Nghe pháp quan trọng, quan trọng hơn là thực hành giáo pháp

Phật tử nghe pháp - Ảnh: Phan Cang
Phật tử nghe pháp - Ảnh: Phan Cang
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nghe pháp như thế nào cho có lợi lạc? Đại đức Thích Tuệ Nhật, Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư đã có cuộc trò chuyện với Giác Ngộ về chủ đề này.

Qua đó, thầy trình bày góc nhìn của một người đã có quá trình tham gia ngành hướng dẫn phật tử và giảng dạy giáo lý cho các khóa tu ở nhiều đạo tràng.

* Thưa thầy, nghe pháp là một trong những thiện nghiệp mang lại nhiều lợi lạc cho người học Phật. Đức Phật đã dạy về những lợi ích của việc nghe pháp là gì?

- Nghe pháp là một trong những thiện nghiệp mang lại nhiều lợi lạc cho Phật tử và người yêu mến đạo Phật. Cơ bản, trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy, nhờ nghe pháp, chúng ta có được 5 điều lợi ích.

Đại đức Thích Tuệ Nhật

Đại đức Thích Tuệ Nhật

Thứ nhất, chúng ta nghe được điều mà trước giờ chưa từng được nghe, chưa từng được biết. Thứ hai, là bổ sung và củng cố thêm những điều đã nghe, đã biết, làm cho kiến thức, trí tuệ của mình vững chãi hơn. Thứ ba, chấm dứt được những hoang mang, nghi ngờ mà trước giờ chưa được giải đáp. Thứ tư, hỗ trợ chúng ta phát huy được chánh tri kiến (hiểu biết chân chánh) - điều đầu tiên trong Bát chánh đạo. Thứ năm, giúp chúng ta có niềm vui - hỷ lạc trong Chánh pháp.

Trong kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa cũng nói giá trị cực kỳ lớn của nghe pháp đó là người nghe giác ngộ được chân lý. Sau thời pháp thoại, nếu có thực hành, thâm nhập, giác ngộ chân lý hành giả sẽ có thể chứng đắc được các quả vị (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán), như trường hợp năm anh em ngài Kiều Trần Như đã chứng A-la-hán sau khi nghe bài kinh Chuyển pháp luânVô ngã tướng của Đức Phật.

* Tuy nhiên, không phải buổi giảng nào cũng mang lại lợi lạc cho người nghe. Bằng chứng là có những pháp thoại đã vấp phải tranh cãi, phản ứng trái chiều trên mạng xã hội?

- Về cơ bản, một buổi giảng pháp có rất nhiều lợi ích. Nhưng, không phải buổi giảng nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả thính chúng. Trong một buổi giảng, người nghe có thể chưa thỏa mãn, thậm chí bất mãn. Sau đó có những tranh cãi.

Mạng xã hội ngày nay rất phát triển nên người nghe, người tham gia mạng xã hội có thể đưa lên đó để phản biện, tranh luận, góp ý, thậm chí chỉ trích. Do vậy, tôi nghĩ, khi giảng pháp, giảng sư cần hết sức thận trọng khi nói về giáo pháp Đức Phật, tránh nói những điều nhạy cảm, những điều dễ gây tranh cãi - để không có những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội, quần chúng.

* Vậy, giữa rất nhiều bài pháp thoại được phát hành rộng rãi dưới nhiều hình thức hiện nay, từ băng đĩa đến các kênh mạng xã hội, làm thế nào để Phật tử có thể chọn được bài giảng phù hợp, mang lại lợi lạc cho họ?

- Ngày nay có rất nhiều bài pháp thoại được phát trên mạng xã hội. Phật tử thích vị nào đều dễ dàng tìm nghe vị đó. Vậy làm sao để chọn được bài pháp phù hợp, mang lại lợi ích người nghe pháp?

Để trả lời được câu hỏi đó, cần phải hỏi, họ (Phật tử, thính chúng - PV) muốn nghe gì? Ví dụ, họ muốn nghe về Tam bảo, quy y, giữ gìn năm giới, họ phải tìm bài giảng về Tam quy Ngũ giới. Nếu họ muốn hiểu về luân lý đạo đức của nhà Phật, tính chất vô thường (liệu là tiêu cực hay tích cực) thì phải tìm bài giảng về vô thường. Nếu muốn hiểu về nhân quả, phải tìm “nhân quả trong nhà Phật”…

Sau khi xác định được muốn nghe đề tài gì mới đến chọn giảng sư. Nên chọn vị giảng sư uy tín, là vị thầy đức hạnh, uyên thâm giáo lý, có sự thực hành Chánh pháp, có uy tín trong giới Phật giáo cũng như ngoài xã hội. Đó là những vị cao đức, các bậc Hòa thượng có nhiều kinh nghiệm giảng pháp, hướng dẫn đạo tràng thì như thế lợi ích của việc nghe pháp sẽ rất lớn.

* Về kinh nghiệm cá nhân của mình, khi chia sẻ pháp thoại, thầy thường nói nội dung gì để pháp thoại ấy lợi lạc cho số đông, tránh được những chỉ trích không đáng có (như lúc nãy có đề cập)?

- Khi giảng pháp, tôi (bắt buộc) tìm hiểu đạo tràng đó họ muốn nghe gì, đang tu tập pháp môn gì; khóa tu đó là khóa tu gì (Phật thất, trì chú, hay thiền…). Khi đó mình sẽ có đề tài phù hợp.

Để tránh được chỉ trích không đáng có, tôi còn xem đạo tràng đó muốn nghe mình nói gì. Nếu họ đang trông chờ mình nói về thiền Nguyên thủy, Đại thừa hay Thiền phái Trúc Lâm, thì mình tùy thuận. Hoặc họ đang tu Tịnh độ, họ sẽ muốn gia cố cho họ tín - hạnh - nguyện. Tìm hiểu kỹ đối tượng nghe pháp sẽ có nội dung tương ứng. Đức Phật cũng tùy bệnh chúng sinh mà bốc thuốc. Nếu học được nghệ thuật cho thuốc phù hợp của Ngài, giảng sư sẽ nói pháp có lợi lạc cho số đông.

Đặc biệt, không nên đả kích, nói nội dung liên quan đến chính trị, tôn giáo này tôn giáo khác, pháp môn này pháp môn kia hay những điều dư luận tranh cãi ồn ào trong xã hội chưa có câu trả lời cuối cùng từ các cơ quan chức năng cũng như trong Phật giáo. Nếu giảng sư đề cập đến những vấn đề này có thể gây ra tranh cãi thêm, xôn xao dư luận. Như đã nói, mạng xã hội ngày nay rất phát triển, cộng đồng mạng sẽ đưa lên đó để bình luận, có khi nội dung giảng sư nói chỉ một mà qua “diễn đàn” biến thành hai, ba… Khi đó, cộng đồng sẽ phanh phui những điều chưa phù hợp liên quan bài giảng.

Do vậy, khi giảng pháp, tôi nghĩ cần đúng Chánh pháp, giáo lý nhà Phật, truyền thống văn hóa cũng như luân lý đạo đức dân tộc Việt Nam chúng ta.

* Nếu có Phật tử hỏi, con nên tìm thầy nào, pháp thoại nào để nghe, Thầy sẽ hướng dẫn họ như thế nào?

- Muốn tìm thầy để nghe, cần có hiểu biết về các vị thầy. Chắc ăn nhất là nghe những bài giảng của các vị tôn đức lớn như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Thiền sư Thích Thanh Từ… Với các vị cao đức, khi nghe pháp, tâm mình được mở mang ra.

Tuy nhiên cũng có vị thích các pháp thoại của các thầy trẻ vì phù hợp với tâm tư nguyện vọng của họ. Theo tôi, khi nghe các thầy trẻ, Phật tử phải chọn lọc xem tâm tư của mình phù hợp với phong cách thầy nào, bài giảng - nội dung trong đấy giúp ích gì cho mình, chứ không phải nghe thầy giảng vui tai, cười lên, vỗ tay rồi thấy thích. Như thế, chỉ mang tính chất giải trí thôi. Nội dung bài pháp mới quan trọng, do vậy tìm một vị thầy cũng là cả quá trình, phải nghe qua pháp thoại.

