Một số tàn tích Phật giáo được tìm thấy ở bang Odisha

Tàn tích Phật giáo được tìm thấy ở bang Odisha
Tàn tích Phật giáo được tìm thấy ở bang Odisha
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vừa qua, tàn tích của một bảo tháp khổng lồ, các tác phẩm điêu khắc không còn nguyên vẹn về Đức Phật, cổ vật bằng đất nung và nhiều di vật khác đã được phát hiện trên đỉnh đồi Parabhadi ở bang Odisha của Ấn Độ.

Tại đây, các khối đá nằm rải rác khắp nơi là tàn tích của một bảo tháp lớn có niên đại vào khoảng thế kỷ VII và VIII, với ý nghĩa gợi nhớ về di sản Phật giáo huy hoàng của Odisha. Ẩn mình trong thung lũng Birupa-Chitrotpala và được chia cắt bởi các quận Jajpur và Cuttack, ngọn đồi là một phần của “Tam giác kim cương”, một tập hợp gồm ba địa điểm Phật giáo nổi tiếng là Ratnagiri, Udaygiri và Lalitgiri. Gần đây, một cuộc khai quật khảo cổ do nhóm Puri Circle thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) tiến hành đã khám phá ra ý nghĩa và tầm quan trọng của địa điểm lịch sử Phật giáo này.

Sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau, nhóm các nhà khảo cổ đã phát hiện ra tàn tích của một bảo tháp khổng lồ, các tác phẩm điêu khắc không còn nguyên vẹn về Đức Phật (Ngũ Trí Như Lai và Đức Phật thiền tọa trong tư thế hoa sen), cổ vật bằng đất nung và nhiều thứ khác nữa.

“Bảo tháp đã đổ nát vốn có chiều cao 4,5m và rộng 18m, nằm trên nền đất rộng 10,8m2 trên đỉnh đồi. Các vạch nề nối nhau và kẹp sắt được sử dụng để nối 18 lớp đá đã được sắp xếp theo thứ tự để tạo thành bảo tháp; ngoài ra, các khoảng trống giữa các viên đá được lấp đầy bằng một loại vữa bùn đặc biệt với đá vụn và mảnh gốm”, Odisha Dibishada Brajasundar Garnayak, lãnh đạo của ASI Odisha và cũng là người đứng đầu cuộc khai quật cho biết.

Trong quá khứ, Phật giáo đã từng phát triển rất mạnh mẽ ở Odisha và khắp vùng “Tam giác Kim cương”; những gì khai quật được là minh chứng sống động cho điều này. Ngọn đồi Parabhadi có vị trí rất quan trọng, bởi nó tọa lạc gần quần thể Phật giáo Lalitgiri, một nơi được xem là lâu đời và linh thiêng nhất trong bộ ba địa điểm nói trên. Các nhà khảo cổ cho biết các tu viện và Parabhadi là một phần vô cùng quan trọng của quần thể Phật giáo ở Odisha.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1200 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1200 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Việc khai quật tàn tích của ASI tại khu đồi Lalitgiri và Nanda vào năm 1985 đã để lộ ra một quần thể Phật giáo khổng lồ và được xem là một trong những địa điểm Phật giáo lớn nhất ở Ấn Độ. Cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục được thực hiện cho đến năm 1991 và cũng đã tiết lộ nhiều sự thực phong phú về văn hóa Phật giáo của khu vực này.

“Trong số các phát hiện ở đây, đáng chú ý là bảo tháp hùng vĩ có từ thế kỷ II ở Lalitgiri. Trong bảo tháp này, người ta đã phát hiện ra một chiếc hộp vàng nhỏ được bọc trong một chiếc tráp bạc, chiếc tráp này lại được đặt trong một chiếc tráp Khondalite. Cả ba đều được tạo hình dưới dạng một bảo tháp. Bên trong chiếc kim quan, người ta đã tìm thấy xương và răng được bọc trong dây vàng và lá”, Sunil Kumar Patnaik, nhà khảo cổ học kiêm thư ký của Viện Nghiên cứu Hàng hải & Đông Nam Á Odisha, cho biết.

Kumar, tác giả cuốn sách Di sản Phật giáo Odisha nói về Parabhadi, chia sẻ rằng tuy di vật đã được tìm thấy, nhưng không rõ đây là xá-lợi của Đức Phật hay là vị cao tăng nào của Phật giáo, bởi vì không có bất kỳ dòng chữ nào trên kim quan. “Đáng chú ý hơn, địa điểm này cho thấy những sự kiện liên quan đến các niên đại nối tiếp nhau, từ thời Mauryan đến thời kỳ Gajapati (thế kỷ III đến thế kỷ XV) cho đến khi các nhà cai trị Hồi giáo tiến vào Odisha”, Kumar nói.

Cựu giám sát viên thuộc bộ phận khảo cổ học của ASI, Jeevan Patnaik, người từng tham gia khai quật tại đồi Lalitgiri và Nanda vào những năm 80, cho biết trong khi Lalitgiri chứng kiến sự tồn tại của các trường phái Đại thừa, Tiểu thừa và Kim cương thừa (hay Phật giáo Mật tông), thì các cuộc thám hiểm tại Parabhadi lại chỉ cho thấy sự hiện diện một trường phái Phật giáo-Kim cương thừa và trường phái này tiếp tục kéo dài cho đến thế kỷ XII TCN. Ông nói: “Ngoài bảo tháp Parabhadi, còn có một ngôi đền Phật giáo hình tròn trên đồi, sau đó đã bị hư hại do sự khai thác của con người”.

Ngọn đồi Parabhadi còn có tên là Sukhuapada. Trên sườn phía Bắc của nó là bảy động đá nhỏ được người dân địa phương gọi là “Hathikhal”. Các khoang đá này được tạo ra theo hình móng ngựa với nhiều kích cỡ nằm liền kề nhau. Garnayak cho biết vào đầu thế kỷ XX, những tàn tích điêu khắc từ địa điểm này đã được chuyển đến nhà kho điêu khắc Lalitgiri.

Trước đó, một số thần tượng đã được nhà nhân chủng học và khảo cổ học người Bengal, Rama Prasad Chanda, di dời và hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Ấn Độ ở Kolkata. Bên cạnh đó, có một bức tượng Phật (Padmapani) bằng đá được đặt trong một hang động khác ở sườn phía Nam gần địa điểm bảo tháp lộ thiên hiện nay và hiện đang được người dân địa phương tôn thờ với tên gọi “Ghantiasuni Thakurani”.

“Nhiều tác phẩm điêu khắc Phật giáo quan trọng hiện đang được giữ gìn tại Bảo tàng Lalitgiri đã được tìm thấy ở đồi Parabhadi. Có tới 70% ngọn đồi đã bị mất đi do khai thác đá. Trên thực tế, Parabhadi rất quan trọng đối với cả những người khai thác tư nhân và chính phủ Odisha vì trữ lượng đá Khandolite dồi dào được sử dụng rộng rãi để xây dựng một số ngôi đền đẹp nhất trong bang.

ASI hiện đang lên kế hoạch để lập hồ sơ và xây dựng lại bảo tháp. Những khối đá bị bong ra sẽ được đánh số và sắp xếp lại trên đỉnh đồi để định hình lại bảo tháp.” Hơn nữa, Garnayak cho biết: “Sẽ mất một thời gian, nhưng chúng tôi có thể chắc chắn rằng bảo tháp sẽ an toàn không bị xuống cấp thêm nữa”, Jeevan nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.