Nếp chùa xưa giữa lòng phố núi

Tổ đình Bác Ái, một ngôi cổ tự do những người Việt di cư đến vùng đất Tây Nguyên kiến lập
Tổ đình Bác Ái, một ngôi cổ tự do những người Việt di cư đến vùng đất Tây Nguyên kiến lập
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trải qua bao thăng trầm, dẫu chịu tác động của thời gian, khói lửa chiến tranh, tổ đình Bác Ái (phường Quyết Thắng, TP.Kon Tum) vẫn giữ được những nét xưa vốn có giữa lòng phố núi Kon Tum.

Dấu thời gian

Chúng tôi tìm về tổ đình Bác Ái giữa một buổi sáng với cái se lạnh đặc trưng của khí hậu vùng cao nguyên. Nằm lọt thỏm giữa phố thị náo nhiệt nhưng sân chùa chỉ lác đác bóng dáng vài đứa trẻ nhỏ ngồi thì thầm bên ghế đá, tiếng lào xào của vài chiếc lá nhẹ rơi. Sự tĩnh lặng chiếm trọn không gian thiền môn, chẳng có cảnh khách khứa tấp nập, nghi ngút khói hương.

Miếu nhỏ thờ Sơn thần, Thần hoàng, tấm bia kỷ niệm quan Công sứ người Pháp Quénin, trụ gỗ cà chít đánh dấu nơi chôn cất thi hài của 5 binh sĩ Nhật Bản tự sát có lịch sử gần 100 năm nằm lặng lẽ trong khuôn viên chùa. Dường như hơi thở của lịch sử vẫn còn ẩn hiện trong từng kiến trúc của ngôi cổ tự này.

“Tấm biển Sắc tứ Bác Ái tự đó là do chính tay vua Bảo Đại ban, ngoài ra còn có thêm đại hồng chung, nhưng tiếc thay nó đã bị phá hủy bởi bom đạn của chiến tranh và lưu lạc vào TP.HCM”, lời cảm thán của Hòa thượng Thích Chánh Quang, viện chủ tổ đình vang vọng suốt không gian vắng lặng, trong khi chúng tôi đang mải ngắm tấm biển vàng son lỗ chỗ vết đạn trước chánh điện. Hòa thượng cũng cho biết thêm, đại hồng chung trước đó đặt tại Võ Sư miếu, nặng 106kg, đường kính dài 45cm, cao 74cm, thân chuông ghi thời gian tạo vào tháng 8 năm 1826, đời vua Minh Mạng năm thứ 7.

Tấm biển "Sắc tứ Bác Ái tự" do vua Bảo Đại ban
Tấm biển "Sắc tứ Bác Ái tự" do vua Bảo Đại ban

Một thoáng tiếc nuối số phận của những đồ vật đó trước sự tàn phá của thời cuộc, chúng tôi theo chân Hòa thượng tham quan ngôi chánh điện đầy uy nghiêm. Thật hiếm gặp một kiến trúc theo kiểu nhà cung đình Huế 5 gian 2 chái với kết cấu cột kèo, rường, vì, đà, mè… được làm bằng gỗ quý độc đáo, cổ nhất ở xứ Kon Tum này.

Đây cũng là nơi hội tụ 3 yếu tố văn hóa Phật giáo (gian giữa thờ Phật), Đạo giáo (gian bên phải thờ Quan Thánh đế quân) và tín ngưỡng dân gian (gian phải thờ Tam tòa Thánh mẫu), thể hiện sự giao thoa giữa các tôn giáo với nhau trong tiến trình phát triển của vùng đất Kon Tum. Chính giữa uy nghiêm với tôn tượng Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. Còn đó những dấu ấn lưu lại của vua Bảo Đại với tượng Phật, các đồ tế tự như lư hương, cặp hạc, voi chầu được bảo lưu kỹ lưỡng cho dù năm tháng có thay đổi thế nào.

Chánh điện thờ Tam thế Phật

Chánh điện thờ Tam thế Phật

“Hòa thượng có lo sợ những thứ có giá trị như vậy bị đánh cắp hay không?”, chúng tôi vừa ngắm nghía vừa hỏi. “Dân ở đây mến Phật nên chưa từng xảy ra chuyện gì. Với lại, mình trưng bày chúng ở đây để mọi người có cơ hội chiêm bái, tưởng nhớ quá khứ của ông cha”, Hòa thượng mỉm cười đáp.

Không chỉ có những thứ này, hiện tại chùa vẫn còn lưu giữ pho tượng Quan Âm bằng gốm xuất xứ từ Nhật Bản. Bức tượng có niên đại vào thế kỷ XVI, do Đoan Huy Hoàng thái hậu, tức Đức Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại tặng. Khôn Nghi Xương Đức Thái hoàng Thái hậu, tức Đức Tiên Cung, bà nội vua Bảo Đại tặng một bức ngự dung có châu phê, bửu ấn và một bức bửu tán bằng gấm. Ngoài ra, Đoan Huy Hoàng thái hậu còn cúng hai cặp phan bằng gấm. Chúng hiện được lưu giữ tại chùa Lộc Sơn, Bình Định.

