GN - Đến xóm lao động “ổ chuột” tại hẻm B6, trên đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào mùa hè này, người ta dễ nhận ra tiếng trẻ con nhốn nháo như chim xổ lồng…
Mùa hè, được nghỉ học, thay vì bọn trẻ vui đùa, sống đúng với tuổi thơ của mình thì chúng lại phải xa quê đến Sài Gòn mưu sinh cùng ba mẹ. Hình ảnh nheo nhóc của bọn trẻ không còn xa lạ đối với chủ nhà trọ và hàng xóm xung quanh nên dù có ồn ào cũng chẳng ai phàn nàn. Họ thấu hiểu và cảm thông đối với những đứa trẻ xa quê.
Xóm của những đứa trẻ xa quê
Vừa bước vào dãy nhà trọ B6/6, tôi khựng lại vì một thằng bé tròn trĩnh từ trong ngách nhỏ nhảy ra nhanh nhẩu mời mọc: “Chú, mua dùm con vài tờ vé số đi chú, mở hàng giúp con đi”. Tôi cười, pha trò với nó: “Trưa rồi còn mở hàng gì nữa?”, “Mở hàng lại” - nó lém lỉnh trả lời. Đùa với thằng bé một chút, tôi vội rút ví ra mua giúp nó vài tờ, còn dư tiền thối tôi tặng luôn cho nó.
Được dịp hỏi thăm, tôi mới biết thằng bé tên Quốc Nguyên (9 tuổi), người Hoa, quê ở Kiên Giang. Nguyên vừa học xong lớp 3, nghỉ hè nên cha mẹ đã vội đưa lên Sài Gòn để mưu sinh. Tôi hỏi Quốc Nguyên: “Lên Sài Gòn cháu có nhớ nhà ở quê không?”. Sau từ “không”, thằng bé nhanh tay kéo tôi về hướng hai dãy nhà trọ. Nơi đây, hầu như nhà nào cũng có con nít ở quê mới lên cùng cha mẹ nên Nguyên chẳng thấy buồn. Nguyên giới thiệu với tôi những bạn mới quen chừng 10 ngày, nào là: Cẩm Tú, Lâm Hiền, Thạch Mừng… ở cùng dãy trọ.
Những giây phút hiếm hoi cùng chơi với nhau của những đứa trẻ xóm "ổ chuột"
Chị Mai, mẹ của bé Quốc Nguyên cho biết, vì nhớ con và tiết kiệm chi phí sinh hoạt nên các bậc cha mẹ ở đây đều đưa con lên Sài Gòn ở chung. Chỉ có vài đứa trẻ khi nghỉ hè lên đây đi chơi thực sự (như được đi du lịch), còn lại đa số những đứa trẻ phải nấu ăn cho ba mẹ, đi bán vé số dạo, làm đông lạnh (phân loại tôm, cá khô), hoặc phụ bưng bê hàng ăn... Đứa trẻ nào cũng có việc, từ sáng đến tối, chỉ có buổi trưa là chúng tụ họp tại phòng trọ.
Những giây phút hiếm hoi ấy, thay vì ngủ nghỉ thì bọn trẻ họp lại thành nhóm chơi trò chơi, chỉ chơi được 15-20 phút nhưng đối với chúng thật hạnh phúc vì được kết bạn và làm điều mình muốn. Dù không cùng quê, không cùng dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm) nhưng bọn trẻ xem nhau như quen từ lâu lắm.
Mùa hè bươn chải
Cậu bé Lâm Hiền, người Khmer, 10 tuổi, quê ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nói: “Người làm ở đây giành giựt lắm! Họ làm chưa hết mà cứ giành hàng nhiều, rồi để đó. Hôm nào con không làm lẹ là họ lấy trước hết”. Hiền được ba mẹ xin vô xí nghiệp gần nhà làm với mức thu nhập từ 50-80 ngàn đồng/ngày, tùy theo sản phẩm. Nơi đây không cần hợp đồng lao động, tuổi tác nên bao nhiêu tuổi không là vấn đề.
