“Nếu chỉ có nghi lễ, giá trị tu học Phật giáo Kim Cang thừa sẽ lụi tàn”

GN - Tiến sĩ Khangser Rinpoche, pháp tự Tenzin Tsultrim Palden, sinh năm 1975, được các Lama của Viện Phật học Tây Tạng Sera Jey công nhận là chuyển đời thứ 8 của dòng Gelug.

H1b.JPG

Tiến sĩ Khangser Rinpoche


Hiện tại Tiến sĩ Khangser Rinpoche tham gia công tác giảng dạy Triết học Phật giáo cho tu sĩ tại Viện Phật học Sera Jey cùng các tu viện của dòng Cổ mật Nyingma và Kagyu ở Dharamsala (Ấn Độ) và Nepal. Ngoài ra, thầy còn tham gia thuyết giảng cho các trường đại học, trung tâm Phật giáo và cơ sở cộng đồng của nhiều nước trên thế giới.

Nhân dịp Tiến sĩ Khangser Rinpoche đến Việt Nam tham dự tọa đàm khoa học “Truyền thống Phật giáo Kim Cang thừa và mối liên hệ với Phật giáo Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức, PV Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với thầy về Phật giáo Kim Cang thừa. Khi được đề nghị giới thiệu sơ nét về Phật giáo Kim Cang thừa, thầy cho biết:

- Khi nói đến Phật giáo Kim Cang thừa thì cần hiểu đó là một pháp môn tu học Đại thừa. Ví dụ như cá nhân tôi, một tu sĩ Phật giáo sinh ra tại Nepal, ứng dụng các phương pháp của Kim Cang thừa nhưng nếu đó ai hỏi thì tôi tự cho mình là tu sĩ Đại thừa. Cũng như nhiều pháp môn khác, Kim Cang thừa được hình thành nên từ 3 yếu tố chính: triết lý, sự tu chứng và nghi lễ thực hành.

Tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất cần biết về pháp môn này ở chỗ Kim Cang thừa chính là phương pháp tu tập hướng đến việc đào luyện tâm thức của mỗi người. Trong phương pháp này, người tu tập cần sử dụng tâm vi tế, tâm quang minh để hướng đến chứng ngộ tánh Không và cuối cùng là đạt được quả vị giải thoát.

Tánh Không trong Kim Cang thừa được hiểu như là tâm Bát-nhã trong Đại thừa Phật giáo. Nếu xét theo các tạng kinh mà Phật thuyết thì tánh Không của Kim Cang thừa giống như tánh Không được chỉ dẫn trong kinh Bát-nhã, kinh Kim cang của Đại thừa. Và theo nghiên cứu của riêng tôi, tánh Không này không chỉ được sử dụng trong Phật giáo mà còn được đề cập trong tư tưởng của một số tôn giáo, hệ tư tưởng khác dù cách hiểu không hề giống nhau.

* Là hành giả xuất gia tu tập theo Kim Cang thừa từ nhỏ, xin thầy giới thiệu thêm về lịch sử hình thành và phát triển của pháp môn này...

- Pháp môn Kim Cang thừa do chính Đức Phật thuyết giảng cho vua Đế Thích Bồ-đề và khuyên răn việc thực tập cần được bí mật nên mọi người thường gọi là mật giáo. Khi còn tại thế, Đức Thế Tôn đã có chỉ dẫn cần chọn những người phù hợp để thực tu theo pháp môn này. Ở Ấn Độ, các ngài Long Thọ và Thánh Thiên đã từng viết các bộ luận về Kim Cang thừa và sau đó là các học giả lỗi lạc như ngài Atisha, Naropa nối gót.

Từ Ấn Độ, Kim Cang thừa lan tỏa ra nhiều nước với nhiều dòng truyền thừa khác nhau, tu tập ở Mông Cổ, Nepal, Trung Quốc, Bhutan và tôi được biết đất nước Việt Nam cũng đã tiếp cận truyền thống này từ rất sớm. Đến nay, Kim Cang thừa đã được truyền bá sang các nước phương Tây và rất được quan tâm, chú trọng trong môi trường sinh hoạt Phật giáo.

