM những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam, "Hà Nội danh lam cổ tự" (cùng TT Thích Bảo Nghiêm),...
Ngày 14.8.2005, TT Sách kỷ lục Việt Nam công nhận ông là người làm sách điện tử đầu tiên ở Việt Nam; đầu năm 2006, TT này lại ghi nhận ông là người chụp và lưu giữ ảnh nhiều ngôi chùa nhất Việt Nam. Tại Vesak - 2008, CD "Chùa Việt Nam - Xưa và Nay" (gần 8000 ảnh giới thiệu 522 ngôi chùa Việt, NXB Giáo dục ấn hành), sách ảnh Phật tích Ấn Độ và Nepal (làm chung với Đại đức Thích Nhật Từ, quà tặng cho 3500 đại biểu của Vesak) của ông thu hút nhiều sự chú ý.
"Đi tới, bước vào một ngôi chùa, cần chọn góc chụp thế nào để bức ảnh toát lên cái hồn, cái thần của ngôi chùa đó?" - chúng tôi hỏi. Võ Văn Tường cho biết: "Mục đích đầu tiên tôi chụp ảnh các ngôi chùa là để thấy sự đa dạng của chùa Việt. Có người chụp theo lối toàn cảnh; tôi thì bao giờ cũng theo các bước: Chụp toàn diện, chính diện, mặt tiền, từng chi tiết. Chùa nào đến một trăm lần, lần thứ 101 tìm góc khác đi.
Thế nào là một bức ảnh chụp chùa đẹp, còn tuỳ mắt người nhìn. Nhưng khi chụp điện Phật, nguyên tắc của tôi là chụp chính diện. Tôi không bao giờ dám chụp theo lối "nghệ thuật" bóp vặn các chi tiết, chẳng hạn làm đôi tay Phật, La Hán dài ra... Tôi luôn chụp cân đối, chỉn chu, nghiêm cẩn với lòng tôn kính. Tôi chỉ dám nhận mình là người chụp ảnh tư liệu đề tài Phật giáo.
Những bức ảnh của tôi có thể giúp các chùa làm tư liệu, chẳng hạn đơn giản như muốn xây lại, sửa chữa một ngôi chùa. Nếu chụp theo kiểu "nghệ thuật" nghiêng ngả thì nhìn bức ảnh, khó biết chùa được trang trí, xây cất ra sao...".
"40 năm cầm máy, hơn 20 năm chụp chùa, anh nhận thấy sự biến đổi của các ngôi chùa Việt ra sao?". "Ít chùa còn giữ được nét kiến trúc xưa. Có những chùa được xây dựng mới, khang trang, đẹp, rộng rãi hơn. Thời đại mới, kiến trúc chùa cũng có sự thay đổi. Điều tôi ưu tư, lo lắng nhất: Rất nhiều chùa, các pho tượng cổ, quý bị sơn lại với chất lượng rất kém. Ai được phép sơn tượng cổ? Đó phải là người có chuyên môn, được đào tạo mỹ thuật cẩn thận.
Tôi tìm hiểu, những người tô tượng, xin lỗi, nhiều người trình độ học vấn thấp; những bức tượng bị sơn không cẩn thận, làm giảm nhiều giá trị. Một tác phẩm nghệ thuật Phật giáo đẹp, người đứng trước tự dưng cũng thấy lòng tôn kính hơn chứ. Tôi còn là giảng viên thỉnh giảng ở một số khoa du lịch tại các trường ĐH TPHCM. Với những bức ảnh chùa Việt, tôi hy vọng các sinh viên - hướng dẫn viên tương lai - có thêm hiểu biết, kiến thức giới thiệu về văn hoá, Phật giáo Việt Nam với du khách. Tôi chụp các ngôi chùa Việt cho thế hệ mai sau. Còn cầm máy, tôi còn chụp chùa Việt".