GN - Tất cả các pháp đều do duyên sinh, duyên diệt. Do đó, bản chất của các pháp đều là Không, đều là “mộng huyễn bào ảnh”, là “hoa đốm giữa hư không”. Đại địa sơn hà cho đến từng hạt bụi và cả những hành vi, những sự giao tiếp xã hội đều bao hàm tính chất “ảo”.
Tuy nhiên, xét từ góc độ xã hội, những cái “ảo” này lại ảnh hưởng to lớn đến đời sống của mỗi người. Từ cái nhìn đó, chúng rất “thực”, rất sinh động.
Mạng xã hội là chốn công cộng phức tạp, cần sử dụng phương tiện thiện xảo,
khéo lấy cái ảo để hiển lộ cái chân hơn là đã “ảo” càng cho “ảo” - Ảnh minh họa
Sự tương đối giữa “ảo” và “thực” càng trở nên sinh động, rõ ràng hơn khi nhìn vào sự tương tác giữa các trang mạng xã hội với đời sống thực của người sử dụng, đặc biệt ở khía cạnh tiêu cực. Nhiều bài báo gần đây cho thấy phía sau màn hình ảo là những hệ quả thực đáng buồn: những hình phạt, những cái chết, những sự đau khổ, căng thẳng, bức bí…
Do vậy, nhiều bậc cha mẹ đã quan tâm kỹ hơn đến con cái khi chúng tham gia mạng xã hội, đặc biệt Facebook và các diễn đàn. Một người mẹ cho biết: “Mặt trái của mạng xã hội cũng không nhỏ. Đám trẻ lớn dần lên với tác động cả ảo lẫn thật của Facebook. Chúng nhiễm thói quen chửi bậy của người lớn ở ngoài đời và mang lên Facebook sử dụng. Những bài chia sẻ tục tĩu, những lời nhận xét thiếu nghiêm túc, thậm chí vô văn hóa có sức lan tỏa lớn và là một trong những yếu tố gây suy giảm đạo đức xã hội”.
Có một điều rất đáng suy ngẫm là gần đây, một số người yêu thích triết học đã thành lập nhóm Facebook, và quy định đầu tiên của nhóm là “không được nói tục, chửi thề”! Điều đó cho thấy những lời nói thiếu ý thức, thiếu văn hóa trên những trang mạng xã hội đã trở thành một hội chứng nguy hiểm!
Mạng xã hội nhiều năm qua đã lan tỏa đến cửa thiền. Rất nhiều Tăng Ni trẻ sử dụng Facebook như một phương tiện hoằng pháp, nhưng phần lớn vẫn sử dụng Facebook như một trang nhật ký mở, đăng tải những thông tin, hình ảnh rất đời thường, đôi khi thiếu trang nghiêm. Những nỗi niềm, buồn vui, những lời phê bình, chỉ trích lắm khi còn được nhiều vị đăng tải một cách thiếu kiểm soát. Đây là cơ hội cho những người đả phá Phật giáo dùng làm cơ sở để “ném đá” bằng nhiều lời lẽ thô tục, khiếm nhã.
Các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, đều thu thập tất cả thông tin, sở thích của người dùng nhằm phục vụ cho chiến dịch quảng cáo - và cả những mục đích khác. Hành vi, thói quen, cho đến những quan điểm, sở thích của người dùng luôn được các trang mạng lưu trữ cẩn thận. Thế giới ảo ấy không phải là nơi có thể “ném đá giấu tay” hay “lời nói gió bay” như nhiều người lầm tưởng.
Do đó, tự giáo dục hành vi khi tham gia mạng xã hội, đặc biệt cần ý thức rõ mình là ai, có vai trò, vị trí nào khi tham gia mạng xã hội là điều hết sức cần thiết đối với mỗi người - nhất là các vị Tăng Ni - nhằm cống hiến những bông hoa tươi đẹp cho cộng đồng, và đó cũng là cách để tự bảo vệ mình, bảo vệ Phật giáo nói chung. Chúng ta cần sử dụng phương tiện thiện xảo, khéo lấy cái ảo để hiển lộ cái chân hơn là đã “ảo” càng cho “ảo”.