Cùng con nuôi mơ ước
12 năm học phổ thông, tích cóp bao nhiêu kiến thức để bước vào mùa thi tuyển sinh, “bước nhảy” này quan trọng trong đời học sinh. Trở thành sinh viên là ước mơ của hơn 1,5 triệu thí sinh dự thi trong hai đợt thi của mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bạn Trần Trung Tính (quê Bình Thuận) vào Sài Gòn thi tuyển sinh năm 2009 cho biết: “Ở quê em chủ yếu làm nông nên khi lo cho con cái đi thi đại học thì gia đình nào cũng chỉ mong con đỗ đạt để sau này không phải khổ như ba mẹ, thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời””. Người đưa Tính đi thi chính là ba em, ông Trần Trung Tuyển, nhìn ông chúng tôi thấy rõ trên vóc dáng chân chất của người đàn ông quê là sự lam lũ của nghề nông “một nắng hai sương”. Ông Tuyển bộc bạch: “Ước mơ của con cái là vào đại học, những người làm cha làm mẹ như tôi lúc nào cũng mong cho con cái thành đạt. Đây là lần đầu tiên con tôi đi xa nhà mà lại vào Sài Gòn thi đại học nên tôi đi theo để lo cho cháu, giúp cháu yên tâm thi tốt…”.
Tại bến xe miền Đông, chúng tôi gặp hai mẹ con bà Nguyễn Thị Tư ở Khánh Hòa vào TP.HCM tìm chỗ trọ để học ôn và thi trong đợt thi thứ nhất (diễn ra vào ngày 4 và 5 - 7). Con bà Tư là em Đỗ Khánh Linh thi vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ước mơ của em là “được học ngành Quản trị kinh doanh để sau này có kiến thức, làm kinh tế giỏi, giúp cho ba má đỡ khổ, phụ ba má nuôi em”. Vì là chị đầu nên Khánh Linh không ngừng cố gắng, em cho biết: “Em luôn cố gắng học giỏi để cho các em noi gương và trong kỳ thi này em sẽ làm hết sức mình để không phụ sự mong đợi của ba mẹ”. Không giấu được nỗi lo cho con trước mùa thi, bà Tư chia sẻ: “Bé Linh nhà tôi học cũng khá, nhưng thấy con lo lắng nên tôi cũng… sốt vó theo. Ông nhà cử tôi đưa con vào Sài Gòn thi và trước khi đi ba nó cứ dặn đi dặn lại là phải động viên tinh thần cho con thi tốt”.
Hai cha con bạn Huỳnh Trọng Tâm thuê nhà trọ trong con hẻm nhỏ nằm ở đường Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh) gần một tháng nay để luyện thi và chờ ngày thi. Vừa thi xong tốt nghiệp trung học thì hai cha con Tâm từ quê nghèo Long An dắt nhau lên Sài Gòn ôn thi. Cha đi làm công nhân cho công trình xây dựng còn con vào trung tâm luyện thi. Gần một tháng củng cố kiến thức Tâm cho biết: “Em thấy tự tin hơn khi ngày thi đang đến”. Tâm thi đợt 2, khối B vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ông Huỳnh Văn Thể, ba của Tâm chia sẻ: “Lo cho con cái học hành là bổn phận của những người làm cha làm mẹ. Con cái học được thì ai không vui, với lại thời buổi này không học thì không làm ăn gì được, sẽ khổ dài dài chú ơi”. Nhận thấy điều đó nên ông đã cùng con nuôi ước mơ, cổ vũ cho con đi ôn, đi thi và hy vọng con sẽ đậu thì “dù cực mấy tui cũng chịu được”.
Tính toán tương lai cho con
Hầu hết những người cha, người mẹ mà chúng tôi tiếp xúc đều nghèo nên ngoài nỗi lo cho con đi thi họ còn một nỗi lo khác! Đó là nỗi lo: “May mà con bé đậu rồi thì chắc… cũng đuối vì tiền học!”, bà Lê Thị Hiền nói như thế. Con bà thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Nói rồi bà tính toán: “Nghe nhiều người nói học ở Sài Gòn tốn kém lắm, tiền học phí cao, tiền ăn ở cũng nhiều…”. Nhưng đó chỉ là lo lắng thoáng qua, ngay sau những lo lắng ấy là sự mạnh mẽ: “Nói vậy thôi chứ con bé đậu đại học nhất định tôi cũng sẽ theo con vào Sài Gòn đi làm nuôi nó”. Bà kể ở quê bà có hai mẹ con người hàng xóm, nhà góa chồng, cũng bằng cách ấy mà nuôi thằng con học được đại học, giờ con của gia đình hàng xóm ấy đã ra trường, có công ăn việc làm và thành đạt.
Ông Huỳnh Văn Thể nói với chúng tôi: “Thằng Tâm nhà tôi đậu tôi sẽ đem sổ nhà đất đi vay tiền. Nghe đâu nhà nước có chương trình cho sinh viên vay nên cũng yên tâm. Với lại tôi còn có sức, tôi sẽ ở lại đây làm phụ hồ gom góp để dành cho nó đóng tiền học…”.
Nghe những lời tâm sự của những bậc làm cha, làm mẹ ấy đã cho các bạn tình nguyện viên tiếp sức mùa thi một cái nhìn: “Họ tận tụy và luôn đứng về phía con, “tiếp sức” cho con trong mùa thi và còn biết cách không làm con nặng nề tâm lý thi cử. Chính họ là những “bệ phóng quan trọng làm lực đẩy cho con em mình”, bạn Khánh Toàn, sinh viên “tiếp sức mùa thi” tại bến xe miền Đông chia sẻ.