Nẻo sáng của người khiếm thị »» Kỳ I: Ngôi nhà “ánh sáng”

Giác Ngộ: Có một ngôi nhà nằm yên ả nơi bến sông mà các bạn khiếm thị thân thương gọi là "ngôi nhà lớn" (Cơ sở 2 chùa Kỳ Quang II thuộc khu phố 3, phường Thạnh Lộc, Q.12) bởi ở đó gắn biết bao kỷ niệm vui buồn. Nơi đó, mỗi sáng các bạn bước ra, bắt đầu một ngày làm việc. Nơi đó cũng là mái ấm hạnh phúc của những đôi vợ chồng trẻ biết tựa vào nhau để vượt lên những khắc nghiệt của cuộc sống.

Ngôi nhà lớn

Chúng tôi gặp lại Hưng, một lương y khiếm thị trở về ngôi nhà lớn của mình sau một ngày vất vả làm việc. Con đường nhỏ dẫn vào nhà đã quen thuộc với Hưng nên chúng tôi được Hưng dẫn đường. Hưng đã tốt nghiệp lớp massage do các thầy ở Nhật Bản đến dạy tại chùa Kỳ Quang II (Q.Gò Vấp) và hiện nay đang học thêm lớp nâng cao tại Viện Y học Dân tộc TP.HCM để trở thành một lương y thực thụ. Công việc hiện tại của Hưng là bấm huyệt, massage tại gia cho những người lớn có yêu cầu. "Đó là công việc chính để kiếm thu nhập còn đóng góp thêm cho xã hội thì Hưng đang tham gia cùng các lương y khác khám bệnh, bấm huyệt cho Phòng khám từ thiện nhà thờ Tân Đông, huyện Hóc Môn", Hưng cho biết.

ngoinha-2.gif

Đôi vợ chồng Hải-Nhật tại bếp cơm tập thể của "ngôi nhà lớn"

Hưng là một trong khoảng 30 bạn trẻ còn đang sinh sống ở ngôi nhà lớn này. Nơi đây là mái nhà đơn sơ của các bạn trẻ khuyết tật đã trưởng thành mà đa số là khiếm thị và khuyết tật vận động. Các bạn sống chung với nhau, cùng học tập, sinh hoạt và được hướng nghiệp theo khả năng của mình. Hiện nay, ở ngôi nhà lớn các bạn được dạy học từ lớp 9 đến lớp 12, học vi tính, làm nhang, thủ công mỹ nghệ, dạy học, tham gia các lớp học massage, bấm huyệt tại chùa Kỳ Quang II.

ĐĐ.Thích Quang Hạnh, người chăm lo cho cơ sở này cho biết, các em mồ côi, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được chùa Kỳ Quang II chăm sóc, nuôi dưỡng, lo cho học tập xong cấp I và đủ tuổi trưởng thành thì các em được đến Cơ sở 2, phường Thạnh Lộc để ở và học tiếp văn hóa hoặc được hướng nghiệp. Khi các em đã ổn định nghề nghiệp và nếu thấy đủ khả năng có thể tự lập thì ra ngoài sinh sống. Các em trưởng thành, muốn lập gia đình thì chùa đứng ra làm đám cưới và giúp đỡ các em chỗ ở… cho đến khi nào các em muốn ra riêng.

Khai mở cho mình một hướng đi và cái duyên đưa đẩy Tiến (26 tuổi) một mình từ Bắc Giang vào Nam, được ở tại ngôi nhà lớn này cùng các anh, các bạn cùng cảnh ngộ mới được một năm. Trong ngôi nhà lớn Tiến ngồi lặng lẽ, hai tay đang chăm chú đọc quyển "Kinh tế chính trị" bằng chữ Braille, Tiến nói rất thích đọc để hiểu thêm về mọi thứ. Hỏi ra mới biết Tiến mới bắt đầu học và mới xong trình độ lớp 1. Hỏi Tiến có mơ ước gì không, Tiến nói hiện tại cũng không biết mơ ước gì, phía trước mù mịt quá nhưng Tiến muốn học và học càng nhiều càng tốt.

