Năm học mới ở nơi “ngàn trùng sóng vỗ”

GNO - Tiếng trống trường ngân vang báo hiệu một năm học mới của các em học sinh Trường Sa bắt đầu. Những đứa trẻ mặc đồng phục “áo vằn cánh sóng” ở nơi đầu sóng ngọn gió ấy, không chỉ học chữ, học làm người mà còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện “tinh thần thép” cùng với bộ đội hải quân canh giữ biển, đảo của đất mẹ, quê hương.

Đầy đủ như ở đất liền

Hòa cùng nhịp sống nơi đất liền, sáng 5-9, học sinh ở ba đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam náo nức đón năm học mới 2017-2018. Tất cả các thầy cô giáo cùng các em học sinh đều chung một tâm trạng phấn khởi, háo hức, sẵn sàng tâm thế cho một năm học mới với yêu cầu chất lượng cao.Tại đảo Trường Sa lớn, đúng 8 giờ sáng, lễ khai giảng năm học mới bắt đầu. Ngay từ sáng sớm, phụ huynh học sinh đã dẫn các em ra sân băng của đảo đón ánh bình minh trong niềm hân hoan phấn khởi.

ANH B (2).JPG
Học sinh Trường Sa vui đùa trên triền đảo trước năm học mới

Thầy giáo Đồng Minh Hiệp cho biết, không khí đón năm học mới của học sinh đảo Trường Sa lớn rất náo nhiệt. 100% các em học sinh mặc quần áo mới. “Tối 4-9, các em cùng với các chú bộ đội tổ chức vui văn nghệ ở cột mốc chủ quyền. Mọi công tác chuẩn bị cho ngày khai giảng rất tốt. Các lớp được sơn mới, trồng thêm cây xanh trong khuôn viên sân trường. Mặc dù ở xa đất liền, song cơ sở vật chất phục vụ học tập khá đầy đủ”, thầy Hiệp cho biết.

Tại đảo Song Tử Tây, lễ khai giảng năm học mới diễn ra trong niềm tự hào hân hoan của thầy, cô giáo, phụ huynh, bộ đội và học sinh. Thầy giáo Lê Xuân Quyết cho biết, Trường Sinh Tồn năm nay thêm hai học sinh mới so với năm học cũ. Trước ngày khai giảng 2 tuần, các em học sinh đã tựu trường và được cấp phát toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập miễn phí.

“Sáng sớm, có phụ huynh đã dẫn các em tới trường rồi cùng dự khai giảng. Mặc dù xa cách đất liền nhưng các em có đầy đủ sách vở, cặp, bút, đồng phục mới. Có thể nói, năm học mới của học sinh đảo Song Tử Tây rất rộn ràng. Tất cả thầy trò, phụ huynh đều phấn khởi, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thầy Quyết nói.

Cũng vào thời điểm này, thầy trò đảo Sinh Tồn cũng náo nức đón năm học mới trong niềm tự hào, vui tươi. Đúng 8 giờ sáng, tiếng trống trường đánh ba hồi dõng dạc báo hiệu năm học mới thực sự bắt đầu.

ANH B (1).JPG

Học sinh Trường Sa lớn háo hức đến trường

Năm nay, Trường học Sinh Tồn có hai lớp học. Hai giáo viên đều là nam giới, thầy Nguyễn Ngọc Hạ và thầy Lê Anh Đức. Trong niềm vui của thầy giáo gieo chữ nơi đầu sóng ngọn gió, thầy Đức chia sẻ: “Cũng như đất liền, ngày khai giảng của thầy trò đảo Sinh Tồn cũng đầy đủ, náo nhiệt và rất xúc động.

Khi nghe tiếng trống trường vang vọng, trong tim tôi như thúc dục, một cảm xúc thiêng liêng vô cùng. Ngoài nhiệm vụ dạy chữ cho học sinh, thầy giáo Trường Sa còn là một chiến sĩ kiên cường. Gieo chữ ở tiền tiêu Tổ quốc, ngoài gieo tri thức, còn gieo cho các em tinh thần dũng cảm, đức hi sinh, sẵn sàng quên mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc”.

Phụ huynh vui, học sinh háo hức

Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên đảo Trường Sa cho biết, năm học 2017-2018, tại thị trấn Trường Sa có 5 lớp học ở cả hai cấp: mầm non và tiểu học. Ở cấp học mầm non có 1 lớp cho tất cả các độ tuổi từ 1-5; cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi khối có 1 lớp.

“Mặc dù số lượng học sinh không đông như ở các trường trong đất liền nhưng không vì thế mà không khí ngày khai giảng kém sôi động. Để ngày khai giảng diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, ngay từ đầu tháng 8, các lực lượng trên đảo đã cùng nhau triển khai các công việc như dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, sơn sửa lớp học khang trang, làm mới các dụng cụ học tập để các em đón năm học mới”, Thượng tá Tuấn cho biết.

