Ngân hàng Mắt giúp bệnh nhân nghèo

Giác Ngộ - Ngày 7-4-2011, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM đã được UBND TP cho phép thành lập Ngân hàng Mắt (Quyết định số 1785/QĐ-UBND) nhằm mục tiêu nhân đạo, chữa bệnh từ thiện, giúp sáng mắt cho những người mù do bị hỏng giác mạc. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thành Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP cho biết:

Trong nhiều năm qua, với chương trình “Đem ánh sáng cho người mù nghèo” Hội đã phối hợp cùng với các bệnh viện, y bác sĩ chuyên khoa mắt phẫu thuật đục thủy tinh thể cho trên 370.000 người. Trong quá trình thực hiện công tác này chúng tôi nhận thấy thực tế có rất nhiều bệnh nhân bị mù vì hỏng giác mạc, song Hội chưa có chương trình giúp thay giác mạc nên cũng đành chịu thua.

Song, trước nhu cầu thực tế đó cùng với nỗi đau bị mù của bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo cũng như thực tế về Ngân hàng Mắt đã có ở miền Bắc nên chúng tôi đã đệ trình dự án lên UBND TP và đã được TP cho phép.

11200405615Ong Tran Thanh Long Chu tich Hoi BT BNN TP HCM.jpg

Ông Trần Thành Long

Vậy Ngân hàng Mắt đã hoạt động chưa, thưa ông?

Trên tinh thần thì UBND TP đã cho phép, và chúng tôi đang chờ Bộ Y tế thẩm định về chuyên môn, sau đó sẽ hoạt động. Từ trước khi được sự cho phép cho đến nay, Hội đã tích cực chuẩn bị mọi phương diện về pháp lý cũng như xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho Ngân hàng Mắt để sớm đi vào hoạt động nhằm giúp cho người nghèo được sáng mắt.

Để có thể tham gia hiến giác mạc thì người tình nguyện phải làm như thế nào?

Từ khâu xin, lấy, bảo quản đến khi ghép cho người bệnh là một quy trình khép kín đòi hỏi kỹ thuật cũng như nhiều công đoạn. Hiện tại chúng tôi đã liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa mắt để họ hỗ trợ kỹ thuật lấy-ghép (chủ yếu là miễn phí công của bác sĩ) và Bệnh viện Đại học Y Dược TP, Trung tâm Pháp y TP để họ cung cấp nguồn và chúng tôi sẽ thực hiện công tác vận động hiến tặng. Còn cơ sở mà chúng tôi đã xây dựng và sẽ lấy làm địa chỉ cho mọi sự tiếp nhận về nguồn giác mạc tại số 1147 Trần Hưng Đạo, Q.5, TP.HCM.

Do quá trình lấy, bảo quản đến khi ghép trong thời gian ngắn nên trong khi làm thì Hội sẽ đảm bảo danh sách người cần giác mạc để khi có nguồn thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay. Rất mừng là đang trong quá trình tiến hành, vận động nhưng cũng đã có 3.000 người tham gia ký tên hứa ủng hộ, hiến tặng giác mạc khi qua đời. Thiết nghĩ, đó là nghĩa cử đẹp mà những người làm từ thiện, từ tâm đã tiếp sức cho chúng tôi thực hiện tốt công tác này!

Thưa ông, có yêu cầu nào đối với người hiến tặng giác mạc không?

Người hiến phải không có những bệnh truyền nhiễm, giác mạc còn tốt, và đặc biệt là phải tình nguyện hiến tặng, cũng như được sự hoan hỷ của gia đình.

Xin cảm ơn ông!

“Trong kinh điển, truyện tích tiền thân Đức Phật khi đề cập về hạnh bố thí (ba-la-mật), cũng đã ghi nhận việc bố thí không chỉ tài sản mà còn hiến tặng cả một phần cơ thể hay thậm chí cả thân mạng vì lợi lạc cho chúng sanh. Do đó, theo tôi, việc tự nguyện hiến tặng giác mạc một khi con người mạng chung, nhờ đó đem lại ánh sáng cho người mù lòa, là điều không xa lạ với người Phật tử. Trong thời hiện đại, dù điều kiện phát triển vật chất, kỹ thuật cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều người nghèo rất cần được hỗ trợ về mọi mặt, đặc biệt là chăm sóc y tế. 

Chủ trương hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái và từ bi, nhân văn của đạo Phật cũng như tính nhân đạo, tấm lòng “thương người như thể thương thân” lâu đời của dân tộc. 

Phát huy tinh thần ấy, Ngân hàng Mắt ra đời cũng là cơ hội để cho Tăng Ni, Phật tử có thêm điều kiện thể hiện tâm nguyện phụng sự chúng sanh, những người giàu lòng nhân ái làm việc phước thiện thông qua việc hiến tặng giác mạc. Cũng giống như việc hiến xác cho khoa học sau khi qua đời thì việc hiến giác mạc của người mất là một việc làm thiện lành”.

HT.Thích Giác Toàn

(Phó trưởng BTS THPG TP.HCM,
Phó Tổng Biên tập Thường trực
kiêm Trưởng ban TTXH Báo Giác Ngộ)
 

“Từ khi còn làm ở Mặt trận (ông Trần Thành Long, nguyên Chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM - PV) đến giờ, tôi tiếp xúc thường xuyên với HT. Thích Trí Tịnh (Chủ tịch HĐTS  GHPGVN) và được Ngài dạy đọc kinh Hiền Ngu. Trong kinh này, tôi thấy Đức Phật nói về hạnh bố thí, trong đó bố thí về thân thể hoặc một phần thân thể là một việc đại bố thí. Trong kinh cũng có kể về hạnh bố thí (mắt, mũi, lưỡi, thịt da…) của tiền thân Đức Phật. Do đó, tôi nghĩ, việc hiến giác mạc của người Phật tử là việc làm thể hiện tinh thần Phật giáo”.

Ông Trần Thành Long

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.