GN - Không được may mắn như nhiều người, ngay từ khi mới sinh ra Đào Mỹ Thương đã phải gánh chịu một nỗi đau mất mát rất lớn là mắc bệnh bại não.
Thế nhưng, trong cơ thể tật nguyền nhỏ bé đó luôn cháy bỏng “ngọn lửa” nghị lực. Ngọn lửa ấy giúp cô phấn đấu trên con đường học vấn, để trở thành cử nhân công nghệ thông tin, một vận động viên khuyết tật giành được nhiều huy chương trong các giải đấu lớn…
Vượt qua số phận…
Chúng tôi tìm tới gia đình Đào Mỹ Thương, sinh năm 1986 (ngụ đường Bàu Cát 8, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) vào một buổi trưa đầy nắng gắt. Không quá khó để nhận ra hình ảnh một cô gái với dáng người nhỏ thó, nước da trắng, chân tay co rút, đi lại rất khó khăn, đầu lắc lư về phía trước, và những câu nói không tròn vành rõ chữ. Nhưng, cô gái ấy đã để lại cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng, vì vẻ tự tin và ánh mắt trong trẻo chứa đựng bao khát vọng.
Theo lời bà Trương Thị Liễu (sinh năm 1957), mẹ của Thương, thì Thương là đứa con duy nhất trong nhà. Những ngày mới sinh, ông bà vỡ òa trong niềm vui sướng được làm cha, làm mẹ. Bao nhiêu niềm vui, hạnh phúc đặt lên cô con gái bé bỏng ấy. Thế nhưng, số phận thật nghiệt ngã, khi sáu tháng tuổi Thương đã có những biểu hiện khác thường: cơ thể yếu ớt, đầu lắc qua lắc lại như không xương, chân tay có hiện tượng co rúm.
Hai vợ chồng hốt hoảng đưa con tới bệnh viện và bác sĩ kết luận Thương bị bệnh bại não. Nghe đến đây, ông bà bế con ra về trong nỗi tuyệt vọng. Từ những ngày đó, cô bé lớn lên nhưng không thể đi lại, nói chuyện, chỉ biết gắn với chiếc giường.
Mỹ Thương mày mò cả ngày lẫn đêm, sau 4 tháng mới đánh được máy vi tính
Càng lớn cơ thể cô bé càng gầy gò, chân tay không thể cử động, cơ mặt, cơ lưỡi cũng bị ảnh hưởng nên rất khó nói chuyện. Mọi sinh hoạt chỉ biết nhờ vào người mẹ. Không khuất phục trước số phận, hai vợ chồng bà dạy cho con những bước đi đầu tiên. Năm 8 tuổi, Thương đã bước chập chững biết đi và cũng là lúc cô bé đòi được đến trường đi học như bao chúng bạn khác. Tuy nhiên đến với con chữ, Thương phải đối mặt với nhiều gian truân, thử thách hơn bao giờ hết. Vì tình yêu dành cho con, bà Liễu tất tả đi khắp các trường trong thành phố xin cho con được học nhưng đi tới đâu, bà cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
May mắn, nhờ một người bạn của mẹ giới thiệu nên Thương được nhận vào học tại Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Những ngày đầu đến lớp, ai nấy đều nhìn cô bé với những cặp mắt ái ngại, dè chừng. Bạn cùng lớp trêu chọc, những suy nghĩ mặc cảm, tự ti với bản thân luôn bủa vây bên người.
Học hết lớp 3, trường chạy theo thành tích, thầy cô lơ là việc dạy bảo vì nghĩ rằng cô bé tật nguyền không biết gì, có dạy cũng vô ích. Thương gắng gượng học đến giữa lớp 5 rồi nghỉ. Từ đó, cô bé luôn sống trong sự đơn độc, thiếu vắng bạn bè, chỉ biết lủi thủi trong nhà. Không từ bỏ ước mơ, đến năm 18 tuổi, Thương tiếp tục bước vào học lớp 5.
Nhưng để được lên một lớp học như thế cũng là một quá trình gian nan, khi bố mẹ Thương lại lặn lội đi hầu hết các trường trong thành phố chỉ để xin cho con gái được lên lớp. Rồi, họ cũng từ chối đứa trẻ tật nguyền, hai vợ chồng bà Liễu phải tìm đến Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật. Để được vào học, Thương phải trải qua bài kiểm tra của nhà trường, và ai cũng ngạc nhiên về cách giải toán nhanh của cô bé.
Suốt 12 năm học, dù bị đứt quãng nhiều lần nhưng Mỹ Thương vẫn không nản chí vượt qua những khó khăn để đạt được kết quả học tập khá, giỏi, ngày nào cũng thức tới 2 giờ sáng để làm bài tập rồi mới đi ngủ.