Thầy giáo Phạm Trung Việt, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa lớn chia sẻ:  Mặc dù xa đất liền, điều kiện ngoài đảo còn gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, thầy trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa bước vào năm học mới với khí thế vui tươi, rộn ràng.

ANH B (3).JPG

Lớp học xoay vòng

Các em được học trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp, tiện nghi. Ngoài các phòng học của trường còn có có đầy đủ các phòng chức năng như: thư viện, phòng giáo vụ, phòng khách, phòng tin học. Trang thiết bị dùng cho việc dạy và học của trường đã được trang bị tương đối đầy đủ, từ sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết, vở bài tập, đồ dùng dạy học, nhằm giúp các em có được điều kiện tốt nhất để học tập, vui chơi.

Trong niềm vui ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, chị Phạm Như Trinh đưa hai con đến trường trong niềm tự hào xúc động. Lúc chào cờ bên cột mốc chủ quyền, mắt chị rưng rưng, tay nắm chặt tay con. Hai con của chị chưa hiểu về nghi lễ chào cờ Tổ quốc ở Trường Sa, song các em cũng đứng nghiêm trang như mẹ và nhìn lên lá cờ bay phấp phới.

Niềm vui mới trong ngày khai giảng

Do điều kiện dạy học xa đất liền và để thuận lợi cho việc sinh hoạt đời sống thường nhật, ngoài giáo viên nữ ở Đảo Trường Sa Lớn, thì các giáo viên ở hai trường Song Tử Tây và Sinh Tồn chủ yếu là nam giới.

“Trong điều kiện dạy học ở đảo, giáo viên là nam giới có nhiều thuận lợi hơn, nhất là mỗi lần thay ca vào đất liền. Mặt khác, ở đảo, bộ đội chủ yếu là các chiến sĩ nữ nên bố trí giáo viên là nam giới cũng nhiều thuận lợi, hợp lý. Do học sinh ít nên các lớp, từ lớp một đến lớp 5 đều học một giáo viên. Các em học sinh ngồi quay lưng vào với nhau, hướng lên bảng. Trong khi giáo viên giảng bài cho học sinh lớp 5, thì học sinh lớp 3 ôn bài, học sinh lớp 2 làm bài tập. Tuy học ghép nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em”, thầy Quyết cho biết.

Gắn bó với học sinh ở đảo Song Tử Tây hai năm nay, thầy giáo Lê Xuân Quyết không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đứng trên bục giảng mà học sinh của mình chỉ có 9 học trò và phải học xoay vòng.

Các em có độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5, lại phải học chung một lớp, nên việc một giáo viên dạy trong một khuôn viên gặp không ít khó khăn. Khó nhất là mỗi lần các em nhỏ làm nũng, thầy Quyết phải đóng vai trò “bảo mẫu” động viên các bé.

“Ngày mới dạy học ở đảo, tôi rất bỡ ngỡ nhưng rồi quen dần với cách dạy học ở đây. Ở đảo, các em học sinh gọi thầy xưng con, bản thân tôi coi các cháu như con mình”, thầy Quyết chia sẻ.

Cùng đồng hành hơn hai năm gắn bó với trường học Đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ Đồng Minh Hiệp, nguyên là sinh viên khoa Tiểu học khóa 35, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang tình nguyện ra đây dạy học từ năm 2014.

Khó có thể nói hết những ngày đầu tiên bỡ ngỡ dạy chữ ở nơi đây, nhưng kiến thức thầy đang dạy học sinh trên đảo nhỏ này với tất cả lòng nhiệt tình, tình yêu nghề của người giáo viên trẻ tuổi.

“Tôi luôn hãnh diện mỗi lần đứng trên bục giảng dạy học cho các em học sinh ở đây, và đó cũng là niềm vui lớn nhất của tôi. Ngoài dạy chữ, tôi cũng muốn thử sức trẻ của mình cùng các chiến sĩ hải quân. Trên bục giảng, tôi là giáo viên, ngoài giờ tôi là công dân, khi bảo vệ đảo tôi là chiến sĩ”.

Tiếng trống Trường Sa đã điểm, năm học mới của những chiến sĩ nhí “áo vằn cánh sóng” giữa đại dương đã bắt đầu. Ở “chân trời” ấy, ngoài học kiến thức, tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện “tinh thần thép”, cùng bộ đội hải quân canh giữ biển, đảo của quê hương. Còn các thầy, cô giáo trẻ, họ như con ong chăm chỉ, ngày đêm gieo chữ cho những đứa trẻ giữa ngàn trùng sóng vỗ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.