Bồ-tát Quán Thế Âm tạo Phổ Đà Sơn
“Xứ sở của các vị Bồ-tát”
Trung Quốc là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của thế giới, nơi đã tiếp thu Phật giáo từ Ấn Độ và đã có quá trình tiếp biến, bản địa hóa, hình thành nên Phật giáo Hán truyền đặc thù.
Trong sách Mùi hương trầm, tác giả Nguyễn Tường Bách đã gọi Trung Quốc là xứ sở của Bồ-tát. Người Trung Quốc đã kiến tạo nên một thế giới tâm linh huyền nhiệm, và qua thời gian, những vị Phật, vị Bồ-tát đã rũ bỏ hoàn toàn chiếc áo Ấn Độ, trở thành những vị Phật, Bồ-tát nội sinh - có quê hương là Trung Quốc - trong không gian của huyền sử, giai thoại phảng phất hương khói mầu nhiệm.
Bồ-tát Di Lặc đã hiện thân cụ thể bằng con người Tế Công - Bố Đại hòa thượng sống phóng khoáng, luôn đem niềm hoan hỷ, đầy đủ, viên mãn đến cho mọi người. Bồ-tát Quán Thế Âm không chỉ ở trong lịch sử, kinh điển mà rất gần gũi, có mặt mọi lúc mọi nơi phù hộ, giúp đỡ, che chở cho con người qua mọi hoạn nạn, khổ ách, vị thần toàn năng khiến cho mọi ước nguyện của con người trở thành hiện thực.
Các ngài không ở Ấn Độ, cũng không phải ở các cảnh giới xa xôi, mà hiện hữu ở các địa danh không còn là địa danh thông thường mà trở thành đạo tràng của các vị Bồ-tát như Ngũ Đài Sơn - đạo tràng của Bồ-tát Văn Thù; Nga Mi Sơn - đạo tràng của Bồ-tát Phổ Hiền; Cửu Hoa Sơn - đạo tràng của Bồ-tát Địa Tạng; Phổ Đà Sơn - đạo tràng của Bồ-tát Quán Thế Âm hằng cứu khổ cứu nạn vạn loại chúng sinh…
Đến Phổ Đà Sơn vào một sớm đầu mùa đông với thời tiết lạnh 10 độ, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng ngàn người dân đủ mọi thành phần hành hương như trẩy hội, có người tam bộ nhất bái trên những nẻo đường đến các ngôi chùa trên núi cách mặt nước biển hơn 200 mét. Mỗi năm, chỉ riêng tại Phổ Đà Sơn, ước tính có hơn 7 triệu người hành hương đến hòn đảo thiêng liêng này. Trong dòng người lũ lượt chiêm bái, có rất nhiều người trẻ.
Một hòn đảo nguyên có hơn 200 ngôi chùa, và hầu hết đều bị phá hủy trong Cách mạng văn hóa. Với hơn 30 năm khôi phục, nay đã có gần 60 ngôi chùa trên đảo, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng hết sức kỳ vĩ, như chùa Phổ Đà, kiến tạo mô phỏng phong cách của cố cung, thực hiện ròng rã trong suốt 10 năm liền với kinh phí gần 45 tỷ đô-la.
Điều đáng nói tại nơi đây đã xây dựng một Phật học viện có quy mô, mang tên Phổ Đà Sơn miễn phí hoàn toàn.
Dấu ấn của Phật giáo Phổ Đà Sơn chính là ở chỗ nơi đây đã có một tổ chức Phật giáo đặc biệt, Hiệp hội Phật giáo Phổ Đà Sơn, vị đứng đầu năm nay ngoài sáu mươi, và điều hành bởi các vị Tăng tuổi dưới 50, phong thái đĩnh đạc.
Hiệp hội Phật giáo Phổ Đà Sơn thuộc hệ thống Hiệp hội Phật giáo tỉnh Chiết Giang, nhưng với tính chất một hiệp hội, tổ chức này có tính độc lập tương đối, và qua tìm hiểu, nó như một Giáo hội thực thụ, nổi bật với phương châm 3 điểm: thống nhất về nhân sự, thống nhất về tài chính và thống nhất về kiến thiết. Chính với thế mạnh đó, mọi sinh hoạt liên quan tới Phật giáo ở đây đều được tổ chức chặt chẽ, không có sự phân hóa theo các xu hướng thế tục.
