GN - Khi đến gần đất Mỹ, sau hành trình vượt Thái Bình Dương, máy bay giảm độ cao. Từ trên cao nhìn xuống, những mái nhà màu xám xịt, hình như thấp bé của phi trường Los Angeles, người bạn ngồi cạnh tôi, lần đầu tiên đi Mỹ, buột miệng: “Sao nước Mỹ nghèo thế!”.
Một người Mỹ thực hành thiền định Phật giáo tại một thiền thất
ở San Francisco, California, Hoa Kỳ - Ảnh: David Buttow
Quang cảnh hoàn toàn khác hẳn khi ra khỏi máy bay, phi cảng rộng lớn, nhộn nhịp, đông nghẹt hành khách người đến kẻ đi. Ra khỏi phi trường, một hệ thống xa lộ chằng chịt thông với nhau. Và quang cảnh đập vào mắt là vô vàn xe hơi, nối đuôi nhau không dứt. Tất cả đều trật tự theo những tấm bảng hướng dẫn giao thông màu xanh lục, đặc trưng cho hệ thống giao thông ở Mỹ. Ngồi trên xe về đến nhà, tôi thầm nghĩ nếu hệ thống này gặp trục trặc thì không biết chuyện gì xảy ra và chắc là thảm họa khôn lường.
Ra khỏi xa lộ, đón chúng tôi là những con đường rợp bóng cây xanh thẳng tắp, những bãi cỏ được chăm chút cẩn thận và những tiểu đảo xinh xinh điểm vài nụ hoa của một nơi xưa kia là sa mạc.
Nhà cửa hai bên đường, phần lớn là nhà thấp tầng, chỉ hai ba tầng nhưng có vườn rộng. Đó cũng là đặc trưng của một vùng đất rộng người thưa, mặc dù đã đạt đến trình độ phát triển cao. Trong thành phố vẫn có những vườn trồng cây nông nghiệp rộng đến ngút ngàn. Những trường học dù ở cấp một, cấp hai hay cấp ba đều có sân bóng đá và các sân chơi khác rộng rãi thoải mái. Học sinh được dạy dỗ các môn thể thao bắt buộc trong nhà trường. Dân thành phố đạt văn minh lịch sự. Gặp nhau là chào hỏi, ít nhất là “Hi!” dù không quen biết. Buổi sáng đi dạo, nhiều người ngồi trong xe hơi cũng gật đầu chào. Gặp người cần sự trợ giúp họ nhiệt tình giúp đỡ.
Điều làm nhiều du khách ngạc nhiên là vô số chim. Đủ loài, đủ màu sắc thi nhau hót trên cây bên vệ đường, trong vườn nhà. Tôi thầm nghĩ chim chóc ở đây thật sung sướng, không có ai săn bắt, thành ra chẳng lo sợ như “kinh cung chi điểu”. Tôi từng chứng kiến có những nhóm người, phần lớn là người già đi dạo chỉ có mục đích là thưởng thức tiếng hót của chim. Rất dễ nhận biết những người này, họ thường ngước mặt lên cây và nhiệt tình bàn luận về tiếng hót của từng loại chim. Thiên nhiên đã giúp họ vui sống.
Nhưng cảnh tượng làm tôi ngạc nhiên một cách thích thú: một đàn vịt trời dẫn một đàn con băng qua đại lộ Bolsa đông đúc. Tất cả xe cộ đều dừng lại chờ cho đến lúc đàn vịt băng qua đường. Tò mò tôi theo đàn vịt đến công viên gần đó thấy có nhiều con nữa đang ung dung rỉa lông! Không gian thật thanh bình. Ngước nhìn bảng thông cáo đại ý đàn vịt được luật pháp bảo vệ! Thế cho nên đàn vịt sau một thời gian bay xuống phương Nam tránh rét mùa đông, nay đã trở về khi mùa xuân bắt đầu…
Trong thời gian ở Mỹ, tôi cũng có dịp tham dự những buổi sinh hoạt cộng đồng, một lãnh vực mà tôi lưu ý. Tôi có đến tham quan một bữa ăn trưa miễn phí của những người chưa có công ăn việc làm, những người homeless (vô gia cư). Họ được dọn ăn một cách lịch sự trên những dãy bàn dài. Phục vụ họ phần lớn là các sinh viên. Những sinh viên này được chấm điểm hoạt động ngoại khóa và điểm số đó được ghi nhận trong thành tích biểu của một sinh viên. Điểm số này cần thiết để đánh giá quá trình học tập rèn luyện hoặc tìm việc làm sau khi ra trường.
