Nghệ An: Chính thức khai hội đền - chùa Gám

GNO - Sáng nay, 30-3 (14-2-Mậu Tuất ), xã Xuân Thành, huyện Yên Thành đã tổ chức khai hội đền - chùa Gám năm 2018 và đón nhận bằng bảo trợ Di tích Lịch sử Văn hóa đền - chùa Gám là Di tích có giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam do Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng.

0000.jpg


Chương trình nghệ thuật chào mừng

Đến dự có đại diện lãnh đạo BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, huyện Yên Thành, xã Xuân Thành cùng hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử, người dân và du khách thập phương.

Mở đầu buổi lễ là chương trình biểu nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc và truyền thống Phật giáo, tái hiện không khí lễ hội đầy màu sắc.

Sau nghi lễ khai chuông, trống, chư tôn đức Tăng Ni, đại biểu cùng dâng hương chúc phúc đầu năm, cầu quốc thái dân an.

00001.jpg


Chư tôn đức, đại biểu chính quyền và đông đảo du khách tham dự lễ khai mạc

Tại buổi lễ, ông Vũ Văn Hồng, UV BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam - Giám đốc Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao đã trao bằng bảo trợ Di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Gám là Di tích có giá trị lịch sử, văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam.

Theo đó, cụm Di tích đền - chùa Gám được Liên hiệp các Hội UNESCO Viêt Nam giúp đỡ tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về ý nghĩa giá trị của hoạt động bảo tồn di tích; đồng thời xem xét bảo lãnh bằng pháp nhân và hình ảnh của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam để kêu gọi sự giúp đỡ của xã hội trong trường hợp cụm di tích bị xâm hại hoặc đe dọa bởi thiên tai.

0002.jpg


Ông  Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đánh trống khai hội

Được biết, Di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Gám nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sinh thái rú Gám - một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo độc đáo. Chùa được xây dựng vào thời Trần, thuộc phái Trúc Lâm - dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và được xem là Phật giáo chính thức của Đại Việt xưa.

Hàng năm, từ ngày 13 tới 15-2 âm lịch, địa phương lại tổ chức lễ hội truyền thống, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của quê hương, đồng thời đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

0003.jpg


Ông Vũ Văn Hồng trao Bằng bảo trợ Di tích lịch sử văn hóa đền - chùa Gám

Phần hội năm nay diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như: đẩy gậy, cầu lông, cờ thẻ, cờ người, bịt mắt đập niêu, trống tế, biểu diễn nghệ thuật của đoàn chèo xứ Thanh và đoàn tuồng kẻ Gám... Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức chương trình thuyết giảng, thắp hoa đăng, lễ quy y và lễ cầu an.

Mặc dù lượng du khách và Tăng Ni, Phật tử tham dự rất đông, nhưng không có tình trạng xô đẩy chen lấn, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình dưới mọi hình thức; không có bán hàng rong, hành khất ăn xin..

Trong những ngày diễn ra lễ hội, Ban tổ chức đã huy động 400 tình nguyện viên tham gia phục vụ, tiếp đón và hướng dẫn du khách; chuẩn bị 20.000 ngàn suất cơm chay, nước uống và tổ chức giữ xe miễn phí cho du khách ở xa về tham gia lễ hội.

0004.jpg


Chư tôn đức Tăng, đại biểu chính quyền dâng hương  tại cụm Di tích đền - chùa Gám

0005.jpg


Nhiều hoạt động thể thao với quy mô cấp tỉnh diễn ra tại lễ hội

Chiều, tối nay, tại lễ hội tiếp tục diễn ra các trận thi đấu thể thao, trò chơi truyền thống và trình diễn nghệ thuật. Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra lễ rước kiệu trang nghiêm từ đền - chùa Gám lên đến rú Gám và lễ khởi công xây dựng chính điện thiền viện Trúc Lâm Yên Thành (vào sáng mai, 31-3).

Hữu Tình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.