Nếu một mai tôi đi xa

Giác Ngộ - Đi xa, có thể đó là chuyến đi cuối cùng trong hành trình làm người của tôi và cũng có thể đó chỉ là cuộc ẩn cư vì sự khắc nghiệt của con người! Những cuộc thiên di, đi về nơi xa ngái luôn làm cho người ta phải trăn trở nhiều, nhưng rồi cũng phải đối mặt thôi, cuộc sống đôi khi cũng cần một chuyến đi xa và sẽ phải có một chuyến đi xa mãi mãi.

Những chuyến đi xa để ẩn dật hay tìm một chốn tạm mới để an trú hay đáng thương hơn là để chạy trốn những xô bồ; đứa em tôi gọi đó là “gió đi hoang” (theo lời một bài hát); còn sư phụ tôi thì hài hước hơn, gọi đó là “thèm như… thú đi hoang).

 

Đi xa - Ảnh minh họa

Miền lãng du. Tôi hay gọi những nơi mình đến để trải mình, trải lòng là nơi lãng du. Để phiêu bồng và tạm gát hết thảy những lo-âu, sợ sệt và cũng là để cho lòng người thôi giông bão.

Đi xa, nếu đó là chuyến đi cuối cùng trong đời tôi thì chắc là mẹ tôi sẽ buồn lắm. Nhưng không sao, từ lâu, khi biết được đạo Phật, tôi và mẹ đã chuẩn bị cho nhau chuyến đi xa ấy rồi. Sẽ có lúc phải đi xa, bởi nó là quy luật: là người ai cũng phải chết. Và rồi thì nỗi buồn cũng nguôi ngoai thôi, tôi biết điều đó.

Nếu một mai tôi đi xa, chắc sư phụ tôi sẽ buồn vì thằng đệ tử hay cãi thầy vắng bóng, mỗi đêm không ai niệm Bụt cùng. Đôi khi không có ai thỉnh chuông một tiếng “boong” để cùng tĩnh tâm, để ngắm Bụt cười đầy bao dung. Căn phòng nhỏ nơi con hẻm nằm nếp mình bên dòng kênh Thị Nghè sẽ vắng một dấu chân đi-về.

Nếu một mai tôi đi xa, chiếc điện thoại trên tay tôi sẽ ngừng rung, sẽ ngừng những nhịp rung và sự run rẩy của những cay cú và cả những yêu thương. Trái tim con người thật lạ, bị ghét hoặc được yêu thương đều làm cho nó bất thường, những nhịp đập loạn đả, không kiểm soát được.

Nếu một mai tôi đi xa, thì trong ký ức của một ai đó, như những đứa em gọi tôi bằng anh Hai (chẳng hạn) chắc sẽ thấy tôi qua những tháng ngày ngồi tĩnh tâm và hiến tặng những nụ cười. Có đứa nào bảo nhớ anh Hai, nhớ cái ông anh khó tính, khó ưa, toàn là bắt bẻ chuyện này, chuyện kia? Không biết nữa, nhưng anh Hai (khó ưa) là tôi thì vẫn nhớ mấy đứa, vì đứa nào cũng dễ thương, cũng đầy nghị lực và kiên trung trên con đường “tồi tà phụ chánh”. Mấy đứa là những người bạn đồng tu rất dễ thương của anh Hai đó, biết không?

Và rồi, ai đó, ở một phương trời xa lắc, xa lơ nào đó, lâu rồi chưa gặp tôi nay nghe cái tin tôi đi xa có kịp dừng lại trước lao chen của cuộc đời để niệm “Nam mô A Di Đà Phật” tặng cho tôi cùng một chút năng lượng bằng an? Tôi hỏi thế bởi tôi biết trong miền nhớ mênh mang nào đó, cuộc sống vẫn trôi như thể cái máy, nó trói buộc và cuốn con người đi vào đó, để đeo đuổi theo những giá trị nào đó nên có lúc người ta còn quên cả chính bản thân, huống nữa là một ai khác!

Nếu một mai tôi đi xa, theo đúng quy luật của sanh-trụ-dị-diệt thì những dự định và cả những lời nguyện vẫn theo tôi, lời nguyện đi mãi trên con đường có ánh sáng của từ-bi-hỷ-xả, ánh sáng của tình thương và sự hiểu biết. Và chắc sư phụ tôi, sư anh, sư em, sư chị và những đứa em sẽ lại tiếp tục hành trình mà tôi đã, đang đi. Hành trình ấy chính là sự thực tập lắng nghe, để hiểu và thương; kiến tạo những tịnh thất - nơi dành cho những người thấy biết lý vô thường, nhân quả quay về để được năm vóc sát đất, để thở thật nhẹ, và mỉm cười!

Nói gở về một chuyến đi xa, đi mãi ấy đôi khi là chuyện của một chốc nữa, của ngày mai, ngày mốt hoặc cũng có thể là hàng chục năm nữa. Ai biết được vô thường sẽ đến lúc nào, nhưng tôi và sư phụ cũng thống nhất với nhau quan điểm là những người ác như tôi thường sống dai nhách. Sống để trả nghiệp chứ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.