GNO - Tôi từng đến xem hội ở hầu hết các ngôi chùa lớn khắp miền Bắc, nhưng dường như chưa thấy nơi đâu được sống lại trọn vẹn không khí cổ xưa như ở lễ hội chùa Nành, được tổ chức vào ngày mồng 4 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch. Chùa Nành còn có tên là chùa Cả, tên chữ Pháp Vân tự, thuộc xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm - Hà Nội), cùng với chùa Dâu, chùa Keo và chùa Đậu là bốn ngôi chùa Tứ Pháp lớn nhất nước ta.
Ngôi chùa cổ mang giá trị lịch sử và nghệ thuật cao
Sở dĩ dân gian đặt tên chùa Nành, vì trong chùa có tượng Phật Pháp Vân, thường được người xưa gọi là tượng Bà Nành. Hiếm thấy di tích nào vẫn giữ được vẻ cổ kính, trầm mặc như chùa Nành. Ngôi chùa nhìn rất già nua, với kiến trúc thấp, mái ngói cũ kỹ rêu phong. Quy mô chùa khá lớn với đầy đủ tam quan, tiền đường, cầu, tam bảo, tả vu, hữu vu, nhà Tổ, điện Mẫu và khu phụ… nếu cứ tính 4 cột làm 1 gian thì cả thảy đủ 100 gian. Án ngữ trước Cổng chùa, một hồ nước rộng thoáng mát, những làn sóng nhẹ nhàng lan toả ve vuốt toà thuỷ đình cổ. Thủy đình kết cấu 2 tầng 8 mái, được xây dựng từ thế kỷ 18, do bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Cảnh Hưng tiến cúng làm nơi múa rối nước trong những ngày hội làng. Cổng chùa là một toà Ngũ môn uy nghi, cao 2 tầng kiểu vòm cuốn bằng chất liệu đá xanh. Từ Ngũ môn quan đến Tiền đường là mặt sân trải rộng, những gian nhà bia chạy dài hai bên với những cột gỗ mốc thếch bàng bạc màu thời gian, cõng mái ngói rêu phong.
Chùa có lối kiến trúc chữ “công”, với tiền đường, thiêu hương, thượng điện trùng thiềm. Toà tiền đường trải dài có tới 7 gian 2 dĩ được xây theo kiểu độc đáo, hiếm thấy ở các ngôi chùa thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sát hai bên hồi Tiền đường, người xưa xây nổi lên 2 toà lầu nhỏ làm gác chuông và gác khánh. Mỗi lầu kết cấu 4 đao cong vút toả ra 4 phía nâng 4 góc mái. Nằm giữa 2 góc luôn có đôi rồng chầu mặt nguyệt lớn, tạo cho tổng thể kiến trúc uy nghi, đường bệ mà vẫn gần gũi với đời thường. Một trong những nét đặc trưng riêng của kiến trúc chùa Nành là ở bộ vì làm theo 1 kiểu “thượng cốn, hạ kẻ”. Toà thiêu hương 6 gian kề sau Tiền đường, trùng thiềm với 3 gian thượng điện. Toà thượng điện có nền cao hơn 1m so với các kiến trúc xung quanh. Nối liền 2 bên Tiền đường xuống điện Mẫu là hai dãy nhà giải vũ, tạo cho chùa khép kín theo kiểu nội công, ngoại quốc. Cách chùa Nành khoảng 200 m, còn có Thạch sàng, là một sập bằng đá toạ lạc cùng một cây hương đặt trong một ngôi nhà tám mái, dựng vào năm 1733. Tương truyền đây là nơi ngự của Khâu Đà La thời Ngài đến nước ta truyền đạo – thế kỷ thứ 6.
Ngày nay, chùa Nanh còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật quý. Hệ thống tượng Phật cổ tại đây vô cùng phong phú với 116 pho, gồm đủ tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Hậu được tạo tác tỉ mỉ, công phu mang niên đại nghệ thuật của nhiều thời đại, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Trứ danh nhất là bộ tượng Tam thế Phật được tạo tác từ thế kỷ 16, mang đậm phong cách tạc tượng thời nhà Mạc. Mỗi pho tượng đều có chiều cao 0,80m, đặt trên tòa sen và đế cao 0,70m. Các khuôn mặt tượng thể hiện sự từ bi, đôn hậu. Ngực tượng trang trí hàng dây “anh lạc” với đường vân xoắn tròn mang dáng chữ “vạn”. Cũng với Tam Thế, còn có nhiều bộ tượng rất quý mang giá trị nghệ thuật cao như tượng Tuyết Sơn, tượng Bát bộ Kim Cang, tượng thập Điện Minh Vương, tượng Thập bát La hán... Nhưng tượng độc đáo nhất tại đây chính là tượng bà Nành, tức Pháp Vân Bồ-tát lưu giữ chứng tích của thời kỳ sơ khởi Phật giáo mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam, dung hoà cùng tín ngưỡng bản địa. Tương truyền, chùa có từ thời Sĩ Nhiếp, ban đầu thờ một trong bốn vị Phật sơ khởi của nước ta, gồm Pháp Vân (Thần mây), Pháp Vũ (Thần mưa), Pháp Điện (Thần chớp), Pháp Lôi (Thần sấm).
