Một ngày hay nhiều ngày

Giác Ngộ - Một ngày ở bệnh viện nhanh như bóng mây trôi qua cửa sổ...

>>> Một ngày hay nhiều ngày (kỳ đầu)

"Chị ơi, có kết quả xét nghiệm chưa? Trưa rồi, sao em không thấy bác sĩ vào? "- nó hỏi hai chị.

"Bác sĩ đưa kết quả cho chị lúc sáng lận. Bình thường, không sao em à. Em chỉ bị suy nhược cơ thể thôi, chỉ cần bổ sung chất là được. Tý nữa chị sẽ ra phòng hành chính làm thủ tục xuất viện cho em"- giọng chị Nguyên Bảo định tĩnh, trầm ấm như mỗi khi chị lên pháp tòa vậy.

Chị là chị lớn ở chùa. Sau thầy là chị. Thầy đi vắng, chị và các chị khác ở nhà chăm dạy cho các em. Nó vừa thọ giới thức xoa ma na, nó cần học giới, thực tập các uy nghi cho vững chãi, chuẩn bị hai năm sau thọ giới lớn. Chuyện học hành của nó, nó hay chạy tới các chị tham hỏi vì thầy hay vắng nhà. Hay quá, chiều nay được về chùa rồi, nó nhẩm tính trong đầu sẽ tiếp tục những phần học còn dở dang từ ba tháng nay.

suchi1.jpg

Sư chị, sư em - Ảnh: langmai.org

Hai chị làm thủ tục xuất viện cho nó. Vui quá, chiều nay mình sẽ có mặt ở chùa rồi ! Xa chùa mới có một ngày mà nó cảm giác như lâu lắm. Nó nghĩ trong đầu không biết vắng nó một ngày, chùa có gì thay đổi không. Nó suy nghĩ về chùa một cách trịnh trọng như một ông cụ non. Nó muốn nhảy chân sáo để ăn mừng sự trở về này nhưng nó nhớ tới "một vị thức xoa ma na không được vừa đi vừa nhảy" trong một trăm mười lăm hành pháp mà nó đang học.

Nó khựng lại. Mình là một sư cô mà, đi đứng phải trang nghiêm kẻo thế tục cười chê, rồi thầy mình lại chế thêm nhiều hành pháp nữa cho đàn em mình sau này thì tội. Trong khi suy nghĩ về những nội điển này nó thấy hai chị nó chưa chịu lên xe mà còn đứng lại nói gì với nhau ấy. Có vẻ bí mật. Có lẽ là chuyện người lớn, nó không nên biết.

Bon, bon, về tới chùa chùa rồi. Nó reo lên "đã về đã tới rồi". Nó hát véo von bài thiền ca quen thuộc này.

Từ ngày về chùa, các chị có vẻ thương nó nhiều hơn, thầy ở xa cũng hay gọi điện về hỏi thăm nó. Thầy kể đủ thứ chuyện phương xa cho nó nghe. Thích nhỉ, ráng tu cho giỏi, mốt lớn lên nó cũng đi giúp người như thầy nó bây giờ vậy. Mỗi khi nghĩ về thầy hay thấy các chị có mặt cho nó là nó thấy mình là người có phước đức lớn nhất rồi. Các chị chăm nó kỹ lắm, nó thường xuyên được bồi bổ mà sao nó vẫn còn thấy choáng váng, trong người cứ chờn vờn. Không sao đâu, sinh lão bệnh tử là bốn cái chính của con người, là chuyện thường tình thế gian. Nó tự an ủi mình.

Hôm qua, nó đang học giới có vài điều thắc mắc, nó muốn tìm quyển Sự Tích Giới Luật của chị Nguyên Tâm. Chị đang bận nhồi bột làm bánh để ngày mai chùa có lễ cúng, chị bảo nó vào bàn của chị mà lấy. Nó hí hửng vào tìm. Sao chưa thấy nhỉ? Nó cẩn thận giở từng quyển sách, quyển sổ lên. Một tờ giấy rớt ra. Những dòng chữ trong tờ giấy đập vào mắt nó. Nó chết  lặng cả tâm hồn.

