Thôn Phước Tượng, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế - một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng sau cơn bão số 5. Gia đình bà Nguyễn Thị Đào (63 tuổi) và con trai Lê Phú (37 tuổi) đang dọn lại những gì còn lại của ngôi nhà sau bao năm hai mẹ con phấn đấu xây dựng.
Căn nhà của bà Đào đổ sau mưa bão chiều ngày 14-10 |
Đây là một trong hàng chục điểm sạt lở do mưa lớn tại Thừa Thiên Huế từ chiều qua đến rạng sáng nay (15-10). Tuy nhiên, công tác di dời dân ở các vùng xung yếu đã được hoàn tất từ chiều qua. Anh Lê Phú người dân trong căn nhà này, nhờ được vận động di dời đến nơi an toàn từ chiều qua nên đã tránh thiệt hại về người trong trận sạt lở đất sập nhà xảy ra lúc nửa đêm.
Anh Lê Phú, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế tâm sự: “Sau khi sạt lở núi nhà tôi bị sập thì lãnh đạo chính quyền xã đã đến thăm hỏi, động viên gia đình, sau đó thì có cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng cấp ủy, chính quyền, lực lượng dân quân xã đến hỗ trợ gia đình để dọn dẹp những vật dụng cần thiết còn sót lại”. Mưa lũ đã gây chia cắt, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thêm vào đó, do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn đã gây ngập gần 20.000 ngôi nhà với độ sâu từ 40 - 80 cm. Công tác ứng cứu, di dời các hộ dân đến nơi an toàn được lực lượng vũ trang và bà con nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai trong đêm nay khi nước lũ tiếp tục dâng cao. Ngay sau khi ngớt mưa, chính quyền và lực lượng vũ trang tỉnh đã triển khai hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng chuyên trách để giúp bà con nhân dân ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả để nhân dân sớm ổn định khi thiên tai đi qua.
Căn nhà trong đống đổ nát |
Trung sĩ Hoàng Quang Lục, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Là một quân nhân tôi rất vinh dự, tự hào khi được giúp người dân khắc phục những khó khăn hậu quả do thiên tai bão lụt gây ra. Chúng tôi luôn sẵn sàng cơ động đi những nơi nhân dân cần để giúp người dân khi gặp nguy hiểm”.
Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Để đảm bảo ứng phó với cơn lũ của đợt này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hàng chục ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, bao gồm cả bộ đội thường trực, dân quân sự vệ, phối hợp với các lực lượng của địa phương để tham gia di dời tài sản, giúp bà con đến nơi trú ẩn an toàn; thứ hai nữa sau khi sự cố sạt lở, rồi ngập úng chúng tôi sẵn sàng điều lực lượng để ứng cứu, giúp cho bà con khắc phục những khó khăn và vận chuyển các tài sản đến nơi an toàn”.
Mưa lũ vẫn còn diễn ra phức tạp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, sự chủ động trong công tác ứng phó của lực lượng vũ trang, người dân và các cấp chính quyền địa phương nhằm giảm thiểu những thiệt hại do lũ lụt gây ra.