Ngày lễ Vu Lan: Những "lời ca" dâng mẹ!

(VnMedia) - Đã từ rất lâu, một truyền thuyết của nhà Phật đã "hóa thân" trở thành một mỹ tục trong đời sống văn hóa người Việt Nam, mỗi năm chúng ta lại có một ngày Vu lan - ngày báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Và cho tới hôm nay, dù cuộc sống đã rất nhiều đổi thay, thì mọi người vẫn cần làm cho mỗi ngày đang sống là một ngày Vu lan...
Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa (sưu tầm trên Internet)

Truyền thuyết nhà Phật

Theo truyền thuyết nhà Phật, xưa kia ông La Bộc đi theo Ðức Phật tu hành đắc đạo, trở thành Bồ tát Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna) có nhiều phép thần thông. Vì mẹ đã qua đời nên Mục Kiền Liên luôn mang niềm thương nhớ. Muốn biết mẹ mình khi ấy ra sao, ông dùng "mắt thần" tìm kiếm bốn phương, thấy mẹ đang ở trong "cõi quỷ", bị hành hạ khổ cực vì khi còn sống bà từng gây tội lỗi. Mục Kiền Liên thương mẹ, ông xuống "cõi quỷ" đưa mẹ bát cơm mà mẹ lại không được ăn. Ông trở về hỏi Ðức Phật. Nghe vậy, Ðức Phật bảo dù tài giỏi Mục Kiền Liên cũng không cứu được mẹ, chỉ có một cách là hợp sức cùng mọi người. Rồi ngài thuyết kinh Vu lan (Ullambana Sutra) khuyên đến ngày rằm tháng bảy, Mục Kiền Liên cùng mọi người sắm sửa cúng lễ sao thật thành tâm thì sẽ cứu được mẹ. Ðức Phật còn bảo chúng sinh muốn báo hiếu với cha mẹ thì theo cách đó mà làm. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, cứu được mẹ. Có lẽ từ truyền thuyết này mà hình thành nên lễ Vu lan.

Theo truyền thống Phương Đông

Hằng năm đến lễ Vu lan, mọi người bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ðó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành - đạo hạnh đứng đầu trong "tứ ân" của nhà Phật. Bao đời nay, Vu lan trở thành một ứng xử nhân văn trong xã hội, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, trong dòng tộc mọi người đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Hơn thế,chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, mà nếu không thành tâm, nghiêm túc thực hành sẽ bị dư luận lên án.

Theo truyền thống Phương Tây

Tuy phương Tây không có ngày Vu Lan nhưng lại có Ngày của Mẹ (Mother's Day). Vào Ngày của Mẹ, nếu còn mẹ, bạn được cài một bông hoa màu hồng trên áo, bạn sẽ tự hào là bạn vẫn có mẹ. Còn nếu mẹ bạn đã qua đời, bạn cài trên áo một bông hoa trắng.

Đạo hiếu làm con

Dù ở thời đại nào, đất nước nào thì tình cảm người mẹ dành cho con cũng luôn dạt dào, vô bờ bến. Ý niệm về mẹ luôn gắn liền với tình yêu thương. Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, không khác gì trẻ mồ côi. Những bài hát ca ngợi tình mẹ ở bất cứ nơi đâu cũng có, thời nào cũng có, tất cả đều hay, đều ấm áp. Người viết dù không tài giỏi, nhưng khi viết vẫn có những tình cảm chân thành; người hát, trừ là kẻ không có ý niệm về mẹ, hoặc mất mẹ ngay từ thuở nhỏ, thì ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ.

Dù là thời đại nào, xưa và nay thì đạo làm con, chữ hiếu đối với mẹ cha vẫn mãi là những câu nằm lòng đối với chúng ta. "Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con". Mỗi chúng ta phải sống sao cho xứng đáng, sống cho đáng sống để đền đáp nghĩa tình sâu nặng mẹ đã giành cho ta.

Thương mẹ là một cái gì đó rất tự nhiên, là bản năng của mỗi người con như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Khi còn bé lúc thầy cô giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Các em học sinh đều trả lời: "Vâng lời, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ mất".Nhưng thực ra, con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi!

Tình mẹ bao la như bầu trời thương yêu dịu ngọt, mà chúng ta được bơi lội trong đó, nhưng khi có mẹ bên cạnh không ít người đã không ý thức được niềm hạnh phúc mà mình đang có, để rồi khi bừng tỉnh phải ăn năn, hối hận vì đã không biết trân trọng. Người xưa đã ví: "Mẹ già như chuối ba hương. Như xôi nếp một, như đường mía lau" 

Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời.

Xã hội hiện nay

Hôm nay, cuộc sống đã khác trước, nhận thức về thế giới, về nhân sinh cũng đã đổi thay. Con người sống với cuộc sống thực của mình, bằng bàn tay và trí tuệ của mình để làm nên cuộc sống cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Vì thế suy nghĩ, cách nghĩ của mỗi người cũng có nhiều sự thay đổi. Ðó là tất yếu khách quan, là sự cần thiết của quá trình phát triển. Nhưng trong tương quan giữa truyền thống với hiện đại, dòng chảy không ngừng của văn hóa lại chuyển tải trong đó một số giá trị nhân văn có ý nghĩa bất biến, chỉ có thể mở rộng, phát huy theo thời gian chứ không mất đi, như đạo hiếu của con người chẳng hạn. Dù xã hội văn minh đến đâu, dù cuộc sống no đủ thế nào thì mỗi người vẫn phải được cha mẹ nuôi dưỡng để trưởng thành, vì thế đạo hiếu vẫn luôn phải được đề cao.

Mẹ lúc nào cũng ở bên ta, yêu thương, nâng đỡ khi ta gục ngã, mỉm cười lặng lẽ khi thấy ta thành công. Biết bao nhiêu vất vả, biết bao nhiêu khó khăn hoà quyện cùng nước mắt, mồ hôi mẹ đã đổ ra để nuôi ta khôn lớn. Từng ngày, từng ngày bước qua cuộc đời và tuổi thơ của mình, bàn tay và ánh mắt trìu mến của mẹ vẫn dõi theo ta trên từng bước đi, thời gian đã làm đôi bàn tay mẹ gầy guộc nhiều, đôi mắt mẹ đã hằn lên những dấu chân chim nhọc mệt của năm tháng.

Rồi như con chim non lớn lên đủ lông cánh, xa tổ ấm, tự bay đi tìm cho mình một bầu trời, ta trưởng thành và chọn cho mình một con đường giữa muôn vàn sự lựa chọn của cuộc đời. Dẫu con đường ta sẽ đi hôm nay và mai sau có ra sao, thì con đường ấy, ta vẫn sẽ có cảm giác thấy ấm áp, gần gũi biết bao với niềm hy vọng nơi ánh mắt, chén cơm chờ ta mỗi buổi buổi chiều, và gian nhà ngập tràn tình thương yêu của mẹ.

Ngày Vu Lan báo hiếu nhắc đến ân tình cao sâu của người mẹ đã tận tụy suốt đời cực khổ nuôi dưỡng chúng ta. Mỗi người đều nhớ đến và biết ơn sâu sắc công sinh thành và dưỡng dục của Mẹ. Những ai đang được hạnh phúc vì có mẹ bên cạnh thì hãy biết trân trọng những giây phút đáng quý đó và cố gắng bằng tất cả khả năng của mình thể hiện rằng: Bạn yêu Mẹ biết nhường nào!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.