Năm pháp thực hành của cư sĩ: (2) Xa lìa trộm cướp

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Người đệ tử Phật thực hành pháp thứ hai một cách hoàn hảo là không trộm cướp, chính xác là xa lìa việc lấy của không cho.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, cư sĩ Cấp Cô Độc cùng chúng Ưu-bà-tắc gồm có năm trăm người đi đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử (Xá-lợi-phất). Tôn giả Xá-lê Tử thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ. Ngài dùng vô lượng phương tiện thuyết pháp cho họ, khuyến phát khát ngưỡng, thành tựu sự hoan hỷ rồi, liền rời chỗ ngồi đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi xuống một bên.

Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử đi chẳng bao lâu, cư sĩ Cấp Cô Độc và năm trăm Ưu-bà-tắc cũng đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn dạy:

- Này Xá-lê Tử, nếu thầy biết rằng bạch y Thánh đệ tử gìn giữ, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tăng thượng tâm, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được. Xá-lê Tử, thầy nên xác nhận rằng Thánh đệ tử này không còn đọa địa ngục, cũng không còn sinh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác, được quả Tu-đà-hoàn, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến tới quả vị Chánh giác, tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa. Sau bảy lần qua lại cõi trời, nhân gian, liền được chấm dứt khổ đau.

- Lại nữa, này Xá-lê Tử, bạch y Thánh đệ tử xa lìa việc lấy của không cho, dứt trừ việc lấy của không cho. Khi nào cho mới lấy, vui với việc cho mới lấy, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không mong đền trả, không tham lam, thấy tài vật của kẻ khác không lấy về mình. Người ấy đối với việc không cho mà lấy tâm đã tịnh trừ. Đó là pháp thứ hai mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Ưu-bà-tắc, số 128 [trích])

Người đệ tử Phật thực hành pháp thứ hai một cách hoàn hảo là không trộm cướp, chính xác là xa lìa việc lấy của không cho. Trộm là lén lấy, cướp là đoạt lấy. Cướp thì hầu hết chúng ta không làm nhưng trộm thì ít người tránh khỏi vì hành vi này núp bóng dưới nhiều hình thức và có mặt trong mọi ngõ ngách cuộc đời.

Bắt nguồn từ tâm tham, sau đó tìm mọi cách bất chính để chiếm hữu đã tạo ra nghiệp trộm cướp. Theo tinh thần chánh mạng, tài vật nói chung phải do chính mình làm ra bằng trí tuệ và công sức, sau đó sở hữu và sử dụng chúng đúng pháp. Trường hợp mình không làm ra thì tài vật phải được người cho, nếu không được cho mà lấy (dù nhỏ hay lớn) đều tạo ác nghiệp.

Trộm cướp hay lấy của không cho có phạm vi rất rộng. Tài vật của người, từ quý giá như vàng bạc châu báu cho đến tầm thường như cây kim ngọn cỏ, nếu không cho mà lấy là trộm. Cho đến các hình thức làm ăn bất chính, mua rẻ bán đắt, hàng giả hàng gian, trốn thuế tránh phí, cậy chức tham ô, ỷ quyền nhũng nhiễu… đều là trộm cướp. Tất cả đều là vay nợ xấu, đã vay thì phải trả, vấn đề là sớm muộn mà thôi.

Người đệ tử Phật ngoài việc lập hạnh chẳng lấy của không cho lại còn siêng năng bố thí, vui vẻ cho đi, không cầu đền đáp. Nếu chỉ giữ hạnh không trộm cướp thì rất tốt nhưng chưa chắc vì tâm biến đổi vô thường, hấp lực cám dỗ mạnh mẽ. Cần phải gia thêm bố thí, cho đi, bởi chính thiện tâm và thiện pháp thí xả này sẽ giúp cho hành giả ngăn ngừa và chuyển hóa tham lam, cội nguồn của hành vi trộm cướp.

Thực hành không trộm cướp và siêng năng bố thí, cúng dường khiến cho tâm tham lam tài vật của người ngày càng giảm thiểu, dẫn đến tịnh trừ. Bấy giờ trong tâm không còn ý niệm “lấy của không cho” nữa, chỉ còn sẻ chia, bố thí và cúng dường mà thôi. “Đó là pháp thứ hai mà bạch y Thánh đệ tử đã giữ gìn và thực hành một cách hoàn hảo”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.