Hòa thượng Thích Chánh Quang bên tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm
Hòa thượng Thích Chánh Quang bên tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm

Nhìn nét từ bi trên khuôn mặt của Bồ-tát khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, sự thăng trầm của thời cuộc cũng không làm phai nhòa đi dấu ấn của Phật giáo trên xứ sở cao nguyên. Phải chăng, sự hòa hợp, gần gũi là điều khiến tôn giáo này gắn bó với người dân tỉnh Kon Tum suốt quá trình hình thành và phát triển của mình.

Ngôi chùa kiến trúc Huế cổ xưa nhất ở Kon Tum

Hòa thượng Thích Chánh Quang vừa rót trà, vừa nói: “Đằng sau ngôi chùa này là cả một câu chuyện lịch sử bi thương nhưng cũng đầy nhân văn của ông cha ta. Đây là dấu tích ghi lại câu chuyện khai ấp, mở làng đầy máu và nước mắt của người Việt di dân lên Kon Tum 100 năm trước”.

Theo Lý lịch chùa Bác Ái của Nguyễn Dung, Hà Thị Mỹ biên soạn (1963) thì chùa đầu tiên có tên “Linh Sơn”, sau đổi thành Sắc tứ Bác Ái tự (1933). Thời điểm đó, miền Trung hạn hán, tình trạng mất mùa, đói kém diễn ra khắp nơi, người dân Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải di dân lên đây. Trong cuốn Người Ba Na ở Kon Tum của tác giả Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi cũng mô tả rất nhiều người dân An Nam phải nằm lại mãi vì sốt rét, kiết lỵ, thú hoang, rừng thiêng nước độc… trong quá trình tìm kiếm vùng đất mới.

Quá đau thương trước những mất mát đó, năm 1933, người dân hai làng Lương Khế, Trung Lương làm đơn trình lên quan Quản đạo Kon Tum là cụ Võ Chuẩn, xin lập chùa để thờ Phật và quy y cho các vong linh của người quá cố. Điều này được quan Công sứ là Đại úy Quénin đồng ý cho tiến hành và còn hỗ trợ nhân lực là 60 phạm nhân dọn vén, đốn cây và phá gốc, hơn hai tháng mới xong. Ông Tôn Thất Như là người đại diện trên mặt giấy tờ để xin phép thành lập chùa, còn trách nhiệm thiết kế bản vẽ, điều hành xây dựng do ông Võ Chuẩn thực hiện.

Cổng tam quan tổ đình Bác Ái xưa

Cổng tam quan tổ đình Bác Ái xưa

Ban đầu, chùa nằm trên một gò đất cao, lưng tựa vào khu rừng già phía Bắc với chiều dài 202m, mặt hướng ra phía Nam với chiều dài 162m, phía trước chùa là phần đất thấp có một con suối nước chảy quanh năm, diện tích đất khi mới thành lập là 26.943m2. Chùa thiết kế theo hình chữ "môn" (門), với chánh điện ở trung tâm, hai bên hông là trai đường và khách đường, nối tiếp là dãy nhà Đông lang và Tây lang.

Khi chùa được xây xong, bà Hà Thị Mỹ, vợ của ông Tôn Thất Như được giao trách nhiệm xuống Bình Định thỉnh Hòa thượng Thích Hoằng Thông, trụ trì chùa Bạch Sa, lên làm lễ kỳ siêu chẩn tế cô hồn và khánh thành chánh điện vào ngày 27-10-1933. Hòa thượng cử đệ tử là thầy Từ Vân, vốn thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42, pháp danh Thị Niệm lên trụ trì chùa Bác Ái. Từ đó, lòng dân được an và mọi người có cơ hội lui tới cửa Phật.

Hiện nay, kiến trúc chùa Bác Ái hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn như thuở ban đầu. Chỉ tiếc là cổng tam quan mang đậm nét bản sắc văn hóa đình - làng phong kiến trước đây đã bị chiến tranh tàn phá. Cổng được thiết kế bởi hai tầng mái nằm so le trong, trên mỗi tầng mái bố trí cặp “Lưỡng long chầu nhật”, uốn lượn trên mỗi đầu đao của đỉnh tam quan. Ở giữa tầng mái trên của cổng có treo đại hồng chung, hai bên cổng chính đặt tượng Tiêu diện và Hộ pháp trấn giữ lối vào. Cổng tam quan hiện tại đã được làm lại vào năm 1970.

"Tổ đình Bác Ái hiện nay đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tuy nhiên, do kinh phí bảo quản, tu sửa vẫn là một trở ngại lớn nên rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và các mạnh thường quân để góp phần bảo vệ ngôi tổ đình hơn 100 năm này”, Đại đức Thích Đồng Tri, trụ trì tổ đình Bác Ái.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.