Một Phật tử vùng giáp biên giới

GN - Vượt hàng trăm cây số đường bộ, đường sông và cả đường rừng để mang ánh sáng Phật pháp về với buôn làng, cộng đồng dân tộc thiểu số; hơn ba năm nay, chị Trần Thúy Hương (sinh năm 1968), pháp danh Diệu Thơm, cần mẫn bám trụ tỉnh Cao Bằng với nhiều vai trò khác nhau: Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Cao Bằng, nhà hoằng pháp, người Phật tử dấn thân. Có ai ngờ, từ lúc chưa khái niệm được thế nào là đạo Phật, giờ đã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số quy y Tam bảo và nhiều người đã biết đến chùa làm công quả, tham gia tích cực trong những đợt làm từ thiện.
di3.jpg
Chị Diệu Thơm (thứ 2 từ phải qua) cùng đội văn nghệ "Hoa Vô Ưu"
thêu tranh cúng dường chư tôn đức trong kỷ Đại hội PG tỉnh năm 2014

Những chặng đường gian nan

Cao Bằng là một tỉnh vùng núi giáp biên, trên địa bàn có rất nhiều dân tộc sinh sống. Dân tộc Tày chiếm khoảng 41% dân số, dân tộc Nùng khoảng 31%, H’Mông 10,1%, Dao 10,1%, Sán Chay 1,4% và nhiều dân tộc khác.

Chính vì nhiều tộc người khác nhau nên nhận thức về văn hóa của họ không đồng đều, văn hóa tâm linh lại càng khác biệt. Từ khi sinh ra và lớn lên, bà con thường xuyên tiếp cận với những hoạt động mo, then, tào, bụt, đồng cốt và một số hoạt động mê tín dị đoan khác… Văn hóa Phật giáo đối với người dân nơi đây còn quá xa lạ nên những ai có duyên tiếp xúc, hiểu được đạo Phật thì đó là điều quý giá vô cùng.

“Một lần, vô tình lên mạng nghe được bài giảng Phật pháp của quý thầy, rồi tìm hiểu thêm qua kinh sách, thấy giáo lý Đức Phật rất hay và thiết thực, đem lại nhiều lợi lạc cho bản thân, tôi đã tự hỏi, tại sao tôi lại không làm lan tỏa điều đó ra cho mọi người cùng được hưởng”, chị Diệu Thơm chia sẻ về con đường dấn thân, đem ánh sáng Phật pháp đến gần hơn với mọi người trên địa bàn tỉnh, việc làm khó khăn đó đã được bắt đầu từ lý do đơn giản như vậy!

Trên địa bàn thành phố có 2 ngôi chùa có sư trụ trì. Một ngôi có không gian rộng và được sự ủng hộ của chính quyền xã nên Phật tử ở đây tu tập rất tốt. Còn một ngôi chùa cũ và hư hỏng nặng, không gian chật hẹp, chính quyền địa phương chưa nắm bắt rõ Phật pháp nên Phật tử nơi đây gặp nhiều khó khăn. Điều đáng nói là, nhiều cán bộ địa phương tuy được phân công phụ trách mảng văn hóa tôn giáo nhưng họ cũng chưa được biết đúng về đạo Phật. Ngày lễ hội người dân thường mời thầy đồng vào chùa để hầu đồng, tung tiền cúng, reo hò… thì cơ hội để bà con hiểu được giáo lý nhà Phật rất mong manh.

Để văn hóa Phật giáo đến với tất cả người dân đang sống ở Cao Bằng, chị đi vận động, thuyết phục một số thành viên đang hoạt động công tác phong trào xã hội tích cực tham gia vào chương trình văn hóa Phật giáo. Đến được với họ là một vấn đề rất khó khăn: “Họ bảo họ là đảng viên, không thể tham gia vào việc mê tín dị đoan được… Lúc đó tôi phải giải thích rằng, đạo Phật là đạo văn minh và trí tuệ, được Nhà nước và thế giới công nhận. Chỉ có đạo Phật mới có Đạo ca. Đạo Phật đã song hành cùng dân tộc suốt mấy ngàn năm giữ nước. Tôi còn dẫn chứng  tấm gương của Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để thuyết phục chính quyền; rồi nói về luật nhân quả…Hy vọng một thời gian ngắn nữa thôi, chính quyền địa phương sẽ hiểu được ý nghĩa quan trọng của đạo Phật đối với cuộc sống người dân nơi đây”, chị chia sẻ.

Tiếp theo, chị hướng đến bà con dân tộc thiểu số. Vì đây là những tộc người rất nghèo thông tin. Khó khăn lớn nhất là, lúc chị đi vận động người dân đến với đạo Phật thì trùng với thời điểm trên địa bàn tỉnh nổi lên đạo trái phép là đạo “Thìn Hùng” mà chính quyền địa phương đang dẹp bỏ quyết liệt và cũng có những phản ứng xấu của một nhóm người dân tộc thiểu số. Thế nên khi giới thiệu về đạo Phật, bà con dân tộc sinh sống vùng giáp thị trấn thường từ chối: “Không đi theo Phật đâu, Phật có cho mình ăn đâu”. Khi đến chùa thấy mọi người công đức tiền vào chùa, họ nói: “Đi chỗ khác còn được tiền, sao đến đây lại phải mất tiền à; đi chùa làm gì? Đi thì lấy gì bỏ xuống nồi”…

