Đường về là những lắng đọng sau một chuyến hành hương đúng nghĩa. Những lời hẹn hò sẽ gặp lại nhau trong những lần đi tới, để cùng nhau hòa mình trong không khí Phật giáo và để an lạc từng bước chân...
Hành hương là một tập tục, một cuộc trải nghiệm tâm linh, có mặt từ lâu đời tại nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau trên thế giới. Đó là những cuộc lữ hành của con người hướng về những điểm thiêng với mong muốn đạt được nhiều bình an, hạnh phúc.
Loại hình du lịch đặc biệt này đã được nhiều công ty du lịch Việt Nam khai thác theo hướng kết hợp, mùa vụ, hoặc khai thác theo hướng outbound (các tour hành hương ra nước ngoài). Tuy nhiên ở các chương trình này du khách chủ yếu tham quan chứ ít có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về Phật giáo – một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc qua hơn 2.000 năm lịch sử.
Chuyến trải nghiệm đầu tiên với tên gọi Hành hương nguyện cầu đã đi qua 10 ngôi chùa của 6 tỉnh miền Tây Nam bộ (Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang). Đó là các chùa: Ấn Quang, Vĩnh Tràng, Tịnh xá Ngọc Viên, Kh’leng, chùa Dơi, Quan Âm, Phật Lớn, Vạn Linh, miếu Bà Chúa Xứ, Tây An Cổ Tự. Mỗi chùa mang một nét riêng của các tông phái Phật giáo ở Việt Nam như Phật giáo Bắc Tông Việt, Nam Tông Kh’mer, hệ phái Khất sĩ Việt Nam...
Trải qua ba ngày với những trải nghiệm khác nhau, những người hành hương trong mùa xuân mới nhận được sự tiếp đón nhiệt tình của các vị sư tại các ngôi chùa. Hơn thế nữa là sự thấm nhuần ít nhiều đạo lý cũng như lối sống Phật giáo. Lần trải nghiệm đầu tiên, những kẻ phàm trần đã được học phương pháp Thiền tọa do vị sư trụ trì của tịnh xá Ngọc Viên hướng dẫn.
Tịnh xá Ngọc Viên được kiến tạo vào cuối năm 1948 trên một khu đất rộng, hiện nay ở số 14/20/2 đường Xóm Chài, phường 2, thị xã Vĩnh Long. Tịnh xá Ngọc Viên được xem là ngôi Tổ đình và là trung tâm hoằng khai giáo pháp Khất sĩ của toàn sơn môn hệ phái. Đặc biệt kể từ sau lần đầu tiên (1949) tổ chức trọng thể Đại lễ Tự tứ Tăng và Vu Lan bồn trên quy mô lớn, gây ảnh hưởng rộng khắp trong sinh hoạt Phật giáo của toàn miền. Phương pháp Thiền tọa đã mang lại cho du khách những giây phút tĩnh lặng sau những nhịp sống nhanh và gấp gáp.
Điểm nhấn đáng nhớ khác trong chuyến đi là ở chùa Quan Âm. Ngôi chùa cổ do Hòa thượng Thích Giác Ngộ là vị khai sáng tạo lập từ hai trăm năm trước. Tài liệu vẫn còn lưu giữ tại chùa cho biết ngài Thích Giác Ngộ nguyên là quan Thượng thư của triều Nguyễn, thế danh là Trần Quý Tánh, quê gốc Huế. Ngài từ cố đô vào vùng đất Long Thới - Long Thuận - Hồng Ngự - tỉnh Đồng Tháp xây dựng chùa để tu hành tiếp Tăng độ chúng. Ngài viên tịch vào Tháng Chạp năm Đinh Hợi (1878) tại chùa.
Chùa được các vị trụ trì thừa kế và trùng tu trong hai thế kỷ qua, được khách thập phương hành hương đến lễ Phật trong các ngày rằm lớn. Một điều rất linh ứng là luôn có những thần Quy (rùa) trở về dự lễ. Rất đông phật tử đã chứng kiến hiện tượng này. Hiện nay ngôi chùa đã bị thời gian tàn phá, xuống cấp trầm trọng. Vì thế đại đức trụ trì Thích Giác Ân cùng Phật tử xa gần chuẩn bị kiến tạo ngôi Tam bảo mới và tôn tượng đức Bồ Tát Quan Thế Âm với chiều cao 32 mét nhằm phát huy tinh thần phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc, đền đáp thâm ân của tổ thầy.
Tại đây, du khách được tham gia buổi Thiền trà được tổ chức trong một không gian thanh tịnh. Tiếp đó được các vị sư hướng dẫn cách cắm hoa và sắp quả chưng dâng cúng Phật. Không dừng lại ở đó, việc tham gia trồng hoa lưu niệm dưới chân tượng phật nằm trong tư thế niết bàn lớn nhất miền Tây Nam bộ với chiều dài 32m, nặng 300 tấn, mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ.
Đặc biệt, những vị khách trong đoàn được tham gia khóa lễ cầu an và chiêm bái xá lợi huyết Phật và xá lợi của của các vị Thánh tăng đắc đạo - một điều rất khó khăn mà những đoàn hành hương khác ít thực hiện được. Buổi tối cả đoàn được tham gia các trò chơi tập thể, xem diễn văn nghệ, nghe đờn ca tài tử và sinh hoạt lửa trại giao lưu cùng các em nhỏ ở địa phương.
Ở chùa Dơi, Sóc Trăng, người hành hương tham gia làm từ thiện và tặng quà cho trẻ em người Kh’mer có hoàn cảnh khó khăn và xem biểu diễn văn nghệ. Những điệu múa Xà-dăm thật phóng khoáng, hấp dẫn do các nghệ sĩ người Kh’mer biểu diễn vốn chỉ dành trong những ngày lễ đặc biệt.
Với những trải nghiệm thực tế với Phật pháp, đường về là những lắng đọng sau một chuyến hành hương đúng nghĩa. Những lời hẹn hò sẽ gặp lại nhau trong những lần đi tới, để cùng nhau hòa mình trong không khí Phật giáo và để an lạc từng bước chân...