Hiện tại có tính bình đẳng cho tất cả mọi người. Dầu ở bất cứ nơi nào trên trái đất, dầu tôi và anh ở múi giờ khác nhau, người ta vẫn chung nhau một hiện tại, ai cũng nói lúc này là bây giờ. Giây phút này là hiện tại bình đẳng cho tất cả. Nhưng hiện tại là gì? Về mặt vi mô, hiện tại là một sát na, một khoảnh khắc, một niệm. Trong khoảnh khắc đó không có tư tưởng, không có nhớ về, không có đã, sẽ và đang. Vì một tư tưởng kéo dài qua nhiều khoảnh khắc nên trong một khoảnh khắc thì không có chỗ cho một tư tưởng, một hình ảnh nào cả. Khoảnh khắc là vô niệm, không có tư tưởng, không phân biệt đây kia, không có hôm qua ngày mai. Thế nên cái đánh, hét của Thiền tông, một tiếng hét “Phat” của Đại Toàn Thiện chính là để đưa người ta vào khoảnh khắc hiện tại ấy. Nơi đó không hề có một chút ý thức phân biệt nào. Khoảnh khắc hiện tại ấy là vốn tịch diệt, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, nói theo Bát nhã tâm kinh hay Không, Vô tướng, Vô tác chung cho cả Nguyên thủy và Đại thừa.
Phút giây hiện tại bình đẳng với tất cả...
Về mặt vĩ mô, hiện tại là cái bây giờ bao trùm khắp cả không gian và thời gian hữu hạn và quy ước. Hiện tại mở khắp vũ trụ này là đồng nhất, cùng một thời hiện tại, như đại dương trên là nước, dưới là nước, bốn hướng mười phương đều là nước, không gian nhỏ nhất như hạt bụi cũng là nước. Hiện tại vĩ mô chỉ là hiện tại vi mô được mở rộng ra tầm mức vũ trụ mà thôi. Hiện tại như thế được gọi là đương niệm hay nhất niệm. Cái hiện tại nhất niệm hay vô niệm này là nguồn, là nền tảng cho mọi thời gian quy ước nên đó là sự giải thoát tại đây và bây giờ cho mọi thời gian quy ước. Sống đạo Phật là sống trong đương niệm hay hiện tại toàn khắp này. “Thiền sư Thiền Lão (thế kỷ 11), khi vua Lý Thái Tông có lần đến chùa và hỏi sư rằng: Hòa thượng ở núi này đến nay thời gian đã bao lâu? Sư đáp: Chỉ biết nhật nguyệt nay Ai hay xuân thu cũ”. Cần chú ý câu hỏi của vua gồm cả không gian (ở núi này) và thời gian (đã bao lâu), và sư cũng trả lời đầy đủ cả không gian và thời gian. Như vậy cái hiện tại này (nhật nguyệt nay) bao gồm cả không gian và thời gian, hay nói cách khác hiện tại này có trong tất cả mọi không gian và thời gian. Hiện tại ấy bao trùm ba thời quá khứ, hiện tại, tương lai. Hiện tại ấy chính là giải thoát vì không lệ thuộc một thời gian nào, một không gian nào cả. Cái hiện tại của Sư Thiền Lão cũng là một với cái hiện tại của chúng ta và là một với hiện tại của những thời xa xăm về sau này. Bởi vì nếu khác thì trước và sau Sư chẳng có ai giải thoát như Sư. Trong lịch sử đã và sẽ có nhiều người giải thoát vì cùng chung một hiện tại này. Hiện tại ấy là sự giải thoát cho quá khứ vì chẳng dính dáng gì với quá khứ (ai hay xuân thu cũ). Hiện tại mở khắp ấy là sự giải thoát, sự tịnh hóa, sự ‘rửa tội’ cho quá khứ đầy rẫy những lỗi lầm, những vết thương trong tâm thức của mỗi con người và những xã hội. Trong hiện tại ấy, quá khứ được tiêu dung, được tịnh hóa. Tịnh hóa bằng cách nào? Khi quá khứ không còn ám ảnh, dính dáng vào hiện tại, nó sẽ như bài kệ kết thúc Kinh Kim Cương: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương như ánh chớp; hãy quán thấy như vậy.” Quá khứ được tịnh hóa khi người thấy ra bản chất của nó là như huyễn, như mộng. Ở trong hiện tại mở khắp và không dính dáng với cái gì, quá khứ được tịnh hóa vì, “tâm quá khứ chẳng thể đắc, tâm hiện tại chẳng thể đắc, tâm vị lai chẳng thể đắc”. Hiện tại ấy bao trùm chúng ta trong mỗi khoảnh khắc, bao trùm cả những người đã chết trong chiến tranh, bao trùm lịch sử buồn vui của mỗi cá nhân và mỗi dân tộc. Hiện tại ấy bình đẳng cho tất cả, vì chúng ta có giàu nghèo, khôn dại khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, khổ vui khác nhau…, nhưng chúng ta luôn luôn ở trong cái hiện tại đồng nhất ấy, không có ai có nhiều hơn hay ít hơn. Chính cái hiện tại này mở khắp này tịnh hóa thời gian trong mỗi phút giây, tịnh hóa cho mỗi phút giây lập tức đã trở thành quá khứ. Hiện tại ấy là cái chết trong mỗi phút giây, để mỗi phút giây được tịnh hóa, được tái sinh trong thực tại luôn luôn mới mẻ. Nói rằng mọi sự chết đi và tái sinh trong từng phút giây chỉ là một cách nói. Thực ra cái hiện tại ấy, thực tại ấy không hề ô nhiễm bởi không gian và thời gian của chúng ta nên không có sự sống chết. Thế nên Kinh nói, “Tất cả các pháp tánh tướng xưa nay vốn thanh tịnh”, hoặc các Thiền sư nói, “tánh tướng như như”. Thấy và sống trong hiện tại ấy, người ta thấy biết thực tại luôn luôn mới mẻ trong từng khoảnh khắc. Mới mẻ vì chẳng dính dáng đến quá khứ nhiều hối tiếc và tương lai như giấc mộng ban ngày. Thực tại này kinh điển gọi là “thật tướng của tất cả các pháp”. Thiền sư Thiền Lão vẫn sống hằng ngày với thực tại ấy, với “tâm bình thường là Đạo” ấy. Đại Ấn (Mahamudra) của Tây Tạng cũng nói thực tại ấy là tâm bình thường. Đại sư Gampopa nói: “từ ngữ tâm bình thường ám chỉ tánh giác bổn nguyên. Không sửa sang là để cho nó đúng như nó là, không tác động vào nó” (Mahamudra, the quintessence of mind and meditation, Takpo Tashi Namgyal, trang 246). “Khi vua hỏi: Hàng ngày Hòa Thượng làm gì? Sư đáp: Trúc biếc, hoa vàng đâu cảnh ngoại Trăng trong, mây trắng lộ toàn chân”. Hiện tại mở khắp, không dính dáng gì đến những “xuân thu cũ” này là cái “toàn chân” đang hiển lộ, chẳng nhiễm ô bởi thời gian và không gian. Cái thấy hiện tại của Thiền sư Thiền Lão luôn luôn là cùng một cái thấy hiện tại của chúng ta bây giờ. Các truyền thống đạo Phật dạy rằng chánh niệm tỉnh giác cái hiện tại toàn chân này, chúng ta sẽ thấy nó và sống được trong nó như Thiền sư Thiền Lão.