GNO - Ngày đầu năm, PV Giác Ngộ có dịp hầu chuyện cùng HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, trụ trì tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về điểm gặp gỡ giữa Truyện Kiều và giáo lý Phật giáo. Hòa thượng chia sẻ:
HT.Thích Giác Toàn
Là người Việt Nam, khi nói đến Truyện Kiều không ai là không biết, từ trí thức cho đến bình dân, khi đọc, ngâm hoặc nghe Truyện Kiều thì cảm thấy tinh thần thoải mái, đặc biệt sau những giờ lao động vất vả được ngâm hoặc nghe vài câu Kiều lại cảm thấy thi vị, cuộc sống tinh thần nhẹ nhàng, hưng phấn hơn.
Ở đây, chúng tôi chỉ xin chia sẻ về điểm gặp gỡ giữa Truyện Kiều và giáo lý đạo Phật. Khi đọc Truyện Kiều, chúng ta thấy rõ thân phận con người và tính nhân quả của con người trong cuộc sống. Có thể nói đại thi hào Nguyễn Du đã nghiên cứu, thẩm thấu được giáo lý Đức Phật và thực tế cuộc sống nhân sinh trong đời. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã chuyển tải nội dung của Truyện Kiều dựa trên tác phẩm “Thanh Tâm Tài Nhân” của người Trung Hoa, để viết bằng chính thể thơ lục bát của Việt Nam.
Mở đầu Truyện Kiều, ông đã viết:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Qua đó, thân phận con người đang dần được phơi bày, có thể nói đây là điểm gặp nhau giữa Phật giáo và Truyện Kiều. Giáo lý của Phật dạy cũng lấy con người là trung tâm điểm hướng đến, nhằm giải thoát khổ đau cho con người và đưa họ dần nhận ra thực tướng huyễn ảo về thân phận vô thường của chính mình.
Cho đến đoạn kết, thi hào đã nhấn mạnh chữ tâm của nhà Phật. Một khi được thọ thân làm người dù đẹp hay xấu bao nhiêu nhưng khi đi qua dòng đời thì cũng long đong lận đận và gian nan. Ở đây, cái tâm của cuộc sống cũng dần được hiện lên như người ta thường nói là một cái kết có hậu. Sau 15 năm lao đao, lận đận, Thúy Kiều đã gặp lại Kim Trọng.
“Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa”
Cho dù mình có bị vùi giập, nhưng cái tâm thủy chung son sắt vẫn không bao giờ thay đổi, tôi cho đây là cái đẹp và thiên lương mà tư tưởng Đại thừa Phật giáo đề cập đến ở những bộ kinh lớn, hay là cách gạn lọc thân tâm trong ý thức “tội tánh vốn không”.
“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Để rồi khi kết thúc Truyện Kiều, đại thi hào cho chúng ta thấy được cái thanh thoát trong tinh thần thi nhân sống là cống hiến cho đời và xem đây như là một cuộc vui, tinh thần thiền vị nơi đây thể hiện rất rõ “Nhạn bay trên trời, cá lội dưới nước không hề lưu lại vết tích”. Trong cuộc sống chúng ta hãy làm hết sức mình để đền đáp, phụng sự chúng sanh, phục vụ cho con người nhưng đừng bảo thủ cố chấp vì những điều mà ta đã làm.
“Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”
Có thể nói rằng khi đọc và chia sẻ về Truyện Kiều, chúng ta đã nhận ra nơi Nguyễn Du một tinh thần thực sự thẩm thấu giáo lý của nhà Phật và vận dụng những điều đó vào sự nghiệp thơ ca của mình. Thân phận của con người trước cuộc sống, nhận ra được nghiệp dĩ nhân quả khổ đau mà lúc còn mê lầm vô minh tạo tác thì không hề hay biết nhưng khi nhận lãnh kết quả xấu thì lại than trời trách đất. Khi bị vùi giập trong đau khổ, chúng ta cần giữ vững tâm lực Bi-Trí-Dũng, không than vãn, không trách cứ mà nên tự biết soi xét về mình thì mới nhận ra “được - mất, có - không”. Và chỉ khi thật sự dừng lại để suy nghĩ và nhận biết về mình, về cuộc sống thực tế để thanh lọc nghiệp tội của mình thì lúc đó chúng ta mới vỡ lẽ ra mọi thứ đều là:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Qua đó chúng ta thấy rõ tính nhân quả của Phật giáo, mọi thứ đều do tâm. Khi ta không biết thì luôn ngộ nhận mọi thứ tưởng là của mình. Nơi đây, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tính nhân văn ở trong tác phẩm khi thi hào đã hòa nhập với mọi người, sống cùng nỗi khổ của họ, ngay cả những lầm lạc của họ và thông qua đó Nguyễn Du đã dẫn người đọc đi từ từ và thâm nhập vào thực tế cuộc sống để cuối cùng khi nhận ra được chính ta rồi thì mọi vấn đề đều được hóa giải.
Trước thế giới xã hội văn minh, chúng ta được sống trong môi trường như vậy đó chính là hạnh phúc lớn. Vì thế, cần xa lìa tâm bi quan và nhận thức; nếu chưa thấu đáo về chiều sâu tâm tánh thì không nên chủ quan, bảo thủ, cần phát huy và kế thừa những điều tốt đẹp mà thế hệ cha ông để lại. Là thế hệ kế thừa, thiết nghĩ chúng ta nên bình tâm và đừng chạy theo những ảo giác, biết tiết chế trong suy nghĩ và hành động, làm chủ được mình thông qua giáo lý nhân quả của Phật giáo. Hãy luôn giữ tâm trong sáng với mọi người xung quanh, thông qua đó tạo nên sự gắn kết và yêu thương những con người cùng sống trong cộng đồng xã hội.
Cầu nguyện chư Phật, chư vị thánh hiền, tổ tiên luôn gia hộ cho đất nước và dân tộc Việt Nam luôn được sống trong hòa bình, thịnh vượng…, những người Phật tử xa gần, những người quen hay chưa quen mỗi năm đi qua luôn ý thức được lời Phật dạy và ứng dụng vào đời sống hiện tại để tự hoàn thiện bản thân cho được an vui và mọi người xung quanh cũng đều được an vui.
Quảng Hậu ghi