Nghị lực giúp Thương vượt qua chướng ngại
Khi chuẩn bị đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nỗi trăn trở lo âu cho con gái vẫn cứ đeo đẳng trên đôi vai của hai vợ chồng già ấy. Bà Liễu lặn lội gửi đơn lên Sở Giáo dục TP.HCM xin được chế độ ngồi phòng thi riêng cho người khuyết tật. Đơn gửi đi nhưng vẫn bặt vô âm tín, ngày ngày gia đình bà mong ngóng thư trả lời. Chờ đợi trong nỗi tuyệt vọng nên Thương đã viết thư gửi đến Đài Truyền hình VN. May sao, sau khi được sự giúp đỡ từ đài VTV9, Sở Giáo dục TP.HCM đã đặc cách cho Thương một phòng thi riêng.
Mỹ Thương đã giành được 13 huy chương vàng, bạc, và đồng ở các bộ môn
Hơn 20 năm học với biết bao khó khăn, thành quả mà Thương đạt được đó là thi đỗ vào Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM. Những ngày đầu đi học, tôi đã tập làm quen với chiếc máy tính nhưng tay chân cứ lóng ngóng không thể bấm được bàn phím. Hễ gõ chữ này thì lại trật qua chữ khác. Trong giây phút cay đắng và không kiềm chế được cơn tuyệt vọng, tôi đã đập vỡ cái bàn phím. Nhưng lại nghĩ “không lẽ mình lại thua cái máy tính, tôi ngồi mày mò cả ngày lẫn đêm, sau 4 tháng, tôi mới đánh máy được, nhưng chỉ dùng được hai ngón tay mà thôi”, Thương nói.
Tiếp lời con gái, bà Liễu tươi cười kể: “Lên đến cao đẳng mà Thương cũng chưa biết tí gì về tiếng Anh, từ đó con bé mò mẫm học, rồi cũng biết được chút ít. Thế mà đến kỳ thi, các bạn trong lớp đều chỉ được 4-5 điểm, ngờ đâu con Thương nó lại được 9 điểm. Thầy cô, rồi cả lớp ai cũng bất ngờ nói sao mới học tiếng Anh mà lại được điểm cao vậy”.
Không những vậy, từ năm 2003 đến nay, Mỹ Thương đã giành được 13 huy chương vàng, bạc, và đồng ở các bộ môn: đẩy tạ, ném lao, ném đĩa, chạy 100m... Hơn nữa, cô còn được nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ VN dành cho vận động viên đạt thành tích xuất sắc thi đấu tại Asean Paragames 2 (năm 2003) được tổ chức tại thủ đô Hà Nội; bằng khen của Ủy ban Thể dục Thể thao cho vận động viên điền kinh đoàn thể thao người khuyết tật VN.
Gần 30 năm, cô gái ấy phấn đấu chỉ để khẳng định bản thân, chứng minh cho mọi người thấy được nghị lực phi thường của mình. Ước mơ hiện tại của cô gái tật nguyền là tìm được một công việc đúng ngành học để có thể tự nuôi sống được bản thân khi không có bố mẹ bên cạnh. Chuẩn bị cho hành trình tìm việc của mình, Mỹ Thương đã mua một chiếc xe đạp.
Ngày ngày, cô chăm chỉ tập luyện, để có thể tự dùng đôi chân của mình đi làm. Hơn thế nữa, người con gái này cũng thầm mong một tình yêu chân thành đến với mình - một người có thể vượt qua được những mặc cảm, tự ti, những lời dị nghị của người đời… để đến gần và cảm nhận được tâm hồn cô, cùng cô chia sẻ cuộc sống.
Không phải ai cũng làm được Ông Trần Minh Hiếu, Trưởng phòng LĐ-TB & XH thuộc UBND phường 14, quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết: “Có thể nói với nghị lực phi thường vượt qua mặc cảm từ một cô gái tật nguyền, để trở thành cử nhân ngành công nghệ thông tin và một vận động viên khuyết tật đạt nhiều thành tích cao như vậy quả là điều đáng khâm phục, không phải ai cũng làm được. UBND phường đánh giá rất cao về cô gái này và thường xuyên xuống động viên, thăm hỏi, tặng quà. Được biết, hiện Thương đã ra trường và đang cần một việc làm để phụ giúp bố mẹ, nhưng việc đi lại thì vô cùng khó khăn. Chúng tôi đang quan tâm đến điều này và sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để cô bé có được công việc như mình vẫn mơ ước”. |