“Thế có khi nào xí nghiệp của con hết hàng, buộc con phải ở nhà không?”, tôi hỏi. Thằng bé nói có, nhưng từ lúc vào làm đến giờ chỉ nghỉ một ngày. Khi được hỏi nghỉ ở nhà có vui không, Hiền buồn thiu trả lời: “Không vui, con không làm là không có tiền, tội nghiệp ba mẹ lắm”, cậu bé chưa hiểu hết nghĩa tiếng Việt nghĩ sao nói vậy.
Không được ngồi một chỗ như Hiền, Quốc Nguyên phải đi bán vé số suốt ngày. Tuy chỉ mới 9 tuổi nhưng Nguyên đã có “thâm niên” ba năm hành nghề bán vé số. Cả ba mẹ đều bán vé số nên Nguyên quen với việc này ngay từ lúc nhỏ. Mẹ Nguyên cho biết, hồi trước dẫn Nguyên đi bán vé số chung cho khách thấy tội mua nhiều. Giờ thì cậu bé lớn rồi, có thể tự đi một mình được.
Dù vậy, ba mẹ chỉ phát cho Nguyên mỗi ngày 50 tờ vé số đi bán quanh khu vực nhà trọ và chợ Khải Hoàn (Q.Bình Tân) gần đó vì sợ cướp giật và xe cộ. Với tiền lãi 1.700 đồng/tờ, bán hết 50 tờ, Nguyên kiếm được 85.000 đồng. Nói thì dễ, tôi có dịp đi theo cậu mới biết gian khổ cỡ nào. Sáng Nguyên được ba mẹ nấu cơm cho ăn (hoặc ăn cơm nguội hấp lại), sau đó cậu lê đôi dép mòn ra trước chợ mời mọi người mua vé số.
Có hôm bán đắt, Nguyên được về nhà sớm. Nhưng có những khi ế, mà lại sắp hết giờ, cậu phải chạy vắt giò lên cổ, năn nỉ mọi người mua giúp. “Có bữa, nó khóc như mưa nhờ tôi mua giúp vì gần đến giờ xổ số. Thấy tội nên tôi mua hết, chứ chẳng đời nào tôi chơi vé số”, chị Phượng chủ nhà trọ của Nguyên nói.
May mắn hơn hai cậu bé kia, cô bé Cẩm Tú, 12 tuổi, người Khmer, quê ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chỉ việc ở phòng nấu cơm, làm thức ăn và giặt đồ. Tuy vậy, Tú cũng chẳng sung sướng gì với căn phòng trọ ọp ẹp, trần nhà thì lợp tole nóng như lửa đốt. Do học lớp 7, lại là con gái nên Tú rất am tường chuyện bếp núc. Tôi hỏi cô bé: “Có khi nào ba mẹ không hài lòng bữa ăn do con nấu?”. Cô bé cười hết cỡ, nói: “Dạ, cũng có vài bữa con thấy không ngon nhưng ba mẹ rất dễ ăn. Ba mẹ nói ăn để sống nên sao cũng được, không có chê”. Ba Tú còn nói cô bé nấu ăn “cừ” hơn cả mẹ.
Bé Thạch Mừng, 10 tuổi, người Khmer, quê ở Trà Cú (Trà Vinh) thì được làm việc trong tư thế “quan lớn”, vừa nằm võng đu đưa, vừa cắt chỉ quần áo, miệng thì nghêu ngao ca hát. Mẹ cậu bé chuyên nhận hàng gia công về may công đoạn. Lẽ ra, chị Điệp - mẹ bé Mừng không rước con lên TP.HCM vì ở đây tù túng, con nít dễ sinh bệnh nhưng do đắt hàng, một mình chị vừa may vừa cắt chỉ, giao hàng… làm không xuể. “Lên đây chật chội, nước thì phèn, thấy tội cho nó quá nhưng tôi ráng hết tháng Tám, đưa nó về nhà chơi cho thoải mái”, mẹ bé Mừng tâm sự.
