Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10: Sự dấn thân của Ni giới

GN - Ni giới Phật giáo Việt Nam chiếm số lượng gần phân nửa tổng số Tăng Ni toàn quốc

images.jpg

Nhiều thế hệ chư Ni đã được giáo dục qua năng lực giáo hóa của chư tôn đức Ni, và đã trở thành những người tài giỏi, đạo hạnh… - Ành: Minh họa

(20.571/46.495), trú xứ trên 8.000 tự viện. Cho đến nay, đã có 33 tỉnh thành đã thành lập Phân ban đặc trách Ni giới.

Ở những năm thập niên 50 của thế kỷ trước, lịch sử Phật giáo đã ghi nhận sự cống hiến đạo nghiệp của những vị tôn đức Ni nổi tiếng về đạo hạnh như Sư bà Diệu Không, Ni trưởng Như Thanh… và sau này là Ni sư Huỳnh Liên, NT.TN Huyền Huệ, Ni trưởng Bạch Liên, Ni trưởng Tạng Liên… Nhiều thế hệ chư Ni đã được giáo dục qua năng lực giáo hóa của chư tôn đức Ni, và đã trở thành những người tài giỏi, đạo hạnh… đóng góp đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của Phật giáo nước nhà. Song, năng lực và tầm hoạt động của chư Ni vẫn còn những lực cản do một vài quan niệm bảo thủ.

Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, Ni giới Việt Nam đã tăng trưởng mạnh cả về lượng và chất. Sự có mặt của chư Ni tham gia trong các bộ máy lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở đã nói lên điều đó. Nhiều vị đã tốt nghiệp học vị tiến sĩ, cao học, thạc sĩ… từ nước ngoài đã trở về đóng góp năng lực cho sự nghiệp Giáo hội.

Chư Ni tốt nghiệp cử nhân Phật học trong nước đã mạnh dạn dấn thân đi hoạt động và trú xứ truyền bá Phật pháp ở vùng sâu, vùng xa và miền núi. Nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội do chư Ni đảm trách đã rất thành công như trường mẫu giáo, nhà trẻ, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, nhà dưỡng lão, chăm sóc người bệnh HIV-AIDS… và đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động từ thiện xã hội, chư Ni hoạt động rất hiệu quả.

Ngoài ra, họ còn tham gia các hoạt động đoàn thể phụ nữ và đạt được giải cao qua các hội thi cắm hoa, nấu ăn chay, làm bánh mứt… và một số vị có vai trò trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ… ở địa phương. Ngoài những hoạt động Phật sự và xã hội trong nước, cùng với chư Tăng, Ni giới Việt Nam cũng đã triển khai các hoạt động xây dựng chùa chiền ở nước ngoài như Ấn Độ có chùa Kiều Đàm Di của NS.Khiết Minh, Viện chủ chùa Kim Liên (Q.4), cứu tế đồng bào Khmer nghèo ở các vùng xa của vương quốc Campuchia…

Những thành tích hoạt động của Ni giới Phật giáo là rất đáng tự hào, góp phần làm nổi bật vị trí của người phụ nữ Việt Nam là bình đẳng trong các lĩnh vực đóng góp qua việc xây dựng đất nước, xây dựng và tăng trưởng ngôi nhà GHPGVN.

82 năm trước, phụ nữ Việt Nam đã mở đầu trang lịch sử của giới mình khi Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam được thành lập vào ngày 20-10-1930. Và, ngày này đã được chọn chính thức là ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam . Năm 2004, đứng trước nạn ngược đãi phụ nữ, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 37, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã ký thông qua “Tuyên bố xóa bỏ nạn bạo lực đối với phụ nữ”.

Luật pháp Việt Nam cũng đã thi hành những án phạt đối với các hành vi gây nguy hiểm cho phụ nữ như bạo hành, hiếp dâm, bức tử… Dù xuất phát từ những nguyên nhân nào đi nữa, việc ngược đãi phụ nữ đều phải bị lên án vì đó là những hành vi xúc phạm nhân phẩm, sỉ nhục, hành hạ con người… mà lương tri và đạo lý không cho phép.

Việc góp phần chuyển hóa ý thức về quyền phụ nữ, về chống bạo lực đối với phụ nữ cũng là một phần trách nhiệm của Ni giới tại các địa phương, cùng với đoàn thể địa phương tuyên truyền giáo dục hôn nhân gia đình để mang đến một đời sống an lạc, hạnh phúc, cho phụ nữ nói riêng và cho toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.