Khi còn Phật học viện Nalanda, Kim Cang thừa có 4 phương pháp hành trì chính gồm: tác bộ, hành bộ, du-già bộ và vô thượng du-già bộ, v.v… Theo thời gian, các phương pháp hành trì này thâm nhập đến các vùng miền khác nhau và trong đó hành giả ở Tây Tạng đã có những hướng tiếp cận sâu sắc. Từ đây, các vị Tổ của Kim Cang thừa ở Tây Tạng đã lập nên 4 dòng truyền thừa mà ta thường hay nghe đến gồm: Nyingma, Gelug, Sakya và Kagyud.

Nyingma được biết đến là trường phái Cổ mật và hiện có rất nhiều nhánh truyền thừa; Sakya do 5 vị Tổ đồng sáng lập và hình thành sau Nyingma; tiếp sau đó là trường phái Kagyud do Tổ sư Marpa sáng lập và hiện nay có hơn 12 nhánh nhỏ; trường phái Gelug được hình thành sau cùng và cũng có nhiều hệ khác nhau.

Cá nhân tôi, xuất thân từ Gelug nhưng có cơ hội tiếp cận pháp môn thực tập của cả 4 trường phái trên. Hiện tại, tôi đang ứng dụng pháp môn luyện tâm được phát tích bởi ngài Atisha - bị lãng quên một thời gian dài, nay muốn khôi phục lại nó. Lý do tôi muốn khôi phục phương pháp luyện tâm này vì nó không quá chú trọng vào nghi lễ, cúng bái mà hướng đến việc tu chứng từ nội tâm.

* Theo thầy, tình hình tu học và hướng đi của Kim Cang thừa hiện tại ra sao?

- Xin không đề cập đến các khu vực khác trên thế giới nhưng riêng tại Nepal thì việc tu học pháp này rất tốt. Ở đây đã hình thành nên nhiều tu viện chuyên đào tạo tu sĩ và dành cho người có nhu cầu sống trong không khí và hơi thở của Kim Cang thừa.

Và cũng khó mà có những con số thống kê chính xác về số lượng người và tình hình tu học Kim Cang thừa vì đạo Phật được xem như là liều thuốc chữa trị căn bệnh trong tâm và những nỗi khổ của con người. Khi nào còn loài người với những căn bệnh của tâm thức thì Phật giáo sẽ tồn tại và Kim Cang thừa là một pháp môn được ứng dụng.

Tuy nhiên có một thực tế cần nhìn nhận là hiện tại đang có xu hướng đề cao và xiển dương tính nghi lễ của Kim Cang thừa. Nếu chỉ chú trọng vào các nghi lễ, việc cúng bái không thôi thì những giá trị cốt lõi của Kim Cang thừa sẽ bị lu mờ và đến một lúc nào đó các triết lý hướng thượng sẽ dần mai một và bị lãng quên. Trong trường hợp này, khi Kim Cang thừa không còn được đề cao ở phương diện tu tập thực chứng thì khi đó không còn là Kim Cang thừa đúng nghĩa.

Bởi lẽ các pháp môn tu tập của Phật giáo phải được duy trì và chuyển tải theo hướng làm lợi lạc cho tất cả mọi người bằng việc hành trì, vì Phật giáo không phải một tôn giáo của hình thức cầu cúng. Chính vì đi theo hướng này nên tôi không nghĩ nhiều đến hướng đi tương lai của Kim Cang thừa mà chỉ quan tâm đến phương diện Kim Cang thừa trong tương lai có mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người hay không.

* Thầy vừa dự tọa đàm về mối liên hệ giữa Kim Cang thừa và Phật giáo Việt Nam. Theo thầy, đó là mối quan hệ như thế nào?