Hoàng Nam (24 tuổi) quê ở Bình Phước thì đang học lớp 5, Nam được cô giáo vào nhà lớn dạy kèm "một-một" nên học rất chăm. Ngoài giờ học, Nam cũng làm thêm nghề xe nhang để kiếm thêm thu nhập. Nam nói ở đây cùng các bạn rất vui, anh em giúp đỡ nhau để cùng học tập và làm việc, ăn chung, sống chung và sinh hoạt cùng một nhà nên vì vậy mà rất yêu thương nhau. Kế bên giường của Hoàng Nam là Đặng Hoàng (30 tuổi) quê Tây Ninh, hai mắt của Hoàng đã bị múc từ khi 17 tuổi và một khuỷu tay phải không còn nên việc học của Hoàng cũng không tới đâu, chỉ học xong cấp I. Hoàng đã ở đây được 12 năm, ngày trước ở bên chùa Kỳ Quang II được 5 năm, từ khi có Cơ sở 2 này thì Hoàng cũng đã có mặt. Hoàng cho biết: "Hiện tại em cũng làm nghề xe nhang để kiếm thêm chút đỉnh tiền để dành. Dù không nhìn thấy, lại có một tay nên xe nhang cũng chậm hơn nhưng làm ít thì hưởng ít, chị à. Ở đây mình đã có thầy cho cơm ăn, chỗ ở rồi, làm việc thì để dành cho tương lai thôi." Hỏi Hoàng sao không kiếm một cô vợ như các bạn khác, Hoàng chỉ cười "đâu có ai thương", Hoàng giải thích lúc trước còn các bạn ở rất đông khoảng 80 người và có cả nữ nữa, lúc đó mới có nhiều cơ hội làm quen bạn gái chứ hiện nay chỉ toàn là nam.

Và những mái ấm nhỏ

Kế bên ngôi nhà lớn dành cho các bạn còn độc thân là những mái ấm nhỏ dành cho những đôi vợ chồng trẻ sống riêng. Mái ấm là căn phòng đơn sơ, là đúng nghĩa "một túp lều tranh hai quả tim vàng". Toàn bộ các khu nhà ở của Cơ sở hướng nghiệp đều lợp lá dừa đơn sơ nhưng rất mát. Mái ấm của các cặp vợ chồng trẻ cũng đơn giản, một chiếc giường đôi, đôi ba chiếc ghế dành cho khách và một chiếc bàn bé tẹo.

ngoinha-1.gif

Cuộc sống không thiếu những niềm tin

Còn nhớ năm 2000 chúng tôi đã có may mắn tham dự một đám cưới tập thể cho những cặp vợ chồng trẻ ở đây. Đám cưới đã để lại ấn tượng và thật nhiều xúc động. Đám cưới trong chùa được quý thầy đứng ra làm chủ hôn và các nhân vật chính là cô dâu chú rể đều là người khuyết tật. Cặp vợ chồng Hải-Nhật cưới năm 2000 đều bị khiếm thị chia sẻ, hai vợ chồng hiện nay chưa có điều kiện nên vẫn ở nhờ nơi này, cháu gái Thúy Vy được 7 tuổi đã học lên lớp 2. Hiện nay, hai vợ chồng đều làm nghề massage, bấm huyệt cùng một cơ sở tại Gò Vấp, cùng đi và cùng về còn bé Thúy Vy thì được gởi bên ngoại để các dì lo giúp, cho tiện việc kèm học, đưa đón, cuối tuần thì hai vợ chồng đến Gò Vấp thăm con. Hải nói: "Chúng em giờ có cháu cũng thấy vui nhưng cực quá, hai vợ chồng làm không được lương bao nhiêu nhưng tiền trả cho xe ôm cũng muốn hết. Hai vợ chồng cứ mơ ước làm sao có được ngôi nhà chui ra chui vô nhưng ước mơ cũng chỉ là ước mơ thôi".

Cũng như cặp vợ chồng Hải-Nhật, nhiều cặp vợ chồng trẻ tại đây có cuộc sống khá vất vả chủ yếu bằng nghề massage để kiếm sống và tích lũy lo cho tương lai bằng những đồng lương còm cõi. Cặp vợ chồng Tâm-Khánh, chồng khuyết tật vận động, vợ khiếm thị; cặp Huy-Thuyền đều khiếm thị cũng vất vả mưu sinh bằng nghề massage, bấm huyệt và dạy học cho các cháu tại chùa Kỳ Quang II. Khá hơn có đôi vợ chồng Nga-Dũng, Nga khiếm thị còn Dũng khuyết tật vận động. Hai bạn đã cùng học tại chùa và trưởng thành từ môi trường này và được nhà chùa đứng ra làm đám cưới cùng các bạn, nhưng Nga và Dũng đã về quê Đồng Tháp sinh sống. Hiện tại hai bạn đã có nhà riêng, có hai cháu nhỏ và rất hạnh phúc.

Dù được đùm bọc của Cơ sở hướng nghiệp Kỳ Quang II, các bạn khuyết tật cũng rất vất vả để hòa nhập và mưu sinh. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ có nghị lực đã trưởng thành từ môi trường nhà chùa và đã không ngừng cố gắng vượt lên những bất hạnh, mặc cảm của bản thân để học tập và làm việc, và có những thành công nhất định trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.