GNO - 9 giờ sáng nay, 30-5-2015, ngày làm việc thứ 3 của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ XII đã diễn ra trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc (Bangkok, Thái Lan). Tham dự hội nghị gồm có hơn 2.000 đại biểu chính thức từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.
>> Ngày thứ 2: Hội thảo Đại lễ Vesak 2015 bàn nhiều vấn đề "nóng"
Các vị lãnh đạo chính trị, tôn giáo trên hàng ghế danh dự tại buổi làm việc sáng nay
Đến dự Hội nghị còn có các vị khách mời đặc biệt: ông Shun-ichi Murata, Phó Chánh Thư ký UNESCAP; ông Gwang- Jo Kim, Giám đốc UNESCO tại Thái Lan; ông Suwaphan Tanyuvardhana, đại diện Văn phòng Chính phủ Thái Lan; đại diện các tổ chức quốc tế và nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo từ nhiều quốc gia khác.
Từ 8 giờ sáng, toàn thể khách mời và đại biểu đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc (Bangkok). Sau khi làm thủ tục đăng ký và hoàn tất các khâu kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, đoàn đại biểu tiến vào hội trường chính vào lúc 8g30.
Trước khi đi vào chương trình chính thức, đại diên các truyền thống Phật giáo đã tụng kinh cầu gia bị, nguyện cầu hòa bình thế giới, đồng thời dành phút mặc niệm cho nạn nhân trong trận động đất vừa qua tại Nepal.
Đoàn Việt Nam tham dự Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc tại Trung tâm Hội nghị LHQ tại Bangkok
HT.Thích Thiện Pháp, Trưởng Phái đoàn PG VN tham dự Đại lễ
HT.Thích Thiện Tâm tại buổi làm việc sáng nay, 30-5
Đại diện Phật giáo Đại thừa tụng kinh cầu gia bị
Buổi lễ chính thức bắt đầu bằng diễn văn chào mừng của Phó Chánh thư ký UNESCAP, ông Shun-ichi Murata. Bản thân là một Phật tử, ông bày tỏ niềm vinh dự lớn lao khi hai lần được tham dự Đại lễ Vesak với tư cách là đại diện cho Liên Hiệp Quốc. Ông nhấn mạnh, Phật giáo và nhân sinh luôn luôn hòa hợp, tuy hai mà không khác. Trong thời đại hiện nay, mối liên hệ mật thiết ấy cần được nhân rộng ra vì lợi ích của toàn nhân loại. Ông cũng gởi lời chúc sức khỏe đến toàn thể đại biểu và cầu chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Trước đó, Hòa thượng GS.TS.Phra Brahpundit, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ XII, điều phối chính chương trình Hội nghị sáng nay, đã nhắc lại ý nghĩa lớn lao của Ngày Vesak LHQ đối với Phật tử nói riêng và toàn thể thế giới nói chung.
Hòa thượng GS.TS.Phra Brahpundit, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ XII
Thông điệp chào mừng của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon do ông Shun-ichi Murata đại diện đọc, trong đó có đoạn: “Tinh thần của Đại lễ Vesak có thể giúp cổ vũ và khuyến khích một trách nhiệm toàn cầu về những thách thức của thời đại chúng ta ngày nay. Vì thế trong năm 2015 này, Liên Hiệp Quốc đã thực hiện những thay đổi hài hòa của một loạt những mục tiêu phát triển vững bền và đồng thuận mới mang ý nghĩa quan trọng về biến đổi khí hậu.
Chúng ta cần thực hiện thật tốt những lời dạy của Đức Phật rằng cuộc sống và môi trường là những yếu tố căn bản. Và sự quán chiếu của Đức Thế Tôn về ý niệm mọi người đều có mối tương quan lẫn nhau nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của sự thống nhất như một của cộng đồng nhân loại để diễn giải những xung đột dựa trên các giá trị phổ quát”.
Thông điệp chúc mừng của bà Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova được ông Gwang- Jo Kim, Giám đốc UNESCO tại Thái Lan đại diện tuyên đọc. Trong bài phát biểu nhân ngày Vesak LHQ này, bà muốn nêu bật lên tầm quan trọng của những lời dạy và tuệ giác của Đức Phật để xây dựng và gìn giữ hòa bình thế giới dựa trên nên tảng của tôn trọng và bình đẳng nhân cách.
