Mùa xuân mùa tu phước

GN - Các ngôi chùa Việt hầu như đều tu theo Thiền, Tịnh hay Mật, nhưng hẳn không có chùa nào chỉ chuyên tu Phước. Trên thế giới chắc cũng vậy. Vậy có pháp môn tu Phước không? Câu trả lời là có!

Vì đạo Phật là đạo của từ bi, cứu độ chúng sinh. Chắc ai cũng hiểu điều đó. Người đời không tu (thật ra lo làm ăn bận rộn quên tu), vậy mà thấy ai khổ còn đưa tay ra giúp đỡ, huống chi người biết ăn chay niệm Phật. Những cử chỉ đối đãi từ lòng từ bi sẽ đưa ta đến gần với người. Người vui mà ta cũng vui.

tuphuoc.jpg


Làm việc lành từ trái tim yêu thương - Ảnh minh họa

Từ bi, bố thí là bản chất tốt đẹp của đạo Phật, nhưng con đường dẫn chúng ta được đến gần Phật chính là trí tuệ. Có trí mới làm ra của cải để bố thí, chẳng những của không mất đi mà còn sinh sôi thêm nữa để giúp đời. Có trí mới nhận thấy bố thí làm phước không đơn giản là luật nhân quả, hay đơn giản trong việc cho và nhận. Thật tướng của phước báo không thể nghĩ bàn. Ở đó không còn thấy mình và người; ngoài không thấy vật thí, trong cũng không thấy người thí. Điều này chỉ Phật, Bồ-tát mới làm được. Người phàm thì chắc phải tu hành hơi lâu mới được. Mặc dù không xưng tu phước, nhưng có pháp tu phước, bằng chứng là kinh điển và chư Tổ đều khuyên tu phước, gọi là “phước huệ song tu”. Có phước có huệ thì như được chắp cho đôi cánh. Còn có phước mà không có huệ - tuệ giác, hay như có tuệ giác mà không có phước, thì cũng như chỉ có một cánh, không bay xa, không đến với Phật được.

Tại sao mùa xuân là mùa tu phước? Tại vì đó là mùa thiên nhiên đất trời thanh tân, trầm lúc đông về, để rồi xuân tới bừng dậy nắng ấm, cây cối trổ lộc ra hoa. Mùa xuân mang đến người niềm vui và chia đều nó ra. Tuy nhiên, niềm vui ấy cũng ảnh hưởng từ cái gọi là nghiệp… Cuối năm ngồi tính lại sổ đời, làm ăn thế nào đó có người cười vui, kẻ thua lỗ khóc thầm. Thành ra niềm vui mang tới coi như ai cũng có phần, nhưng với người nghèo là cái vui gượng gạo. Chẳng như vậy rất nhiều kẻ lại chẳng có mùa xuân phải đóng cửa bỏ nhà đi trốn nợ. Có thể nói, ngày thường khổ một, Tết đến khổ tăng lên trăm lần. Chính vì vậy, vào những tháng cuối năm, xã hội nổi lên nhiều phong trào làm từ thiện, hỗ trợ người nghèo, Tết tình thương.

Có nhiều từ để chỉ việc giúp đỡ người nghèo. Chữ Việt là làm phước, chữ Hán là bố thí, nhưng từ làm phước mộc mạc hơn, dân gian quen nói. Mùa tu phước coi như ai cũng sẵn lòng, công nhân viên cán bộ nhà nước tùy theo lòng hảo tâm, tối thiểu cũng góp một ngày lương. Với các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo..., đây cũng là dịp để đưa đạo về với gần cuộc đời - tốt đạo đẹp đời.

Mùa tu phước mở ra với nhiều hình thức phong phú, kêu gọi lòng từ tâm. Như tổ chức đi tham quan để đưa tặng vật đến tận tay người nghèo. Những ngôi chùa có sân rộng thường tổ chức những buổi biểu diễn văn nghệ với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi. Ngay cả trường học, tôi vẫn còn nhớ ngày xưa bắt đầu tháng Mười, các lớp đã chọn ra những tiết mục tập dượt để tháng Chạp mang lên sân khấu biểu diễn lấy tiền gây quỹ Cây mùa Xuân. Một việc làm vừa vui với các nghệ sĩ mặt mũi thơ ngây vụng dại với câu ca điệu múa nhưng góp phần giáo dục cho học sinh về sau vào đời với tâm hồn cao thượng. Tiếc thay, sau này chương trình dạy học nặng về kiến thức, không gắn với cuộc sống nhân văn nên không còn thấy trường học tổ chức văn nghệ gây quỹ Cây mùa Xuân như ngày xưa.

Người nghèo lẫn người giàu đều có thể đến với tu phước. Rõ ràng giàu thì tu phước dễ hơn, trong kinh ghi tên rất nhiều người, như phú hộ Cấp Cô Độc, đại thí chủ Visākhā chẳng hạn. Nhưng dễ mà khó ở chỗ giàu thu vô nhiều, lúc cho ra lại so đo tính toán thiệt hơn, mất gì để được gì (rất nhiều người đem tiền cúng chùa chẳng khác gì kẻ đi hối lộ Phật). Với người nghèo, gặp ai khổ cũng đem lòng thương, nhưng giúp người bằng cách nào đây, trong khi mình cũng thiếu thốn trăm bề. Nhưng đến bao giờ mình dư dả để cho?

