Nẻo sáng của người khiếm thị »» Kỳ cuối: Có một mặt trời trong bóng tối

Đã 10 năm qua, chị ngồi viết và dán nhãn chữ nổi lên băng đĩa cho các em khiếm thị
Đã 10 năm qua, chị ngồi viết và dán nhãn chữ nổi lên băng đĩa cho các em khiếm thị
Giác Ngộ - Chị Tạ Thị Kim Nga vừa mới được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người Phật tử khiếm thị đầu tiên chuyển kinh Phật sang chữ Braille (chữ nổi) dành cho người khiếm thị. Đó là kết quả của cả một quá trình chị sống để thực hiện tâm nguyện của mình là dìu dắt các em khiếm thị và tận tụy giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như mình thoát ra khỏi bóng tối mù lòa.

Bóng tối bao phủ

Nhờ những buổi đi chùa Vĩnh Nghiêm với mẹ mà cô bé Kim Nga "kính cận" 12 diop mới quy y và có pháp danh là Nghiêm Kính. Nhưng đôi mắt xinh đẹp ấy cũng đã mờ dần và gia đình quyết định phẫu thuật. Chị Kim Nga nhớ lại khoảng thời gian chị được sáng mắt sau cuộc phẫu thuật hai mắt, khoảng thời gian đó chị thấy cuộc đời thật đẹp và nuôi ước nguyện phải làm gì đó cho các em khiếm thị kém may mắn hơn. Năm đó (1986) chị mới 26 tuổi, cái tuổi thật đẹp với bao dự định tương lai. Và, bốn năm sau, chị may mắn được tham dự lớp đào tạo giáo viên chữ nổi, trở thành cô giáo.

Đôi mắt sáng của chị là cả một bầu trời yêu thương dành cho những đứa trẻ khiếm thị kém may mắn. Dù chỉ phụ lo cho khoảng 20 em khiếm thị của GĐPT chùa Phước Hải (Q.10) nhưng nhờ hết lòng với trẻ mà chị trở thành cô giáo tận tụy của chúng. Ngược lại, với một người đã từng sống trong bóng tối mờ ảo của đôi mắt lúc trước, cô giáo Kim Nga đã hiểu thấu được nỗi khổ tâm của từng em mà từ đó càng tận tâm giúp đỡ, không chỉ hướng dẫn các em học chữ nổi, cô giáo còn hướng dẫn cách đi đứng, cách vận động sao cho phù hợp với người khiếm thị.

Vì những đứa trẻ kém may mắn, ngày ngày chị Kim Nga lặn lội đi bộ từ nhà ở quận 4 đến đường Cống Quỳnh (Q.1) để tham gia Hội Người mù TP và tiếp tục dạy chữ nổi cho thanh thiếu niên khiếm thị ở đây. Trong khoảng thời gian gắn bó với trẻ, chị cũng được chuẩn bị tham gia vào lớp dự thính đào tạo mẫu giáo dành cho trẻ mù thì tai họa bắt đầu ập xuống.

Một tối, chị ngước lên nhìn bóng đèn trên trần nhà và thấy cả hai màu vàng và trắng cùng một lúc, mặc dù ban ngày mắt chị nhìn thấy bình thường. Lo lắng, chị đi khám bệnh và được bác sĩ chỉ định phẫu thuật lần 2 (1992). Ngay trên bàn phẫu thuật, đôi mắt chị đã không nhìn thấy gì nữa. Vậy là dự định tham gia vào lớp học để trở thành cô giáo mầm non cũng tan biến. Chị rơi vào một chuỗi ngày buồn bã, thất vọng, nín lặng và thu mình lại. Phải mất hết ba năm chị mới tự đứng dậy…

Vững tâm trả nghiệp

Cũng không phải dễ dàng gì với một người đột nhiên mất đi vĩnh viễn ánh sáng, thế nhưng một buổi nọ, chị bạn đến nhà thăm và rủ chị đến chùa An Lạc (Q.1) để tụng kinh sám hối. Đến chùa, chị như lạc vào một thế giới khác, mọi người đối xử với mình cũng không được bình thường như mọi người và cảm nhận sự lạc lõng trong tiếng kinh kệ mà chỉ được nghe thoáng qua mà không theo kịp.

