Nam Phi: Thiền học Phật giáo lan tỏa nhẹ nhàng

Giác Ngộ - Vào năm 1956, ông Louis Van Loon từ Amsterdam đến Nam Phi khi vừa tròn 20 tuổi.  Ông đã đến Nam Phi với một cái vali đầy áo quần cũ và một cái kia thì đầy đồ nghề dùng cho hội họa.

Ông không biết chắc là ông có thể theo đuổi công việc trong lĩnh vực mà ông đã được đào tạo, quy hoạch và xây dựng công trình công cộng được hay không, hay là thử vận may của mình trong lĩnh vực hội họa.

wwwnp.jpg

Bảo tháp của một trung tâm thiền tại Nam Phi

Một trong những điều mà ông thích thú ấy là triết học Phật giáo, một lĩnh vực bắt đầu có sự ảnh hưởng mang tầm quốc tế đối với giới trẻ thời bấy giờ. Tuy nhiều, đối với Nam Phi thì sự ảnh hưởng này không lớn, vì vào thời điểm ấy, Nam Phi bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi những chính sách phân biệt chủng tộc.

Với tư cách là một công dân Hà Lan, ông có thể tự do đi lại ở ngoại quốc để theo đuổi sơ thích nghiên cứu Phật học của mình. Ông đã đến thăm nhiều tu viện, nhiều trung tâm thiền học ở các nước viễn Đông, ở châu Âu, Anh quốc và Hoa Kỳ.

Lúc ông đang ở Ấn Độ vào năm 1959, cũng là lúc mà đức Dalai Lama cùng hàng nghìn người dân Tây Tạng từ Tây Tạng sang Ấn Độ xin tị nạn. Điều gây ấn tượng cho ông và tạo cảm hứng cho ước muốn được hiểu sâu hơn về triết học Phật giáo của ông chính là cách mà những người dân Tây Tạng đã ứng phó khi họ bị ép phải rời bỏ tổ quốc.

Ông Van Loon nhận định: “Họ dường như sở hữu một niềm vui trong cuộc sống không thể nào phá hủy được, bất luận là họ khổ sở thế nào. Họ kìm nén sự chỉ trích về những điều đã xảy ra với họ. Họ giữ những điều đó ở trong lòng và tiếp tục sống”.

Sự điềm tĩnh, thông suốt, thăng bằng và giàu lòng bao dung trong hầu hết mọi hoàn cảnh khó khăn của người dân Tây Tạng đã đánh động vào tâm thức của ông, vì đấy chính là những phẩm chất xác chứng cho thành quả của sự tu tập theo đạo Phật của họ.

Ông Van Loon tin rằng, chính những phẩm chất này đang thu hút ngày càng đông số lượng người phương Tây đến với đạo Phật, cụ thể là sự thực tập chánh niệm, một pháp tu cốt yếu trong đạo Phật.

Sự mếm mộ đạo Phật của Van Loon sâu sắc đến độ ông quyết định thành lập một trung tâm thiền Phật giáo và vận động xây dựng Phật học trở thành một môn học chính khóa ở trong nhà trường.

Phật học chưa từng được giảng dạy trong các trường đại học ở Nam Phi. Nhưng những bài nghiên cứu về Phật học mà Van Loon xuất bản đã thu hút nhiều người đến nghe các bài thuyết giảng về triết học Phật giáo tại Đại học Durban-Westville và Đại học Cape Town, Nam Phi. Và cuối cùng, Phật học đã trở thành một môn học chính khóa tại hầu hết các trường đại học lớn ở Nam Phi.

Vào năm 1970, ông Van Loon đã mua một khu đất rộng 120 hecta tại Ixopo trước sự ngỡ ngàng của người dân địa phương, vì họ nghĩ rằng đấy là khu đất vô dụng, đã bị xói mòn nhiều và rất dốc, cây keo mọc tràn lan. Tuy nhiên, đấy là khu đất lý tưởng cho mục đích của ông, mặc dù nó đòi hỏi phải tốn công sức rất nhiều cho việc cải tạo.

Trong khi đang bận rộn với công việc chuyên môn, phải đảm nhiệm công việc của một kiến trúc sư, một kỹ sư cố vấn, lại còn giảng dạy tại 2 trường đại học và vẫn phải đi nhiều nơi, ông đã bắt đầu cải tạo đất và xây dựng các tòa nhà tại khu đất đã mua được và nay nó đã trở thành Trung tâm thiền Phật giáo tại Ixopo.