Thì ra, lâu nay người hiểu về chữ phước, làm phước được phước, nhưng có vẻ như chưa hiểu về một mảnh đất dành cho người làm ruộng gọi là phước điền. Ở ruộng phước điền, bỏ bất cứ hạt giống nào xuống cũng đều gặt được phước báo và nó cũng có thể chuyển nghiệp cho mình. Điển hình như hai câu chuyện, chuyện thứ nhất trong kinh nói về bà lão ăn xin dành tiền mua dầu thắp đèn dâng Phật. Chuyện này chắc ai cũng biết. Chuyện thứ hai là chuyện có thật mà tôi đọc trong sách đã lâu. Nước Mỹ một buổi chiều mùa đông tuyết rơi lạnh lẽo. Một chàng thanh niên thất nghiệp phải ngồi co ro bên hè phố ngửa tay xin bố thí. Tình cờ một bà già hai tay ôm gói đồ từ trong cửa hàng đi ra vô tình té ngã ngất xỉu, đồ văng tung tóe ra đường. Thay vì nhân cơ hội anh ta lượm đồ của người làm rớt bỏ chạy, nhưng không… anh bước tới đỡ bà già ngồi dậy rồi lượm các món bỏ vô túi cho người không sót món nào. Bà già cám ơn rồi ngước nhìn anh chăm chú, thấy trời lạnh lẽo mà áo của anh không đủ ấm. Thế rồi bà già mời anh về nhà tặng cho anh quần áo, hỏi anh ăn cơm chưa. Anh rất ngạc nhiên khi thấy bà sống một mình lại dám mời người lạ vô nhà, một việc ở Mỹ hầu như không ai dám làm. Anh đâu hay qua phút đầu tiên bà đã quan sát, nhận ra được những gì tốt đẹp ẩn chứa ở một người như anh. Chỉ một hành động đỡ người té ngã đứng lên, anh vẫn chưa hết ngạc nhiên khi được bà giới thiệu một công việc làm. Bốn năm sau bà qua đời, bất ngờ sao, bà viết di chúc để lại cho anh ngôi nhà mà không để cho con. Tất nhiên người con nghi ngờ đi kiện nhưng tòa lại xử thua kiện. Tới đây lại thêm một bất ngờ, bà già như có đôi mắt nhìn thấy ruột gan của người, được xử thắng kiện nhưng anh không lấy mà để nó cho người con. Qua đó hai người trở thành bạn bè thân thiết, bắt tay vào việc làm ăn kinh doanh, sau đó trở thành những tỷ phú.

Ruộng phước điền như vậy không cần đợi người dư dả tới để gặt phước báo. Tất cả đều do tâm sinh. Tôi đã thấy mấy người già ngày xưa ở quê có thói quen trước khi vo gạo hay bớt ra một hai nắm gạo bỏ vô cái hũ gọi là tích âm đức. Người ăn thiếu một hai nắm gạo vẫn no nhưng nhà lúc nào cũng có cái để cho làm phước. Ngày nay bộ mặt xã hội đã khác, người ăn xin không mang theo bị để xin gạo nữa mà xin tiền. Hũ gạo tích âm đức ngày xưa trở thành hộp đựng tiền lẻ chứa những đồng năm trăm, một ngàn. Người tích đức qua những chuyện tưởng như nhỏ không ngờ đó là phước báo về sau này.

Ai có về miền Tây qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang v.v… đều phải nhìn nhận đời sống nơi đây nhộn nhịp vui lên nhờ ở nhiều người học vấn trình độ tuy không cao nhưng biết tu phước. Về miền Tây đi bất cứ nơi đâu cũng gặp những phòng hốt thuốc Nam từ thiện. Hình ảnh người rảnh rỗi thay vì nghỉ ngơi lại lui cui đến phòng hốt thuốc, phơi thuốc hay rủ nhau đi các nơi lên núi kiếm thuốc Nam đem về là hình ảnh quen thuộc. Hay là hình ảnh giàu nghèo kết hợp thành những tổ lập ra những bếp ăn từ thiện trong các bệnh viện để giúp các bệnh nhân túng thiếu khó khăn.

Gần đây ở An Giang, những xã vùng sâu vùng xa hẻo lánh nếu như xưa kia nửa đêm bị bệnh khẩn cấp đành phải bó tay với số phận, nay xã nào cũng có xe cứu thương. Chiếc xe cả trăm triệu đâu có rẻ do những tấm lòng kẻ ít người nhiều hùn nhau mua nó để chở bệnh nhân kịp lúc. Có thể ở đây người ta hiểu: Dù xây chín bậc phù-đồ. Không bằng làm phước cứu cho một người. Chắc người ta sẽ vui khi biết việc làm này được kinh Phạm Võng tán thán, trong phước điền thì việc cứu, chăm sóc, nuôi bệnh nhân là cái phước lớn nhất. Ngay cả Đức Phật khi còn tại thế Ngài cũng đã từng đích thân chăm sóc thuốc thang, lấy khăn nhúng nước ấm lau mặt cho một vị Tỳ-kheo lâm bệnh nặng.

Tóm lại, con đường dẫn người đến với Phật bất cứ pháp môn nào cũng đều phải nghĩ việc trước tiên là tu phước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.