Hệ thống di vật trong chùa cũng vô cùng phong phú về thể loại và chất liệu như bia đá, chuông đồng, khánh đồng, thần phả, sắc phong của các triều đại Mạc - Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được 3 tấm bia đá , trong đó bia đá sớm nhất khắc vào thế kỷ 16. Đặc biệt, tại chùa có khánh đồng đúc năm 1733 và chuông “Pháp Vân tự hồng chung” niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất (1653). Chuông mang phong cách thời Mạc ở thế kỷ 17 với nghệ thuật điêu khắc đặc biệt: quai chuông đúc hình lưỡng long chạy ra đuôi rồng chầu vào nhau, đầu rồng bò xuống thân chuông. Chuông đúc núm, mỗi núm trang trí các hình hoa cúc, viền chuông trang trí cánh sen cách điệu, vai chuông thon, đáy nở. Với niên đại và phong cách nghệ thuật trang trí trên thân chuông, có thể xếp đây là một trong số không nhiều quả chuông cổ quý giá còn lại trong các ngôi chùa ở nước ta.
Không chỉ là ngôi chùa cổ mang nhiều giá trị văn hoá nghệ thuật, chùa còn là di tích lịch sử quan trọng. Năm 1907 tại đây, chi hội của phong trào Đông Kinh nghĩa thục do cụ Cử Huyên đứng đầu đã được thành lập. Cũng tại chùa Nành, các ông Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng đã đặt cơ sở cách mạng từ 1942 đến 1945. Chùa Nành đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.
Sống lại cổ xưa với lễ hội chùa Nành
Ngày nay, Hội chùa Nành là một trong những lễ hội đặc sắc ở Hà Nội với rất nhiều nghi thức và hoạt động dân gian cổ truyền, được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch hằng năm. Năm nay, cùng với hàng ngàn du khách đã nô nức về Ninh Hiệp, chúng tôi tìm đến chùa Nành vào ngày 25-2-2012, tức mồng bốn tháng hai Nhâm Thìn – ngày đầu hội. Tôi từng đến xem hội ở hầu hết các ngôi chùa lớn khắp miền Bắc, nhưng dường như chưa thấy nơi đâu được sống lại trọn vẹn không khí cổ xưa như ở lễ hội chùa Nành. Từ các dãy hành lanh 2 bên sân trước Tiền đường, các dãy hành lang La Hán, các gian hậu chùa, các khoảng sân điện xung quanh chùa đều trải kín chiếu hoa để các vãi hành hương khắp nơi để tụ hội. Nhà chùa sắm đủ chăn màn phòng rét mướt cho du khách nghỉ qua đêm. Trên mỗi chiếc chiếu hoa, các bà vãi già ngồi quây quần đánh tam cúc hoặc têm trầu – một hình ảnh rất đỗi quen thuộc thời thơ ấu trong tôi, nhưng nay chỉ còn trong ký ức.
Sang ngày 26-2-212 (mồng 5 tháng hai âm lịch), chúng tôi được chiêm ngưỡng các đám rước tưng bừng trải dài khắp các ngõ xóm, đám rước này nối theo đám rước kia. Đám rước nào cũng cờ xí rợp trời, long đình uy nghi, mâm lễ trang trí thật khéo, với đội bát âm cử nhạc hành tiến, rồi đội múa sênh tiền hai hàng tiên đồng trai gái tuổi 13 đi đầu dọn đường. Từ các cháu đến các vãi cầm cờ lệnh, bát bửu đều son phấn cho phù hợp với áo xanh quần sa tanh trắng, áo đỏ thêu hoa cầu kì. Xã Ninh Hiệp có 9 xóm, vì vậy có 9 đoàn rước Thành hoàng làng lên chùa Nành để tiến lễ và múa những điệu múa cổ xung quanh cây phướn.
