Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận diễn biến dịch tại thành phố và các địa phương vẫn phức tạp nên cần phải cẩn trọng, chủ động phòng dịch, không được lơ là.
"Thành phố đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ là thích ứng an toàn nên độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch. Nếu dịch giảm xuống, vùng xanh mở rộng hơn thì hoạt động được mở nhiều hơn, còn nếu vàng lên, hoặc chuyển thành màu cam, màu đỏ thì hoạt động phải giảm đi”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định.
Hiện nhiều địa bàn có nguy cơ dịch bệnh ở cấp độ 3 - nguy cơ cao, có nơi ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, có nơi ở cấp độ 1 - nguy cơ thấp, còn chung toàn thành phố đang ở cấp độ 2. “Số ca nhiễm hàng ngày đang tăng, nếu tới mức phải siết lại thì thành phố sẽ siết chặt”, ông Mãi thông tin, đồng thời cho biết việc đánh giá cấp độ dịch được thực hiện hàng tuần.
Cũng trong hôm nay, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã ra mắt đội đặc nhiệm phòng chống Covid-19, hỗ trợ 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức nhằm khống chế, triệt tiêu nhanh các ổ dịch.
Đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng chống dịch Covid-19 tại lễ ra mắt |
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành HCDC, cho biết khi các địa phương có ổ dịch, đội hỗ trợ qua điện thoại. Quận, huyện dập dịch không hiệu quả hoặc diễn biến phức tạp hơn, đội sẽ đưa quân đến trực tiếp hỗ trợ xử lý.
Bước đầu, đội đặc nhiệm gồm 8 tiểu đội, mỗi tiểu đội 3 thành viên là cán bộ của HCDC. Trong đó, 6 đội phụ trách ở các cộng đồng dân cư, hai đội chuyên trách khu công nghiệp. Các đội linh hoạt thay đổi số lượng thành viên phù hợp với các cấp độ dịch tại cộng đồng.
"Đội đặc nhiệm sẽ là cầu nối giữa HCDC và quận huyện, phường xã, giúp phối hợp luôn nhịp nhàng, liền lạc trong hệ thống chống dịch, nhằm khống chế và triệt tiêu các ổ dịch nhanh nhất có thể", bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, lập đội đặc biệt nhiệm kiểm dịch là một trong các hoạt động nhằm nâng cao năng lực kiểm dịch của ngành y tế, trong chiến lược mới thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả với dịch bệnh Covid-19.
Tối 12-11, Bộ Y tế công bố thêm 8.982 ca nhiễm, trong đó 8.976 ca ở 56 tỉnh thành; đánh dấu ngày thứ 200 của đợt dịch thứ 4 với tổng số ca vượt mốc 1 triệu (1.004.879 ca).
Như vậy, tính đến hôm nay là 6 ngày liên tiếp TP.HCM có số ca nhiễm vượt 1.000. Các chuyên gia đánh giá đây là điều khó tránh khỏi khi thành phố mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại nhiều hơn.
Hiện thành phố đang kích hoạt nhiều trạm y tế lưu động, lập các đội phản ứng nhanh, tái kích hoạt mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành", để đáp ứng với tình hình mới.