Trong câu chuyện với TT.Thích Tâm Hạ, phương trượng chùa Nam Hải Quan Âm, vị giáo phẩm này đã bày tỏ niềm kính ngưỡng sâu sắc đối với Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là những ấn tượng về phương pháp thực hành thiền quán niệm qua dịp tiếp xúc và thực tập với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, khi thiền sư đến hoằng pháp tại Trung Quốc, mở khóa thiền tập tại Phổ Đà Sơn nhiều năm trước đây.
Vị Thượng tọa phương trượng này cũng cho biết, sách của Thiền sư Nhất Hạnh có ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc, được xếp vào nhóm sách best seller trên đất nước là xứ sở của các vị Bồ-tát, chiếc nôi của Phật giáo Hán truyền có ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Luồng sinh khí mới
Tự hào về lịch sử, tự nhận thấy có sự đứt gãy, gián đoạn trong kế thừa, chỉ mới được khôi phục trong hơn 30 năm, nhưng khi đến thăm một số cơ sở chùa chiền, tự viện chỉ tại tỉnh Chiết Giang, một luồng sinh khí mới đang trỗi dậy mạnh mẽ trên đất nước này.
Tự viện quy mô đồ sộ, được quy hoạch chi tiết, bảo tồn kỹ lưỡng, cả ở những ngôi chùa xưa còn lại lẫn mới được xây dựng, phục dựng gần đây, những nơi mà đoàn GHPGVN được hướng dẫn đến, 12 nhân sự lãnh đạo mà đoàn đã tiếp xúc hầu hết đều từ 38 - dưới 50. Chỉ một vị mới ngoài 60 tuổi. Có tự viện dành cho tín ngưỡng, với hàng chục ngàn người đến chiêm bái mỗi ngày như Nam Hải Quan Âm, chùa Pháp Vũ... ở Phổ Đà Sơn; nhưng có nơi đóng cửa chuyên tu quanh năm với hàng trăm chư Tăng thường trú, thời biểu hành trì nghiêm mật, thực hành thiền tọa hơn 10 giờ mỗi ngày theo truyền thống Tổ sư thiền Trung Hoa như chùa A Dục Vương tại thành phố Ninh Ba và nhiều ngôi thiền tự đóng cửa im lìm, cảm giác như nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Với hơn 100 Phật học viện được thành lập trên toàn quốc, với lực lượng nhân sự trẻ năng động, sau thảm họa của Cách mạng văn hóa, Phật giáo Trung Quốc đã trở mình đứng dậy, từng bước chữa lành những vết thương, và có những bước đi thầm lặng nhưng vững chãi. Gần đây, với thế mạnh truyền thống, khéo léo trong việc liên kết qua Hiệp hội, Phật giáo Trung Quốc, với đại diện là các tổ đình, tự viện, Giáo hội địa phương đã chủ động một lần nữa vươn ra thế giới, mời gọi thế giới đến với mình...
Qua câu chuyện với HT.Thích Đạo Từ, phương trượng chùa Phổ Tế - một ngôi cổ tự xây dựng từ năm 1080 trên diện tích 36.000m2 trên đảo Phổ Đà Sơn, Hòa thượng đồng thời là đương kim Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Phổ Đà Sơn, người viết càng hiểu thêm ý thức và đường hướng của Phật giáo ở xứ sở này.
Đề cao khôi phục truyền thống sơn môn, tôn trọng biệt truyền tổ đình, Phật giáo Trung Quốc đã chọn hình thức tổ chức thống nhất trong đa dạng qua cơ chế “hiệp hội”, gần như cơ chế Tổng hội Phật giáo Việt Nam mà chúng ta đã từng có năm 1951. Nhân sự trẻ, hệ thống đơn giản, luân chuyển nhân sự, thống nhất trong vấn đề kiến thiết, chú trọng đào tạo Tăng tài… là những nội dung trọng tâm đã khiến cho Phật giáo trên đất nước này hồi sinh mạnh mẽ, tạo sự ngỡ ngàng cho nhiều người quan tâm đến Phật giáo Trung Quốc.
Tăng sinh tại Phật học viện Hàng Châu
Du khách đến viếng thăm, hành hương Nam Hải Quan Âm - Phổ Đà Sơn
Một góc Phật học viện Phổ Đà Sơn