Bà nói rằng rất tự hào khi là một Phật tử thuần thành, những lời dạy của Đức Phật đã giúp ích rất nhiều không những cho bản thân bà mà còn áp dụng trong nguyên tắc làm việc của mình. Bà nhắc lại lời Đức Phật: “Tất cả đều do tâm mà ra. Tâm là nhân, hiện thực là quả” - lời dạy ấy đã vang vọng đâu đó trong hiến pháp UNESCO được viết cách đây hơn 70 năm: “Kể từ khi chiến tranh bắt đầu trong tâm trí của con người, từ đó cũng trong tâm trí con người đã hình thành tư tưởng đấu tranh vì hòa bình”.
Bài phát biểu của ông Suwaphan Tanyuvardhana, đại diện Văn phòng Chính phủ Thái Lan khẳng định giáo lý mà Đức Phật đã để lại hơn 25 thế kỷ qua vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Giáo lý ấy là giáo lý bất bạo động, giáo lý của tình thương hướng con người đến một thế giới hòa hợp, không chiến tranh, không hận thù. Giáo lý ấy là giáo lý của tuệ giác, của chánh niệm hướng con người đến cuộc sống thánh thiện, giải thoát. Do đó, Phật giáo là một lối sống mà trong đó con người có thể tự hoàn thiện bản thân bằng chính năng lực và nỗ lực của mình.
Trong bài thuyết trình của mình về đề tài: “Nghĩa vụ Hoàng gia của Công chúa Maha Chakri Siridhorn trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60”, ông Suphachai Chearavanont đã trình bày sơ lược cuộc đời, phẩm hạnh cùng những công đức to lớn của công chúa đối với nhân dân Thái. Đặc biệt hơn, công chúa luôn thành tâm ủng hộ Phật giáo và tích cực trong các công tác Phật sự nước nhà.
Ông Gwang- Jo Kim, Giám đốc UNESCO tại Thái Lan
Ông Suwaphan Tanyuvardhana, đại diện Văn phòng Chính phủ Thái Lan phát biểu
Đại biểu lắng nghe phát biểu
Gởi đến chúc mừng Đại lễ còn có thông điệp của Thủ tướng Thái Lan, ông Prayuth Chan-o-cha. Đại diện cho toàn thể nhân dân Thái Lan, ông bày tỏ niềm vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại này với sự góp mặt của các đại biểu Phật tử đến từ khắp nơi trên thế giới cùng về đây để kỷ niệm ngày lễ Vesak. Đối với người dân Thái Lan, sự kiện này đặc biệt hơn nữa khi còn là dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của Công chúa Maha Chakri Sirindorn với sự ủng hộ của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan, Tăng già Thái Lan cũng như sự góp mặt của hơn 5.000 học giả Phật giáo đến từ 84 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tiếp theo chương trình buổi sáng là thông điệp của lãnh đạo chính trị, tôn giáo của các quốc gia và vùng lãnh thổ do đại diện các phái đoàn gởi đến chúc mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2015, gồm có ông Nandimitra Ekanayaka, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Sri Lanka; bà Nang Shwe Hmone, phu nhân Phó Chủ tịch Myanmar; HT.Kakuhan Enami, Chủ tịch ITRI (Nhật Bản) và nhiều vị lãnh đạo khác. Phiên làm việc buổi sáng kết thúc vào lúc 11g cùng ngày.
Đại biểu tham dự
Toàn cảnh Hội nghị
Phiên làm việc buổi chiều tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc tại Bangkok sẽ bao gồm phiên họp tổng thể lần cuối, thông cáo Tuyên bố Bangkok, chương trình bế mạc.
Cuối cùng, trong khuôn khổ chương trình là buổi thắp nến cầu nguyện hòa bình thế giới tại Công viên Phật giáo Buddhamonthon.
Giác Ngộ online sẽ cập nhật ở bản tin sau...
Nhuận Tú - Bảo Toàn
(từ Bangkok)