Từ buổi đó, chị Kim Nga quyết định phải đứng dậy, phải tự vận động, phải học tập và quyết tâm phải thuộc kinh Sám hối trong một tuần lễ để đến chùa đọc được kinh như mọi người. Đến chùa đọc được kinh Phật, chị nhanh chóng lấy lại niềm tin, bắt đầu thay đổi mọi suy nghĩ theo hướng tích cực và trưởng thành hơn. Và, cơ hội lại mở ra một lần nữa, chị được tham gia vào Hội Người mù Q.4, tiếp tục gắn cuộc đời mình với những đứa trẻ kém may mắn với vai trò là cô giáo. Từ những trải nghiệm của mình, chị Kim Nga đã dốc hết gan ruột để chăm lo cho những đứa trẻ, những năm đó Hội khá vất vả vì không có trụ sở ổn định nhưng cả cô và trò đều bám lớp. Chị thấy thương cho những đứa trẻ kém may mắn hơn vì phải chịu cảnh mù lòa từ nhỏ và chị nhận ra mình vẫn còn may mắn hơn nhiều khi đã thấy được sắc màu tươi đẹp của cuộc sống trong một khoảng thời gian dài.

Chị Kim Nga cho rằng, cuộc đời tăm tối của chị như một sự an bài của số phận và theo như Phật giáo đó là nghiệp. Mà nghiệp sẽ phải trả nên chị đã vững lòng trả nghiệp. Chị nói "Cuộc sống không cho ai hết mọi thứ và cũng không lấy đi của ai hết mọi thứ", như chị dù mắt không được thấy ánh sáng nhưng bù lại chị là niềm tin cho những em khiếm thị, tiếp thêm nghị lực cho các em vào đời.

Thời gian gần đây, mọi người biết đến chị là một thành viên của nhóm thực hiện các bộ kinh Phật bằng chữ nổi dành cho người mù và được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tặng danh hiệu kỷ lục gia. Nhờ vào tài nhớ lâu, chị đã thuộc hết các chú Đại Bi, Dược Sư, Bát Nhã, Vãng sanh... mà chị viết tay lại bằng chữ nổi để tặng cho các Phật tử mù và sau này có được điều kiện mới in ra thành các tập sách chữ nổi nhằm tạo điều kiện cho người mù được tiếp cận với kinh Phật và học pháp để tự giải thoát cho chính mình. Hiện nay, nhóm ấn tống kinh sách Phật tiếp tục có những dự án đến với người khiếm thị có nhu cầu học tập bằng chữ nổi và muốn tìm hiểu Phật pháp.

Ít ai biết đã 10 năm qua, chị như con ong chăm chỉ, đóng góp thầm lặng ở quỹ từ thiện Thư viện Sách nói TP. Với công việc khá đơn giản, hàng ngày chị đến đây ngồi viết, cắt, dán nhãn chữ nổi lên những chiếc băng, đĩa sách nói để gởi đến các em khiếm thị tại các trường học, Hội Người mù khắp mọi miền đất nước. Chị nói, đó là công việc bé xíu thôi nhưng chị không thấy nhàm chán và ngược lại thấy rất vui vì đã góp phần mình cùng với mọi người chăm lo cho trẻ em khiếm thị.

Hỏi chị có những ước mơ gì cho tương lai, chị đã nói sẽ tiếp tục giúp cho các em khiếm thị, người mù trong khả năng của mình để họ có cơ hội được học chữ nổi, tìm được Phật pháp. Đó là con đường tìm đến sự an lạc. Chị nguyện: "Cho con đi mãi/ Không đứng lại giữa đường/ Dù có gặp chướng ngại/ Nguyện vững vàng tiến bước…"

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.