Ngay sau khóa tu “Xuất gia gieo duyên”, anh đã dành cho Giác Ngộ một cuộc trò chuyện thú vị.
Trước khi trả lời, anh nói với phóng viên: “Bài phỏng vấn này có thể có chư tôn đức Tăng Ni đọc nên cho phép Đại Nghĩa được xưng con trong suốt phần trả lời của mình”. Tôn trọng thiện ý của anh, Giác Ngộ giữ cách anh xưng “con” khi trả lời phỏng vấn:
* Chào anh, chúc mừng anh vừa hoàn thành khóa tu có thể nói là đặc biệt dành cho cư sĩ Phật tử tại chùa Huyền Không. Anh có thể cho biết cảm xúc của mình ngay lúc này?
- Nghệ sĩ Đại Nghĩa: Ngay từ những ngày trước khóa tu con đã nôn nao vì lần đầu tiên con được tham gia một khóa tu 10 ngày. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời mà con và những người bạn đồng tu đã có được tại chùa Huyền Không. Con xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Hòa thượng trụ trì, quý sư, các chú giới tử, các Phật tử làm công quả và các cư sĩ gần xa đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, tốt đẹp nhất để khóa tu được diễn ra, thành tựu viên mãn.
Có phước lắm mới được là Phật tử
* Là nghệ sĩ, trong vai trò diễn viên, anh đã hóa thân trong nhiều vai diễn. Tuy nhiên, lần này, không phải là vai diễn mà là đời thật - anh “hóa thân” thành một người đầu tròn áo vuông - trong suốt khóa tu anh thấy mình đã “tròn vai” của một nhà sư?
- Khi con về chùa xuất gia gieo duyên, thọ giới Sa-di, con chưa bao giờ nghĩ mình là một người nghệ sĩ, con chỉ thấy mình là một Sa-di như tất cả những tân Sa-di khác. Mọi người cùng làm việc, cùng học tập, sinh hoạt và chia sẻ với nhau những điều mình học được trên tinh thần những người bạn đạo một cách chân thành nhất, nên con chẳng thấy mình phải “hóa thân” hay “tròn vai” gì cả. Tất cả diễn ra một cách thật nhẹ nhàng và tự nhiên như vốn dĩ nó phải vậy! (mỉm cười)
Nghệ sĩ Đại Nghĩa hạnh phúc và thấy may mắn khi được trải nghiệm "xuất gia gieo duyên" - Ảnh: H.K |
* Vậy, với khóa tu này, Đại Nghĩa đã tìm thấy được những gì và theo anh giá trị lớn nhất mà anh nhận về trong suốt 10 ngày trải nghiệm này là gì?
- Công việc bận rộn luôn cuốn con đi và chính vì vậy mà con thường hay quên quay vào trong để nhìn lại từng giây phút thực tại của mình. Trong khóa tu này con thường được nghe Hòa thượng trụ trì và các giáo thọ nhắc nhở về điều đó qua những bài giảng khi lên lớp. Có lẽ đó là bài học mà con sẽ nhớ nhất - quay vào bên trong, quan sát sự sinh diệt của tâm mình, quan sát hơi thở, gắng giữ chánh niệm trong từng phút giây.
* Thực ra, Đại Nghĩa không chỉ tu tập trong mỗi dịp này. Ngoài thương hiệu một nghệ sĩ đa năng, anh còn được biết đến là một Phật tử thuần thành. Đạo Phật hay lời Phật dạy đã giúp anh giữ mình giữa chốn showbiz được xem là nhiều thị phi ấy như thế nào?
- Con luôn nói với những người bạn đồng đạo cũng là những nghệ sĩ - Phật tử thân thiết với con rằng: “Mình may mắn lắm, mình có phước lắm mới được là Phật tử, được biết đến Phật pháp”.
