Myanmar du ký - Kỳ 3: Mandalay – hoàng hôn nhuộm vàng cảnh sắc

Cách Bagan chỉ 30 phút bay, Mandalay là một thành phố quá ư hỗn độn, ngập bụi khói và buổi tối tất nhiên buồn tẻ bởi cũng hay mất điện như khắp đất nước Myanmar. Nhưng khi đã ngồi lên xe, rời khỏi khu trung tâm náo nhiệt để tới thăm các công trình kiến trúc kỳ vĩ khác, lúc đó tôi mới thực sự hiểu vẻ đẹp của một vùng đất cũng đã từng là kinh đô cổ của đất nước vàng.

Ngay ngôi chùa đầu tiên trong buổi sáng đầu tiên tới Mandalay, tôi đã choáng ngợp bởi sự tinh tế của hàng ngàn hay có lẽ hàng chục ngàn hoạ tiết chạm trổ tại chùa Shweinbin.

Myanmar du ký - Kỳ 3:  Mandalay – hoàng hôn nhuộm vàng cảnh sắc ảnh 1
Cầu gỗ U Bein ở Mandalay

Vừa tinh tế, vừa rực rỡ

Được bao bọc bởi khuôn viên và bờ tường gạch, chùa không hề báo trước về ấn tượng của mình nếu đứng từ ngoài, nhưng khi vào bên trong, ánh mắt ta sẽ bị hút chặt bởi các đường nét thanh thoát của mái vươn lên trời cao, các đường chạm tinh xảo tuyệt mỹ trên tường, vách, cửa, xà, riềm mái và cột. Được dựng hoàn toàn bằng gỗ, những hoạ tiết hình hoa lá, các tượng thần, tiên nữ, Phật, các môtíp đăng đối và cân xứng. Trải nắng gội mưa, ngôi chùa gỗ nhuộm màu đen nâu nên rất khó chụp ảnh, nhưng bù lại, cặp mắt của tôi được tràn đầy bởi vẻ đẹp diễm lệ của Shweinbin.

Liên tiếp sau đó là các vẻ đẹp khác của các công trình trải rộng khắp ngoại vi và chính trong nội thành Mandalay. Khu hoàng cung cũ rộng lớn nguy nga, được bao bọc bởi lớp tường thành và hào nước rộng cũng là nơi đáng nhớ, mặc dầu trong cả trăm cung điện liên hoàn giữa lớp hoàng thành không còn mấy vật dụng của đời sống hoàng gia. Tại chùa Maha Muni trong thành phố, hiện hữu pho tượng Phật vàng được coi là một trong ba bảo vật của đất nước bao gồm chùa Shwedagon tại Yangon, tượng Phật tại Mandalay và tảng đá vàng tại Bago...

Nhưng giữa hành trình đó, nhất thiết nên trèo lên đồi Mandalay để ngắm hoàng hôn, bởi đó là ước nguyện của đại đa số du khách khi tới thành phố đa sắc này. Rất dài và cao, nhưng với ai yếu sức có thể thuê xe chở lên tận đỉnh, tại độ cao 230m ta sẽ thu gọn vào tầm mắt mọi cảnh vật bên dưới đang dần nhuốm vàng từ khoảng 5 giờ chiều và tối hẳn lúc khoảng 6 giờ 30 phút khi mặt trời lặn hẳn. Từng đoàn người từ mọi nơi đổ về đây từ sớm, họ kiên nhẫn đi với niềm sùng kính để rồi sau đó trầm trồ trước ánh hoàng hôn phủ lên cả trăm ngọn tháp lô xô trải dài tới tận chân trời.

Hoàng hôn trên hồ Inle

Hồ Inle

Hồ Inle

Chỉ ngày hôm sau, cũng buổi chiều, tôi đã có thêm sự chiêm nghiệm về vẻ đẹp hoàng hôn trên mênh mông hồ nước Inle. Đành rằng buổi chiều sau tại Mandalay, đi ngắm hoàng hôn tại cầu U Bein cũng là điều đáng nhớ, nhưng quá đông du khách, và tôi đã phải chia sẻ cảnh sắc với nhiều ống kính khác, điều đó làm giảm đi cảm giác khám phá rất đỗi ích kỷ của cá nhân. Nhưng biết sao được, bởi cây cầu gỗ dài nhất thế giới bằng gỗ tếch đó cũng là nơi du khách tập trung về mỗi buổi hoàng hôn. Khi ánh nắng dần dịu nhẹ, tấp nập khách du lịch đi trên cầu cùng cư dân địa phương, và ai cũng mong muốn được chụp hình cây cầu dài 1,2km bắc ngang mặt nước với những tà áo của sư tăng nâu đỏ, hình bóng người dân dắt xe đạp, dạo bộ... in bóng mặt nước lung linh. Nhưng tại hồ Inle, một địa danh nổi tiếng khác cách Mandalay cũng khoảng 30 phút bay, cảm xúc đã hoàn toàn khác trong một hoàng hôn cô tịch, chỉ có tôi và chàng trai chèo thuyền.

Quyến rũ du khách bởi những khách sạn nằm giữa hồ nước dài 22km và rộng 11km, bởi những người đánh cá độc đáo có kiểu chèo thuyền bằng một chân, bằng ngôi làng Intha nổi tuyệt đẹp giữa mênh mang sóng nước, Inle là nơi hoàn toàn khác với mọi miền khác của Myanmar.

Tôi đã đề nghị người lái thuyền tắt máy khi mặt trời xuống thấp, để cảm nhận từng cơn sóng nhẹ đưa đẩy thân thuyền, để ngắm bóng những chiếc thuyền cá in vào bóng vàng mặt nước. Rộng bát ngát, hồ Inle là nguồn sữa nuôi dưỡng 17 ngôi làng xung quanh, là cảm hứng bất tận cho giới nhiếp ảnh. Vào ban ngày, sức nóng thường thiêu cháy mọi cảnh sắc trên hồ, còn vào buổi chạng vạng, mọi vật bỗng trở nên rực rỡ trước khi bóng đêm bao trùm không gian. Bập bềnh giữa hồ là vài chiếc thuyền mệt mỏi neo đậu, thấp thoáng phía xa là rặng núi mờ xanh, còn giữa hồ, chỉ có bảng lảng khói sương hoà quyện cùng khói thuốc mà hai gã trai khác xứ sở nhưng cùng chung manh thuyền nhỏ đang ngắm cảnh.

Những ngày du hành của tôi trên đất nước Myanmar trôi qua như vậy, để khi đã cảm thấy đủ thân thuộc, đủ sức hoà tan vào cuộc sóng bản địa thì tôi lại phải trở về. Trở về đối diện với nỗi đơn độc quen thuộc, để ngày sau lại khao khát được tới Myanmar ngắm hoàng hôn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.