Những ước mơ “thổi bùng” mùa hè
Ngoài việc giúp ba mẹ giảm gánh nặng sinh hoạt, bọn trẻ còn có thể trang trải cho việc học sắp tới của mình như mua sách vở, dụng cụ học tập, quần áo và đóng học phí. “Nếu còn dư, con sẽ bỏ ống heo để dành”, Nguyên khoe với mọi người. Chị Mai nói từ hồi còn học mẫu giáo, Nguyên đã thích làm công an, càng lớn cậu bé càng bộc lộ sở thích đó bằng việc bắt chước theo điệu bộ của mấy chú cảnh sát. Nguyên đem bộ đồ cảnh sát giao thông mà mẹ mua cho, khoe với tôi nhưng cậu bé không mặc mà để dành, khi nào về quê sẽ mặc đi chơi với các bạn.
Cô bé Cẩm Tú thì ước mơ sau này sẽ là cô giáo dạy tiếng Anh. Chính vì niềm đam mê đó, Tú cố gắng chăm làm việc nhà để ba mẹ không bận tâm mà tập trung làm việc kiếm thật nhiều tiền, cho Tú học thêm môn tiếng Anh. Chị Hồng, mẹ Tú nói: “Nó mê tiếng Anh từ cấp I, dù không hiểu người Anh nói gì trên ti-vi nhưng nó vẫn cứ xem say mê”.
Quả thật, tôi bước vào phòng Tú, trong phòng có nhiều sách tiếng Anh và băng đĩa. Tú vừa kết hợp làm việc nhà vừa bật máy cassette để nghe đàm thoại Anh ngữ. Vợ chồng chị Hồng hứa sẽ cho con học thêm tiếng Anh vào đầu tháng Tám (tại Sài Gòn) nên ba mẹ bảo gì cô bé cũng nghe lời.
Thạch Mừng giúp mẹ cắt chỉ gia công quần áo tại phòng trọ
Còn bé Thạch Mừng thì nói chắc như đinh đóng cột rằng sau này sẽ là bác sĩ. Cậu còn ngoéo tay với ba mẹ và cả với tôi nữa để giữ vững lập trường của mình. Ba của Thạch Mừng không mấy kỳ vọng vào cậu, vì học lực của cậu chỉ ở mức trung bình khá chứ không được loại giỏi, nhưng anh lại hy vọng “biết đâu lớn lên nó sẽ khôn ra”. Dù là chậm hiểu hơn so với các bạn cùng lớp nhưng được cái Mừng cần cù, học lâu nhớ dai.
“Tiền lương” mẹ trả, Mừng sẽ học thêm môn toán để giỏi lên. Chỉ có Lâm Hiền là nghĩ đơn giản nhất, cậu bé nói sẽ học cho đến khi nào chán, không thích học nữa thì nghỉ, đi học nghề sửa xe gắn máy. Ba mẹ Hiền hứa sẽ tôn trọng quyền quyết định của con, dù rằng anh chị rất muốn con mình có tấm bằng đại học.
Khi được hỏi cho trẻ kiếm tiền, tiêu tiền còn quá sớm, đặc biệt ở chốn phồn hoa của TP.HCM, liệu bọn trẻ có bị mất đi tuổi thơ của mình? Tất cả các ông bố, bà mẹ đều có chung suy nghĩ, vì nghèo nên buộc lòng phải cho con mưu sinh nơi xứ người, chứ nào ai muốn như thế. Trái với những gương mặt lo toan u ám của các bậc phụ huynh, các bé đều nở nụ cười toe toét, trong cuộc mưu sinh hàng ngày, chúng cũng tìm thấy niềm vui với công việc.
Nhìn lũ trẻ hồn nhiên chơi ú tim trong cái nắng gay gắt của buổi trưa hè, tôi tự hỏi, liệu tất cả những đứa trẻ xa quê này có đi đến cùng ước mơ của mình trên hành trình vất vả mà chúng đang nếm trải…