Nét độc đáo nhất ở hội nơi đây là bao giờ cũng có cây phướn tung bay trên khoảng trời cao rộng sân chùa. Cột phướn là một cây tre cao thẳng tắp, trên gần ngọn tre treo hình con quạ cắp một cỗ lòng (làm bằng vải trắng, xếp thành nhiều múi tượng trưng cho bộ lòng). Hình ảnh này diễn tả tích truyện: vào thời xa xưa, có một người lái đò ở bến sông Thiên Đức (Làng Nành nằm bên sông Đuống) chuyên sống bằng nghề đưa đón khách qua sông. Một lần trời mưa to gió lớn mấy ngày liền, không có một ai qua lại, bỗng có đoàn dân làng tìm đến quyên góp để sửa sang chùa Pháp Vân. Người lái đò không có gì để cúng tiến, chỉ còn một chiếc khố mới chưa dùng, bèn đưa cho đoàn chiếc khố đó. Thế là mọi người cho là anh ta báng bổ Phật. Để minh oan, người lái đò đã vào chợ Nành nói với dân làng về thực cảnh nghèo khó của mình, rồi cầm dao tự rạch bụng moi lòng mình ra để chứng minh. Có con quạ bay đến, cắp bộ lòng bay quanh chùa Nành, rồi bay ra Thạch Sàng (một chiếc giường đá ở cách chùa 200m), đặt lên ngọn cây đa. Nhà chùa đã lập đàn giải oan cho vong linh anh lái. Cũng từ đó mỗi khi mở hội, nhà chùa bao giờ cũng dựng cây phướn với hình con quạ ngậm dải lụa dài biểu thị tấm lòng trong sáng của chúng sinh đối với nhà Phật.
Khi chiều buông xuống, các đám rước đã lần lượt rời khỏi chùa, cũng là lúc nhà chùa làm lễ lục cúng. Hai nhà sư mặc áo cà sa lượn nhiều vòng, tay múa những động tác nhịp nhàng uyển chuyển, đẹp mắt hoà nhập với tiếng chuông, trống, mõ, thanh la, rồi dâng hoa cùng các đồ lễ. Tiết mục này được tiến hành từ chập tối tới khuya mới xong, vì phải sáu lần cúng: dâng hoa, hương, nến, trà, trái quả và oản. Chiều mùng sáu, lễ kết hội bằng một đám rước thần Khâu Đà La từ Thạch Sàng (nơi nghỉ tối của đức Khâu Đà La thời xưa) về chùa. Đám rước trên nghìn người, đội múa rồng dẫn đường, trong rợp bóng cờ phướn lọng tàn, sắc đỏ rực chen sắc vàng xanh. Phường bát âm tấu lên những thanh âm náo nhiệt làm nền cho các đội múa sênh tiền của đồng nam đồng nữ các thôn xóm nhún nhảy rập rờn suốt quãng đường dài nửa cây số.
Các bà vãi già tại đây cho biết, vào những năm hội đại (cứ 5 năm một lần), chùa còn có lễ nghi chạy chữ. Dân làng chọn khoảng trên dưới 20 nữ thanh niên mặc váy chùng đen, áo tứ thân màu hồng, đầu vấn khăn trần, tay cầm quạt giấy. Trước hết là những động tác cung kính lễ Phật, sau đó biểu diễn nhiều động tác múa uyển chuyển theo nhịp nhạc, trống, chiêng, mõ… Rồi chạy lượn theo đường nét chữ Hán đã định, đến khi dừng lại thì kết thành chữ thường là biểu thị các chữ Hán ít nét nhưng có ý nghĩa như: “Mẫu nghi thiên hạ” hoặc “Thiên hạ thái bình”…
Không chỉ sinh động phần lễ, mà phần hội ở chùa Nành cũng cho ta được sống lại đời sống xa xưa với nhiều hoạt động cổ truyền: vào buổi tối, ở hiên trước Tiền đường chùa biến thành sân khấu để biểu diễn chèo, hát tuồng; trên hồ trước Tam quan chùa có hát quan họ bơi thuyền; thi đấu cờ tướng trên sân chùa… Trò chơi độc đáo nhất tại đây là tục thi nâng cây phan,diễn ra tại khu ruộng Ba sào kề với Thạch Sàng, nơi đây còn gọi là sông Âm Hồn. Cây phan là một bó khoảng 60 cây tre để nguyên cả thân và ngọn, bởi vậy phải có sức khoẻ và luyện tập công phu mới nâng cây phan lên được. Dân chúng tin rằng, cuộc sống ấm no của cả làng phụ thuộc nghệ thuật nâng cây phan.