Con nói điều đó với sự hạnh phúc và biết ơn thật sự. Biết ơn Đức Phật, biết ơn Thầy Tổ, biết ơn quý thầy cô mà con hữu duyên được gặp hoặc được nghe qua băng giảng. Tất cả những nhân duyên ấy đã cho con trở thành một người lương thiện. Dù con có làm bất cứ công việc nào đi nữa nhưng khi đã là một Phật tử, biết Phật pháp thì chắc chắn ánh sáng ấy sẽ soi cho con đi đúng đường, để con không si mê lầm lạc. Hoặc nếu có lỡ chệch hướng do vô tình thì cũng sẽ có thiện tri thức giúp đỡ, dìu dắt. Thực sự, giữa chốn showbiz nhiều sóng gió thị phi, không phải là chưa lần nào mình lạc bước.
Đã có những thời điểm khó khăn, tâm sân hận cũng dậy sóng, tâm bất thiện cũng khởi sanh, nhưng may mắn trong những thời điểm ấy, con cứ “vô tình” gặp những người bạn, những người mà con xem là thiện tri thức để họ nhắc nhở mình, giúp mình vượt qua, quay về với những thiện pháp.
Cũng có những lúc con ý thức được phải tự tìm cách cứu mình, và thế là con tự tìm đến với những vị thầy mà con quen biết, ngồi nghe thầy nói về các pháp sanh diệt để từ đó con giải tỏa thông suốt được những bất ổn trong tâm và tìm được hướng đi nhẹ nhàng hơn.
* Và hơn thế nữa, giáo lý và sự thực tập Phật pháp cũng góp phần giúp Đại Nghĩa tỏa sáng và thành công hơn, sống có chất liệu hơn?
- Khi được học Phật pháp và được áp dụng một phần nào đó vào thực tế cuộc sống, trước tiên con đã thấy là mình “thành công” khi tìm được an lạc, hạnh phúc cho chính mình. Hạnh phúc này không phải địa vị, không phải là danh vọng trong công việc, không phải là những tiện nghi của cuộc sống mà là sự bằng lòng với những gì mình đang có, không bon chen để đạt thêm thành công bằng mọi giá, biết vui với thành công của người khác, biết chan hòa và bao dung với đồng nghiệp và những người xung quanh. Chỉ bao nhiêu đó thôi là con đã nhận được quá nhiều tình yêu thương của mọi người rồi.
Sống như vậy có phải là có “chất liệu” hay không thì con không biết. Con chỉ biết là nhờ vậy mà con hạnh phúc.
Đừng đợi đau mới tìm thuốc hóa giải
* Đến bây giờ, hẳn anh cũng trải qua nhiều sóng gió trong nghề nghiệp và cuộc sống? Ở đây, không nói đến những cảm xúc tiêu cực từ bất như ý nữa, anh có xem những “nỗi khổ niềm đau” là chất liệu để mình tìm về, sống với những lời dạy của Phật hơn?
- Mỗi lần vấp ngã là một lần để con quay về, học lại những lời Phật dạy cho nhớ, một cách sâu sắc hơn, và áp dụng - giúp mình vượt qua nỗi đau.
Vài năm trước, khi con gặp khó khăn trong cuộc sống, sóng gió thị phi bủa vây, một mình con đương đầu với những khó khăn, cứ tưởng mình đã ngã quỵ. Rồi may mắn, thiện tri thức xuất hiện, giúp con nhớ về những lời Phật dạy, con áp dụng để giữ tâm kham nhẫn, giữ tâm không sân hận, oán thù; rải tâm từ bi, yêu thương đến mọi người, kể cả những người đang làm mình thống khổ. Lạ thay, mọi chuyện chuyển biến theo hướng tích cực hơn và con vượt qua giai đoạn khó khăn một cách nhẹ nhàng mà mình cũng không ngờ tới.
Từ đó, con nhận ra rằng, nếu như biết áp dụng đúng những lời Phật dạy vào cuộc sống thì mình có thể hóa giải rất nhiều những nỗi khổ niềm đau. Nhưng, tốt hơn là đừng đợi đến khi đau thì mới tìm đến những phương thuốc để hóa giải.