Xây dựng được các tòa nhà là một việc, làm sao để thu hút mọi người đến sinh hoạt và ở lại trong đó là một việc khác. Bắt đầu từ đâu đây? Van Loon tâm sự: “Rất khó để thu hút người Nam Phi tham gia, vì lúc ấy Nam Phi đang thi hành những chính sách phân biệt chủng tộc khác nghiệt. Và đạo Phật bị nghi ngờ là có dính líu đến Chủ nghĩa xã hội. Họ nghi ngờ cũng có cái lý của họ. Vì suy cho cùng thì người Trung Hoa là những người theo Chủ nghĩa xã hội và họ là những Phật tử. Hơn nữa, ông Alan Paton, một tác giả, nhà hoạt động xã hội chống lại sự phân biệt chủng tộc vừa mới nổi danh có sự gắn kết với nào với Ixopo không? Và bây giờ một trung tâm thiền đang bắt đầu hình thành tại chính những ngọn đồi của Ixopo, những ngọn đồi mà Alan Paton đã miêu tả trong cuốn sách “Khóc cho quê hương yêu dấu” (Cry the Beloved Country) rằng chúng đẹp hơn cả bất kỳ lời ca nào về chúng”.

Cuối cùng thì Trung tâm thiền Phật giáo tại Ixopo cũng đã sẵn sàng để mở cửa cho khóa tu đầu tiên vào tháng 4 năm 1980. Một người bạn tốt của Van Loon, nhà báo Monica Fairall đã viết một bài báo về lễ khánh thành sắp diễn ra của Trung tâm, đăng trên tờ Sunday Tribune, bài báo đề cập đến khóa tu đầu tiên mà trung tâm tổ chức sẽ là khóa thiền Phật giáo (Zen Buddhism).

Một huấn luyện viên karate đã thổ lộ: “Lúc đó tôi không rõ mình mong muốn gì, nhưng xét về mặt lịch sử thì thiền là một yếu tố quan trọng trong võ thuật của Nhật Bản. Cho nên sau khi đọc bài bọc, tôi đã thuyết phục 18 học viên của tôi cùng đến tham dự khóa tu thiền đầu tiên ấy để học hỏi thêm”.

Nhưng đấy chỉ là một tia sáng léo lên mà thôi. Những tháng sau đó, trung tâm được xem là may mắn nếu có 2 hay 3 người đến 1 hoặc 2 lần trong một tháng. Hầu hết họ đều giống như nhóm người học karate kia, họ mong muốn những thứ khác với những gì họ thu được từ khóa tu.  

Tuy nhiên, dần dần, cùng với trào lưu ngày càng nhiều người quan tâm và có thiện cảm với đạo Phật trên khắp thế giới, và Nam Phi dần mở cửa với thế giới bên ngoài, trung tâm thiền tại Ixopo cũng ngày càng phát triển.

Hiện nay, các khóa tu được tổ chức cuối mỗi tuần với nhiều chủ đề khác nhau, thậm chí là có cả những khóa tu dài đến 9 ngày. Người ta đến với trung tâm với nhiều lý do khác nhau và trung tâm có sẵn các lựa chọn khác nhau về chủ đề khóa tu để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Các hành giả đến tu học tại trung tâm không chỉ có người Nam Phi mà ngày càng có nhiều người đến từ các quốc gia khác. Giáo thọ sư hướng dẫn và giảng dạy tại trung tâm gồm có những bậc chân sư đến từ nước ngoài và cả những vị giáo thọ sư người Nam Phi.

Chủ đích chính của trung tâm là nghiên cứu Triết học Phật giáo và thực hành thiền, áp dụng cho cả những người mới học và cả những người dày dặn kinh nghiệm. Tuy nhiên, luyện tập yoga, khí công, tập vẻ tranh thủy mặc, tập viết bài… là các hoạt động thường được tổ chức trong thời khóa của khóa tu.

Ngày càng có nhiều người đến với trung tâm và trung tâm cũng được nâng cấp, hoàn thiện dần. Hiện tại, Trung tâm thiền Phật giáo tại Ixopo được xem là một trong những trung tâm thiền tốt nhất và đẹp nhất trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.