Mưa đêm

GN - Mưa. Mưa tháng Bảy. Mưa đêm nay. Mưa gợi nhắc một câu hỏi không dưng mơ hồ vô cớ: Đã có bao nhiêu lần nghe mưa đêm trong đời?

mua dem.jpg
Ảnh minh họa

Những đêm mưa ngày thơ ấu, trên chiếc chõng tre gió lùa ôm hơi áo mẹ. Những đêm mưa của tuổi mới lớn và vô vàn giấc mơ trong sạch. Những đêm mưa của tuổi thanh niên khắc khoải nhiều câu hỏi siêu hình và những băn khoăn thế sự của một thế hệ đứng trước bao giằng xé về mệnh nước nổi trôi. Những đêm mưa dằng dặc tuổi trung niên ngán ngao trước cảnh đời-cảnh người tao tác.

Những đêm mưa ở tuổi bắt đầu nghiêng về mặt-đất-cuộc-đời của sự đến và đi trong khoảnh khắc nhân sinh vô thường… Những đêm mưa! Nghe như có tiếng khóc trong thơ Thi quỷ Lý Hạ hơn ngàn năm trước: Ngao ngao quỷ mẫu thu giao khốc (Ngao ngao nức nở, quỷ mẹ ngoài thành khóc thảm thiết giữa mùa thu) trở về hợp thanh với biết bao nhiêu rền rĩ oan hồn trong tiết mưa thu của Nguyễn Du: Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt / Toát hơi may lạnh buốt xương khô(1)

*

Mưa. Trong mịt mùng đêm tối của lịch sử con người, đã thấy nước của trời rơi rơi vào những nghi lễ cầu mưa. Chớ nên nông cạn cho rằng đó là biểu hiện “kém văn minh” của nhân loại trong thuở sơ khai! Nhìn xa hơn vào nguyên ủy của đời sống loài người, đó chính là những di sản thần thoại mà nếu không có nó, con người đã đánh rơi từ lâu cái phần tinh túy quý giá nhất của chính mình.

Mưa. Mưa là bản nguyên của trời, từ quẻ Càn trong kinh Dịch. Từ vời vợi cao xanh, nước rơi xuống. Để “hành Thủy” hòa tan vào đất, làm nên sự sống-lại của muôn loài.

Mưa. Mưa là cái nhìn đầu tiên của con người trước thế giới hãy còn tinh khôi: Đâu đêm mưa to băng hat ca / Sang ra mưa to băng qua bươi” (2).

Mưa là hiện tượng của thời tiết nên mưa đến-rồi-đi, giống như bản chất của vạn pháp: tất cả đều thay đổi. Ấy là một trong ba sự thật: vô thường. Vô thường là câu trả lời bình đẳng đối với vạn hữu: Ở đời như giấc chiêm bao / Cái thân còn đó, lao đao làm gì? (3).

*

Mưa mùa thu. Trong dằng dặc thời gian và trong khoảnh khắc cuốn trôi của dòng tâm thức, một đêm nào từ mịt mùng bảy trăm năm trước, vị vua thứ năm đời nhà Trần chợt thức giấc trước đèn mà tự phản tỉnh:

Thu khí hòa đăng thất thự minh

Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh

Tự tri tam thập niên tiền thác

Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh. 

(Dạ vũ - Trần Minh Tông)

(Mưa đêm - Hơi thu hòa vào ngọn đèn làm mờ ánh sáng ban mai / Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn / Tự biết sai lầm của mình ba mươi năm trước / Đành ôm nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi).

Trong vi vu lời những “đêm mưa làm nhớ không gian”, có thể mượn tiếng mưa rơi rơi dìu dịu rơi rơi mà tỏ bày nỗi sầu vô cớ muôn đời của thi sĩ. Có thể khiến cho người bình dân Việt bày tỏ tấm lòng thủy chung: Mưa nguồn chớp bể xa xa / Ấy ai là bạn của ta, ta chờ…Tình yêu của con người Việt Nam luôn chân thành sâu xa, gắn bó với cõi nhân gian khổ đau và tươi đẹp này. Tình yêu ấy không huyễn hoặc thần bí như giấc mộng của Sở Tương Vương bên Tàu đến chơi đầm Vân Mộng, mệt mà ngủ thiếp đi giữa ban ngày, mơ thấy người con gái đẹp tự xưng là thần núi Vu Sơn...

