GN - Dưới sự bảo trợ của UNESCO, đại diện của Cộng hòa Liên bang Myanmar và Vương quốc Na Uy, việc hồi trả một tượng Phật bị đánh cắp và mua bán bất hợp pháp đã được diễn ra tuần qua.
Bức tượng được trao trả lại trong buổi lễ bàn giao chính thức với sự hiện diện của ông Børge Brende, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy và ông Thura U Ko Aung, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Tôn giáo Myanmar, tại Bảo tàng Quốc gia Myanmar ở Nay Pyi Taw.
Tượng Đức Phật này làm bằng thạch cao cổ xưa, được dân chúng Myanmar ví như một “chứng nhân trái đất” - là một trong những mẫu tượng phổ biến nhất về Đức Phật ở Myanmar.
Ông Børge Brende, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy phát biểu trong lễ trao trả tượng Phật
Câu chuyện của bức tượng thất lạc bắt đầu từ năm 2011, khi hải quan Na Uy xác định và ngăn chặn việc nhập khẩu bất hợp pháp các đồ vật thuộc di sản văn hóa nghệ thuật. Công tố viên người Na Uy đã tịch thu bức tượng này và sau nhiều năm nghiên cứu, bức tượng được các chuyên gia xác định là có nguồn gốc từ vùng Mandalay ở Myanmar và ước tính khoảng 150 đến 200 năm tuổi. Với tinh thần muốn bảo tồn văn hóa quốc gia của các nước khác, Na Uy đã quyết định trao trả lại bức tượng cho Myanmar.
Cả hai quốc gia này đều là thành viên của Công ước UNESCO về các biện pháp cấm và ngăn chặn nhập khẩu bất hợp pháp, xuất khẩu và chuyển giao quyền sở hữu tài sản văn hóa. Đồng thời, thông qua các mối quan hệ tốt đẹp dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, các đại diện của Chính phủ Na Uy và Myanmar đã gặp mặt tại UNESCO vào đầu năm nay ở Paris để chính thức hóa việc trao trả bức tượng.
Quá trình này được đề xuất tiến hành bởi các nhà chức trách Na Uy. Nước này đã cản trở việc nhập khẩu bất hợp pháp bức tượng và huy động các chuyên gia để tìm ra nguồn gốc xuất xứ của nó.
Sự trở lại của tượng Phật cũng đánh dấu một bước quan trọng trong hợp tác văn hóa giữa Myanmar - Na Uy với các đối tác quốc tế, liên quan đến các nỗ lực toàn cầu để bảo vệ di sản văn hóa và ngăn chặn nạn buôn người bất hợp pháp.
“Việc buôn bán các đồ vật, di sản, tạo tác văn hóa thường nằm trong mạng lưới tội phạm quốc tế. Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề này và tăng cường hợp tác quốc tế để chống lại thương mại bất hợp pháp”, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Børge Brende đề nghị trong phát biểu tại buổi lễ trao trả tượng.
Được biết, từ năm 2016 và cho đến khi được trả lại, bức tượng Phật vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Văn hóa Na Uy ở Oslo nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về buôn lậu trái phép các hiện vật văn hóa. Khi trở về Myanmar, bức tượng Phật sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia ở Nay Pyi Taw.
Phạm Hà (theo NE)