- Tôi được biết, đất nước và con người theo Phật ở Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận phương pháp Kim Cang thừa từ rất sớm và đến nay đang có chiều hướng phát triển. Theo tôi, cốt lõi đạo Phật ở Việt Nam và Kim Cang thừa phần lớn có nhiều điểm tương đồng về nội dung, phương pháp hành trì.

Nếu có thời gian và điều kiện tiếp cận các tài liệu từ các bạn, tôi sẽ chỉ ra những điểm chung đó. Điều mà tôi có thể nói hiện giờ là các phương pháp tu tập ở Việt Nam và Kim Cang thừa đều nương vào oai lực của Đức Phật A Di Đà và Bồ-tát Quan Thế Âm.

* Thầy đánh giá ra sao các hành giả tu học Kim Cang thừa ở Việt Nam mà thầy có dịp tiếp xúc và lời khuyên của thầy dành cho họ?

- Người tu Phật ở Việt Nam có tín tâm và có nguyện lực rất lớn khi mở tâm hướng về truyền thống tu tập Kim Cang thừa. Đó là một điều cần ghi nhận với tất cả sự trân trọng hết mực.

Tôi chỉ có một lưu ý đến với tất cả mọi người rằng khi tu tập Kim Cang thừa thì nên tìm hiểu đúng triết lý, đi sâu vào phương pháp tu tập hơn là việc thực hành các nghi lễ xa hoa, lãng phí. Đó cũng là tâm huyết và kinh nghiệm của tôi sau một thời gian dài sống, tu học từ môi trường các tu viện của Kim Cang thừa.

* Chân thành cảm ơn thầy!

* Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:

TS Nguyen Quoc Tuan.jpg

TS Nguyễn Quốc Tuấn


“Việc tu tập và hành trì theo pháp môn Kim Cang thừa có xu hướng phát triển trong vài năm trở lại đây. Đây cũng là điều bình thường vì một bộ phận Phật tử Việt Nam muốn đi tìm những xung lực mới cho con đường tu tập cũng như mong muốn thỏa mãn niềm tin của họ.

Chúng ta hoàn toàn thông cảm và trân trọng tâm lý này vì trong quá khứ lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng đã nhiều lần chứng kiến và tiếp nhận sự xuất hiện của các bộ phái truyền giáo từ nước ngoài như các dòng thiền do các ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông… tạo nên sinh khí mới trong tu tập. Ngay cả thế kỷ XVI, XVII các dòng thiền Lâm Tế, Tào Động cũng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo tôi, vấn đề đặt ra là nội lực chúng ta cần phải có những sự chuẩn bị khi đón nhận những phương pháp tu tập bên ngoài bằng các động thái: Giáo hội nên có sự chọn lọc khi chấp nhận các vị Rinpoche, Lama đến giao lưu hoằng pháp; người Phật tử lúc tiếp cận cần cẩn trọng trong nội dung vì chắc chắn rằng sự khác biệt ngôn ngữ sẽ làm cho hàm ý của hai bên khi trao đổi sẽ không còn nguyên nghĩa. Và vấn đề quan trọng nhất là tu sĩ Phật giáo Việt Nam cần có sự đầu tư, tăng trưởng đạo lực để có những nhìn nhận phù hợp và đạt đến các mức độ tu tập chói sáng nhất.

Ngoài ra, khi thực hành các pháp môn mới vào Việt Nam thì cần hướng đến giá trị hành trì vì mục đích của các pháp môn này suy cho cùng là tu tập, giải thoát chứ không phải đón nhận theo xu hướng thời thượng. Điểm lại, chúng ta thấy bắt đầu có hiện tượng sùng bái về nghi lễ, cúng bái xa hoa trong khi đó các phương diện này không phải là mục tiêu cuối cùng. Nếu không có sự chấn chỉnh thì đó sẽ là cuộc chạy đua bất tận về tài chính, sự phô trương hình thức mà thôi”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.