Nét đẹp đi chùa: chuyện ghi ở Địa Tạng Phi Lai

GN - Chùa Địa Tạng Phi Lai (Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam) - được mọi người biết đến không chỉ bởi không gian an lạc tựa lưng vào núi rừng cùng lịch sử hơn 1.000 năm của chùa, mà còn bởi thầy trụ trì thường xuyên truyền thông tới Phật tử những thông điệp về văn hóa khi đến chùa một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Mỗi ngày, chùa Địa Tạng Phi Lai đón rất đông Phật tử, du khách (vào dịp có sự kiện, lễ Tết lượng người có thể từ 5.000 - 8.000 người), nhưng sự trang nghiêm, thanh tịnh, không ồn ào, không vứt rác bừa bãi luôn được duy trì và thực hiện tốt nhờ có một đội tình nguyện viên trẻ thường xuyên tham gia hỗ trợ, hướng dẫn Phật tử thực hiện theo nội quy ở từng khu vực.

2anh khoa.jpg


Hệ thống biển chỉ dẫn, phổ biến nội quy được chuyển tải
với thông điệp ý vị, tinh tế tại chùa Địa Tạng Phi Lai - Ảnh: L.Đ.K

Bên cạnh đó, thông điệp “chùa là nơi tu dưỡng đạo đức, tu sửa thân tâm, làm những điều lành, tránh những điều dữ, là nơi cầu nguyện những điều tốt lành chứ không phải nơi cầu xin” cũng được Đại đức trụ trì Thích Minh Quang thường xuyên chia sẻ tới các Phật tử trong các sự kiện đầu năm và các khóa tu. Cách chia sẻ dễ hiểu cùng ví dụ về những câu chuyện dí dỏm, hài hước mang thông điệp về nhân quả của thầy trụ trì khiến mọi người thích thú, nhớ lâu và tự mỗi người lại chia sẻ, lan tỏa lại cho những người khác.

“Cuộc sống được chi phối bởi luật nhân quả - nên không thể có chuyện gài vào nải chuối, cài vào tượng Phật tiền dù ít dù nhiều mà lại có được những điều mình mong muốn. Nếu cầu xin mà được, thì các quý thầy là người gần Phật nhiều hơn, thắp hương, tụng kinh nhiều hơn, dễ được hơn các vị. Nhưng không, các thầy vẫn phải đối diện, xử lý các vấn đề của mình, vẫn phải đi qua luật nhân quả. Đến Thái tử Tất Đạt Đa khi đã thành Phật rồi, vẫn phải đối diện với luật nhân quả: bị hãm hại, bị vu oan… Vậy nên quý vị khi đến chùa thì cứ cầu, nhưng là cầu nguyện chứ đừng cầu xin”, vị trụ trì chia sẻ.

Theo thầy, đó là cầu nguyện cho mình, cho gia đình, cho tất cả mọi người xung quanh luôn được an vui, khỏe mạnh chứ không phải cầu xin làm chuyện này, chuyện kia, xin tiền bạc, công danh. Mang lễ về lễ Phật với tâm cầu xin Phật giúp mình toại nguyện những điều như thế - thì vô tình chúng ta đã nghĩ và biến Phật thành quan tham mất rồi!

Đặc biệt, một hệ thống biển hiệu nhỏ xinh đặt ở những nơi mong muốn Phật tử chấp hành theo với nội dung nhẹ nhàng mà ý vị sâu xa: “Dép xin để nhẹ dưới thềm/ Cho thơm cửa Phật cho thiền nở hoa”.

Khu vực sân nhà Tổ trải đầy đá trắng rất thanh khiết và đậm chất thiền, trên đó có đặt những viên đá tảng sẫm màu lớn để làm lối đi. Tuy nhiên nhiều Phật tử chưa tinh ý, thi thoảng vẫn hồn nhiên đi trên mặt đá trắng khiến sân loang lổ những vết chân, phá đi sự thiền định. Thầy đã đặt một tấm biển nhỏ bên cạnh luống hoa trước lối vào với nội dung: “Khổ hải (Biển khổ). Vì là biển, xin hãy đi trên bờ”.

Cứ thế, những quy định nội quy trong chùa được chuyển tải với thông điệp nhẹ nhàng, ý vị khiến mọi người khi đọc được phải dành thời gian ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm - từ đó vừa ngộ ra thông điệp về nội quy, vừa hiểu những triết lý nhân sinh thầy gửi gắm nên vô cùng thích thú và nhớ lâu.

Lương Đình Khoa

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.