Đi sâu vào Trùng Khánh, nơi đang xây dựng ngôi chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc khảo sát, chị biết được thực tế rằng, người dân sống nơi đây không biết sư là gì, thầy là gì và chùa là gì, mặc dù công trình Phật giáo Bản Giốc rất to lớn. Chị kể lại: “Dưới chân núi, cạnh con đường vào thác Bản Giốc có một quán hàng nhỏ, tôi dừng lại mua bánh kẹo, chút đồ lễ để lên thăm xem công trình xây dựng tiến hành đến đâu rồi và cốt là để hỏi chủ quán: Chị ơi, làm ơn cho em hỏi chị có thấy nhà sư nào ở đây không ạ? Chị ấy trả lời: Sư là cái gì à, không có đâu, chỉ có kẹo và bánh quy  thôi. Nghe xong, tôi thấy thương lắm”. Chính vì quá thương người dân nên khi đi khảo sát về đến nhà, chị trăn trở mãi: “Để truyền đạo Phật đến bà con thì vấn đề đầu tiên là tài chính, vì ở đây không có một quỹ nào cả. Nhà chùa cũng không có, nếu muốn làm được việc chỉ có cách tự mình”, vậy là chị lấy tiền túi bao năm hai vợ chồng ki cóp được để đi làm Phật sự.

Với ý niệm, những nơi khác Phật tử tìm đến chùa, thì nơi này mình phải đi tìm Phật tử, sau nhiều đêm suy nghĩ, chị mạnh dạn thành lập đội văn nghệ ca ngợi Phật pháp mang tên “Hoa Vô Ưu”. Và chị phát tâm làm chương trình văn nghệ ca ngợi Phật pháp, từ thiện để thu hút được sự chú ý của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đồng thời chuyển tải giáo lý của Đức Phật bằng ngôn ngữ âm nhạc, để tất cả người dân các dân tộc dễ cảm nhận về văn hóa Phật giáo hơn. Như lời chị cầu nguyện, khi chương trình kết thúc, kết quả đã mỉm cười với chị và quý sư. Chỉ vài lần biểu diễn, bà con dân tộc thiểu số sau khi xem văn nghệ, từ thiện đã biết yêu thương đoàn kết, biết từ bỏ điều ác, hướng tới điều lành, tu nhân tích đức, dần bỏ đi những phong tục cổ hủ, lạc hậu mê tín dị đoan vốn cố hữu trong họ.

Ước mơ thành lập CLB “Những người yêu văn hóa Phật giáo”

Trải qua 4 kỳ tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng các dịp Đại lễ, Phật tử đã quy y trên địa bàn tỉnh khoảng một ngàn người; tín đồ hướng Phật khoảng năm trăm ngàn người. Những buổi đi làm từ thiện giúp đỡ trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa tại TTBTXH tỉnh và những đợt làm bánh giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những lần sinh hoạt văn hóa Phật giáo đã làm tăng thêm sự hiểu biết cho các thành viên của đội văn nghệ.

Hiện tại, có rất nhiều người muốn tham gia vào đội văn nghệ “Hoa Vô Ưu” để được hiểu biết thêm về văn hóa Phật giáo. Đó là lý do vì sao chị ước muốn: “Rất mong được thành lập Câu lạc bộ Những người yêu văn hóa Phật giáo” trong  thời gian ngắn sắp tới để thu hút các bạn trẻ và lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Chỉ có như vậy thì Phật giáo mới đến hết được tất cả những nơi vùng sâu, vùng xa hơn nữa”.

cb 5.jpg


Trang nghiêm tổ chức Đại lễ Phật đản tại chùa Đống Lân (Cao Bằng)
- Phật giáo đang hồi sinh trên mảnh đất Cao Bằng - Ảnh: Hoàng Tuấn

Quy y năm 2011, đến năm 2012, tham gia vào Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, được giao nhiệm vụ phụ trách về công tác văn hóa Phật giáo, ba năm qua chị luôn cống hiến hết lòng cho Giáo hội. Đồng bào dân tộc thiểu số lên chùa gặp chị, ai ai cũng vui mừng, yêu mến và thích gần gũi với chị; còn chính quyền xã thì rất ngưỡng mộ chị.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, ẩn sau việc chị cống hiến, làm được cho Giáo hội thông qua những con số ấn tượng về Phật tử quy y, đến chùa đó là những sự hy sinh thầm lặng của chị và cả gia đình chị. Theo chị thì “chồng mình đã giúp mình rất nhiều, ủng hộ mình thực hiện công việc tốt đời đẹp đạo bằng số tiền lương cắc củm mà anh đã vất vả làm được”.

Chị có một cửa hàng may áo dài tại trung tâm thành phố Cao Bằng, số tiền kiếm được từ đây chỉ đủ để chị lo sinh hoạt cho gia đình; phải thật tiết kiệm thì mỗi tháng chị mới có thêm được một ít. Tiền kiếm được thì không bao nhiêu nhưng công tác Phật sự cần đến nhiều tiền, những lúc không có tiền để chia sẻ khó khăn với bà con, không có tiền để tổ chức văn nghệ Phật giáo, không muốn để việc tốt dang dở, vậy là chồng chị đã cổ vũ chị rằng: “Em cứ làm đi, mấy hôm nữa là anh được lương rồi”.

Có lời cổ vũ của chồng, có sự đồng hành của chồng, cứ như vậy mà ngày này qua tháng nọ, suốt 3 năm trường, chị và gia đình chị đã cần mẫn đến với bà con và gieo hạt giống, mầm xanh Phật pháp trong tâm thức bà con như thế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.