Và sau khi lang thang qua biết bao nhiêu trạng thái tâm thức, mưa luôn quay về với thực tiễn đời sống. Mưa, trong mắt nhìn của người nông dân Việt Nam, hiện ra theo quan niệm Trời-Người là một: Hạt mưa vẫn ở trên trời / Mưa xuống hạ giới cho người làm ăn…

Làm ăn, là để… sống. Sống, là để làm gì, nếu không là để hướng về một đời khác tốt đẹp hơn? Sự sống ở “phía trước” ấy chỉ có thể hiện ra, khi người biết chuẩn bị chào đón nó. Nói nhanh và nôm na, ấy là phải biết chỉnh đốn lại bản thân, là… tu. Và một trong những “dấu mốc” trên con đường để nhắc nhở, ấy là mùa Vu lan. Mùa có mưa. Trong mưa, là thời gian để thúc liễm thân tâm-trau giồi giới đức đối với tu sĩ giữa mùa an cư với thời khóa lạy Phật, tụng đọc, tham thiền... Cũng là lúc “dừng lại” của hàng tại gia để lắng tâm mà nhớ và đền đáp bốn ân của cha mẹ, thầy bạn, xã hội và Tam bảo mà dấu ghi đậm nét nhất vẫn là tấm gương của Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi khổ nạn ngạ quỷ được ghi trong kinh Vu lan bồn…

*

Nhưng mọi cuộc “trở về”, đáo cùng, cũng kêu gọi sự ra đi, vào xa hơn bên trong cái vỏ bên ngoài của sự vật. Cuộc đi ấy bắt đầu từ những “xé lòng” của trạng thái tâm lý cần thiết trên hành trình tự quy: Tim tôi khóc lên như cơn mưa đang qua trên thành phố / Chẳng biết nó là thế nào cái nỗi buồn đó / Nỗi buồn đang tràn ngập trái tim tôi (4). Để làm gì, nếu không là để nhận ra sự thật đúng như bản chất của nó. Sự thật ấy bắt đầu từ… những giọt mưa buồn tủi mùa thu để chuyển dần qua niềm hy vọng của tấm màn mưa xuân tươi sáng, như quy luật tự nhiên của lẽ biến dịch: Cỏ xanh như khói bến xuân tươi / Lại có mưa xuân nước vỗ trời (5).

Trong niềm hy vọng ấy, mưa biến thành hình ảnh ẩn dụ cho sự khái quát lớn về ý nghĩa cuộc nhân sinh: Khi căn nhà mục nát / Là mưa dột thấm vào… (6). Như thế, sống để làm gì, nếu không là sự nỗ lực thường xuyên để chống lại những gió mưa là bệnh… thấm vào? Bệnh của thế giới tân tiến hiện thời đang sụp đổ dưới sự ảnh hưởng của tội lỗi xấu xa về mặt đạo đức (7).

*

Trên hành trình làm-người-tu, bao giờ sẽ “đến” được cái “chỗ” thực chứng của Đức vua Trần Thánh Tông: Cá trung khúc phá vô nhân hội / Duy hữu tùng phong họa thử âm (Khúc nhạc trong lòng ta đã thành hình mà không ai hay biết, Chỉ có gió trên cây tùng là hòa được âm thanh ấy).

Và gió ấy! Và mưa ơi…

 Nguyễn Đông Nhật

__________________

(1) Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du

(2) Trường ca Đẻ đất đẻ nước - dân tộc Mường

(3) Xử thế nhược đại mộng / Hồ vi lao kỳ sinh (thơ Lý Bạch - Tản Đà dịch)

(4) Thơ Paul Verlaine, thi sĩ Pháp

(5) Bến đò xuân đầu trại - thơ Nguyễn Trãi

(6) Kinh Pháp cú - phẩm Song yếu

(7) Sarvapalli Radhakrishnan, Giáo sư bộ môn Tôn giáo và Đạo đức học Đông phương (Đại học Oxford - Anh quốc)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.