Nghệ sĩ Đại Nghĩa tham gia khóa lễ tụng kinh - Ảnh: H.K |
* Để có thể bình an mà sống, bình thản mà đi qua hết thảy những sóng gió, cũng như không để mình kẹt lại với hào quang của người nổi tiếng, anh có kinh nghiệm hay phương pháp nào trong chuyện này?
- Con nghĩ là phải luôn giữ tâm mình ở trạng thái nhẹ nhàng nhất có thể. Không quá chạy theo những lời tán dương khen tặng vì sẽ dễ dẫn đến tâm kiêu mạn. Bên cạnh đó, cố gắng giữ tâm không xáo động với những lời lẽ thị phi dù điều đó thật không đơn giản. Nhưng theo kinh nghiệm của con, nếu cứ mải miết chạy theo lời khen tiếng chê thì mình sẽ mất chánh niệm, chẳng bao giờ được bình an.
Ngoài ra, con luôn nghĩ, trong công việc thì mình là nghệ sĩ, nhưng khi bước xuống sân khấu mình cũng chỉ là người bình thường như bao nhiêu người khác mà thôi. Cứ thấy mình thật nhỏ bé thì mọi việc với mình sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn (cười).
* Cuối cùng, nếu có một chia sẻ về tu học với những người trẻ, anh dành lời khuyên nào?
- Trong khóa tu, có những em còn rất trẻ như em nằm kế chỗ con trong căn phòng chung của giới tử nam - chỉ mới có 19 tuổi. Con nói, các em như thế là có phước duyên lớn khi đã sớm biết Phật pháp và có thiện căn tu tập. Bằng tuổi này các em có biết bao niềm vui của thế gian ngoài kia nhưng các em vẫn lựa chọn trải nghiệm cuộc sống của một người tu sĩ. Đó là điều mà con vô cùng ngưỡng mộ ở các em.
Con chỉ mong các bạn trẻ khác cũng kết được duyên lành với Phật pháp bằng những hình thức khác nhau, như tham gia các khóa tu hoặc nghe băng đĩa giảng pháp. Từ đó các bạn sẽ gieo trồng được những thiện căn, sẽ có được Chánh pháp trong tâm. Và khi có được điều đó cũng như khi áp dụng vào thực tế cuộc sống thì các bạn sẽ là những người lương thiện, sống có lý tưởng, có mục đích, làm tốt đời đẹp đạo và có một cuộc sống bình an.
* Xin cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện thú vị này!
Chân dung Nghệ sĩ Đại Nghĩa |
Nghệ sĩ Đại Nghĩa tên đầy đủ là Bùi Đại Nghĩa (sinh năm 1978, tại TP.HCM), là một diễn viên và người dẫn chương trình nổi tiếng.
Anh được biết đến nhiều với lối diễn hài hước, nhất là trong lĩnh vực hài kịch dành cho thiếu nhi với những vai như “Cá mặt ngu” ngốc nghếch, bướng bỉnh trong Ngày xửa ngày xưa 13: Na Tra đại náo thủy cung; “Chuột ù” trong Ngày xửa ngày xưa 5: Cô bé Lọ Lem, “Vua sư tử” trong Ngày xửa ngày xưa 11: Cậu bé rừng xanh, “Tể tướng lùn Jafar” vui tính trong vở Một ngày làm vua; “Thần khói” trong Chuyện ngày xưa 19: Thần lửa và những chú chim nhỏ...
Đại Nghĩa từng là diễn viên thuộc biên chế của Sân khấu kịch IDECAF và được đánh giá là một trong những diễn viên triển vọng nhất của sân khấu này. Bên cạnh đó, anh còn là gương mặt quen thuộc trên truyền hình với công việc người dẫn chương trình cho một số chuyên mục giải trí của Đài Truyền hình TP.HCM và Đài Truyền hình Việt Nam như Chuẩn cơm mẹ nấu, Gương mặt thân quen...
Nghệ sĩ Đại Nghĩa còn được biết đến là một Phật tử trường chay và là người tích cực trong các hoạt động từ thiện, và là học viên về Phật học của khoa Đào tạo từ xa thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM.