GNO - Chiều tối 14 tháng Giêng và sáng nay, 15-1 (rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu), nhiều người dân và Phật tử trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã về chùa An Thái (Quỳnh Lưu) để cầu an cho gia đình.
Theo ghi nhận của CTV Giác Ngộ online vào khoảng 10g tối 14 và sáng 15 tháng Giêng âm lịch, tại chùa An Thái có hàng trăm người dân đến thắp hương cầu an, không khí rằm tháng Giêng diễn ra hết sức sôi nổi nhưng cũng đầy trang nghiêm.
Rằm tháng Giêng đi chùa, mỗi người đều gửi gắm ước nguyện một năm mới nhiều niềm an vui
Tại đỉnh núi Phượng, nơi có tượng Quan Âm Nam Hải trong khuôn viên chùa An Thái, chị Trần Thị Trương (thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu) cho biết, năm nào Tết và đến rằm tháng Giêng, chị và gia đình cũng đến chùa này để cầu an cho gia đình. Theo chị Hạnh, chùa An Thái là một ngôi chùa đẹp và cũng rất linh thiêng nên được nhiều người tìm đến trong dịp đầu năm.
Theo quan sát của Giác Ngộ online, ngoài những người trung niên, lớn tuổi thì còn có khá nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên và đặc biệt có rất nhiều thanh niên là ngư dân vùng biển xứ Quỳnh cũng đến đây thắp hương.
Anh Cường (38 tuổi), ngư dân ở xã Sơn Hải cho hay, rằm tháng Giêng anh thường đi chùa để cầu sức khỏe, cầu may mắn, mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa.
Đặc biệt, hiện nay ở chùa An Thái bố trí thờ phụng các hương linh của người đã khuất nên dịp này con cháu cũng tề tựu về đây thắp nén nhang tưởng nhớ về tổ tiên, ông bà và tham gia vào các lễ cầu an, cầu siêu tại chùa.
ĐĐ.Thích Hải An, trụ xứ chùa An Thái cho biết, nhà chùa thường tổ chức lễ cúng Phật vào buổi sáng, buổi trưa tổ chức bữa cơm chay đầu năm mời các Phật tử xa gần về dự; tối có nghi thức cầu an cho đại chúng.
Dịp này chùa còn làm lễ quy y, tạo điều kiện để những người có duyên với Phật giáo được chính thức trở thành Phật tử và học tập theo những điều Phật dạy.
Dù nhân dân và du khách về chùa lễ Phật rất đông, nhưng với sự sắp xếp khoa học của nhà chùa và ý thức của mọi người nên không có sự lộn xộn, chen lấn, đốt tiền, đốt vàng mã, thắp hương tràn lan. Từng dòng người đi lễ chùa trong sự náo nức nhưng trang nghiêm, thành kính. Mỗi người một ý nguyện chân thành, mong muốn bày tỏ tấm lòng thành kính của mình với Đức Phật, tổ tiên.
Hữu Tình