Tôi cũng có dịp tham quan một buổi khiêu vũ của học sinh lớp mẫu giáo để lấy tiền giúp người nghèo. Tôi cũng có dịp dự một buổi tưởng niệm người chết tại một nhà thờ Tin Lành. Tất cả những người tham dự đều ăn mặc đẹp đẽ (có ghi chú trên thiếp mời) và cùng nhau ôn lại kỷ niệm đẹp về người quá vãng. Tuyệt nhiên không có kỷ niệm buồn. Kết thúc là một bữa ăn vui vẻ. Đối với chúng ta, tuy hình thức tưởng niệm thì khác nhau nhưng ý nghĩa phần lớn là giống nhau: chết không phải là hết, chỉ chấm dứt một giai đoạn sống. Do đó không có chuyện buồn. Đức Phật của chúng ta đã dạy bài học về sự sống chết cho người đàn bà ôm xác con đến nhờ giúp đỡ là gì!
Tuy nhiên xã hội Mỹ vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ trầm trọng. Ngoài những tệ nạn như ma túy, bạo lực, xung đột chủng tộc… cho ta thấy một nguy cơ tiềm ẩn: nguy cơ béo phì. Một bộ phận người Mỹ có thân hình quá khổ, có trọng lượng vượt mức bình thường nhiều lần. Đó là đầu mối của bao nhiêu bệnh tật, đặc biệt là bệnh tim mạch.
Bệnh béo phì một phần cũng là kết quả của xã hội vật chất thừa thãi, một phần vì một số người ăn quá nhiều các junk food (loại thức ăn có mức dinh dưỡng thấp nhưng lại có nhiều chất không tốt như đường, mỡ và muối có hại cho cơ thể, như khoai tây chiên, bánh kẹo, các loại chip, snack... - GN) thay vì rau quả tươi bởi vì có một số nơi trên nước Mỹ, không phải ai cũng được ở gần chợ bán hoa quả.
Nguyên nhân của bệnh béo phì cũng là do đời sống công nghiệp gây nên căng thẳng trong cuộc sống. Đa số họ có ít thì giờ lo cho bản thân và gia đình.
Những tiệm bán thức ăn nhanh nhiều vô kể đáp ứng nhu cầu của đa số giới trẻ. Những thức ăn này ngon rẻ nhưng thừa calorie!
Một bộ phận người Mỹ khác thấy trước nguy cơ đó nên họ ăn uống có chừng mực, dùng thức ăn “organic” (thực phẩm được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất - GN), mặc dù các thức ăn này thường có giá cao hơn thức ăn bình thường. Có những tiệm ăn chỉ bán thức ăn organic và thực khách là những người có thân hình thon gọn.
Những trải nghiệm trên tôi thu nhận được từ một vùng đất rất nhỏ trên bản đồ nước Mỹ, một vùng đất được đánh giá là upper middle class, tầng lớp trên trung lưu. Nhưng tôi cũng cảm nhận được những khó khăn, đau khổ và những nguy cơ thách thức mà nước Mỹ gặp phải. Điều này chứng tỏ nước Mỹ không phải là vùng đất hứa, mặc dù đã đạt đến trình độ phát triển cao.
Tự nhiên tôi thoạt nghĩ giá mà nước Mỹ đón được làn gió mát từ phương Đông, nơi có Ánh Đạo Vàng soi sáng con đường diệt khổ của Đức Phật!
Nhân viên của Hãng Google trong khóa thực tập thiền "Tìm kiếm trong tự thân" (Search Inside Yourself)
Sau mấy tháng lưu trú, cũng đến lúc phải rời nước Mỹ. Đêm qua một trận mưa rào đổ xuống, điều hiếm hoi của miền Nam California. Sáng nay trời dịu mát, chim chóc hình như hót nhiều hơn thường ngày. Cây phượng tím trước nhà nở bùng ra một sắc hoa màu tím, nhiều cây làm tím cả một con đường, nhiều con đường trong thành phố. Người và cảnh vật đồng cảm với nhau, vì màu tím là màu tiễn biệt. Trên nhánh cây hải đường cạnh nhà, trong tổ, mấy con chim con “humming bird”, một loại chim rất nhỏ thân thương của cư dân nơi đây, ghếch mỏ kêu chiêm chiếp như muốn nói lời từ biệt. Thốt nhiên tôi nhớ đến hai câu thơ của Chế Lan Viên:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn.
Trước đây tôi hiểu chỉ có mảnh đất hình chữ S quê tôi là có thể hóa tâm hồn. Nay tôi chiêm nghiệm được ở những mảnh đất xa xôi, dù ở bất cứ phương trời nào, nếu biết sống tử tế, đất cũng đều có thể hóa thành tâm hồn được.