Pháp thoại nào để nghe, như đã nói, Phật tử phải biết cần điều gì trong giáo pháp nhà Phật? Nếu chưa biết gì hết, phải nghe căn bản từ đầu. Tham gia các khóa tập huấn của Ban Hoằng pháp về giáo lý căn bản như nghi lễ, oai nghi, lịch sử Đức Phật, Tam quy, Ngũ giới, nhân quả, vô thường, nghiệp báo… (Có nhiều cấp bậc). Nội dung tùy vào căn cơ, trình độ mỗi người. Còn chọn vị thầy, phải nghe qua vài vị, sau đó tham khảo ý kiến các vị lớn mới biết vị nào phù hợp với mình.

* Theo thầy, Giáo hội có cần có những quy định hay thẩm định về pháp thoại của giảng sư sinh hoạt trong lòng Giáo hội trước khi phát hành rộng rãi?

- Đúng là Giáo hội, Ban Hoằng pháp T.Ư cần có quy định thẩm định các bài giảng pháp của giảng sư sinh hoạt trong lòng Giáo hội trước khi phát hành rộng rãi cho Phật tử nghe hay đưa lên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều này làm cũng rất khó, vì hiện tại vị giảng sư nào cũng có thể quay, dựng phim, thậm chí livestream (phát trực tiếp), nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.

Cũng phải khẳng định là, những vị giảng sư trong Ban Hoằng pháp T.Ư, tỉnh thành, thậm chí quận huyện cơ bản đã chuẩn. Bên cạnh đó, Ban Hoằng pháp T.Ư đã có quy chế hoạt động của Ban, bộ quy tắc cho giảng sư. Các vị đó cũng kinh qua nhiều cấp đào tạo, tập huấn (cao cấp, trung cấp, chuyên ngành Hoằng pháp của học viện).

Nếu giảng xong một bài, cảm thấy chỗ nào chưa ổn, giảng sư có thể cắt bỏ trước khi đưa lên mạng, như thế sẽ lợi ích hơn. Nhưng, như đã nói không phải giảng sư nào cũng kiên nhẫn, kỹ lưỡng trong biên tập bài giảng, thậm chí còn muốn nhanh chóng phát trực tiếp do tính nóng hổi của sự kiện, mong muốn tương tác nhanh. Chính điều này đã dẫn tới những vụ việc tranh cãi đáng tiếc.

Mỗi Phật tử sẽ có một căn cơ, trình độ khác nhau để chọn một vị thầy phù hợp, nương theo tu tập từ khi bước chân vào đạo đến cuối cuộc đời. Người thích tu thiền chọn thầy chuyên sâu tu thiền, người thích tu Mật tông chọn vị thầy tu mật…

Cách hay nhất của Phật tử là không nên đứng núi này khích bác núi khác, mà cần tôn trọng tất cả vị thầy, vì họ đều là đệ tử của Đức Phật, đều xếp trong hàng Tăng bảo, là giảng sư có uy tín, có trình độ và có tu tập trong pháp môn của họ. Nếu giảng sư giảng sai Phật tử mới có quyền lên tiếng, góp ý. Còn họ xiển dương pháp môn họ, mình cũng xiển dương pháp môn mình, đừng khích bác.

Khi Phật tử biết mở tâm ra thì sẽ học được nhiều pháp môn. Còn tự mình đóng khép, trói buộc mình với pháp môn, với chỉ thầy mình - điều này là chấp thủ, tâm mình sẽ bị bó hẹp. Trong hạnh nguyện Phổ Hiền có hạnh “thường tùy Phật học”. Các Phật tử thường chỉ tôn sùng một vị thầy, cần nên phát hạnh nguyện Phổ Hiền này.

Đại đức Thích Tuệ Nhật,

Phó Thư ký kiêm Phó Văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư

* Nghe pháp như thế nào cho có lợi lạc? Giác Ngộ mong rằng sẽ nhận được nhiều chia sẻ của chư tôn đức Tăng Ni, như một hướng dẫn cho Phật tử. Và cả ý kiến của quý Phật tử, như một chia sẻ kinh nghiệm nghe pháp và thực hành lời Phật dạy. Bài vở gửi về: onlinegiacngo@gmail.com. Bài hay sẽ được chọn đăng trên Tuần báo và Giác Ngộ online.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.