Tuy không bị ngất như hai lần trước nhưng nó thấy như mình bị kiệt sức, tê dại cả ý thức. Tự nhiên nước mắt cứ thi nhau lăn dài. Nó không biết mình có còn thở hay không nữa. "Ung thư dạ dày cấp tính giai đoạn ba… ". Chi chít những con chữ lạnh lùng đang nhảy múa trong mắt nó. Nó không còn thấy gì nữa cả.

"Nguyên Nguyên ơi, tìm thấy chưa? ". Ngoài nhà bếp, chị Nguyên Tâm hỏi vọng vào tới ba lần mà không nghe tiếng nó trả lời, ừ hử gì hết. Linh cảm có chuyện gì đó, chị chạy vội vào thì thấy nó ngồi thừ ra, mắt chết đứng, dán chặt vào tờ giấy. Mọi chuyện đã tỏ, chị cũng bủn rủn tay chân.

"Sao các chị lại giấu em?"- giọng nó yếu ớt, tiếng nó thỏ thẻ, hỏi như không cần nghe thêm câu trả lời. Chị Nguyên Tâm cầm chặt tay nó. Không khí im lặng tới mức chỉ còn nghe tiếng nhịp tim, nhịp thở  của hai chị em mà thôi. Nó lặng lẽ bước về phòng. Bước thấp bước cao, nó không còn biết là mình đang bước chân nào trước. Như một người mộng du, nó đi một cách vô thức theo quán tính thường ngày. Hơi thở của nó đâu rồi???

Thầy nó cứ hay dặn dò nó mỗi khi gặp khó khăn thì đừng nên làm gì cả mà hãy "thở đi con". Giờ đây nó không tài nào làm được.

Cảm giác hụt hẫng, bàng hoàng, lan tỏa khắp thân tâm, nó thấy mình như đang rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Bây giờ nó nhớ lại, tờ giấy ghi: "Trong vòng ba tháng hoặc hơn thì bệnh nhân sẽ…". Vậy là nó chỉ còn một ngày nữa thôi sao?

"Bụt ơi ! Sao phủ phàng quá vậy?", nó hét thầm. Bao dự định kế hoạch, nó còn dở dang.

Với tay lấy chiếc áo tràng treo ở cánh cửa phòng, nó còn nhớ đọc bào kệ mặc áo. Nó còn nhớ đây là cái áo tràng của bà ngoại cho nó khi nó phát nguyện đi tu. Dù áo đã ngã màu, cũ sờn, nó vẫn thích mặc. Sau khi lạy Bụt ba lạy, nó không biết làm gì hơn ngoài việc ngồi yên theo dõi hơi thở, theo dõi dòng cảm xúc đang cuồn cuộn dâng.

Chị Nguyên Bảo kín đáo lên chánh điện xem nó đang làm gì. Chị chỉ nhìn nó chứ không nói năng chi. Vì chị biết dù có nói như thế nào cũng không xoa dịu được, cách hay nhất là để nó ngồi yên. Thật sự trong lòng nó không trách móc sự giấu giếm của các sư chị. Nó biết các chị luôn thương nó mà.

Ngồi yên hai giờ đồng hồ rồi, nó dần bình tĩnh. Nó muốn đi từng bước ra vườn táo bên hông chùa. Nó tới cây táo Hạnh Thảo. Cây táo này do chính tay nó trồng và  đặt tên khi còn làm điệu. Khi đó nó được làm vườn với chị Nguyên Tín. Làm cỏ, xới gốc, bắt sâu, tưới nước cho cây là công việc nó rất ưa. Vườn táo còn chỗ trống, nó xin chị Nguyên Tín cho nó trồng thêm một cây cho khu vườn đầy đặn. Chị đồng ý, nó mừng lắm.

Như trẻ nhỏ được quà, chạy qua nhà hàng xóm cây con về. À mà nó là đứa trẻ nhỏ mới có mười ba tuổi thôi mà. Vừa đào lỗ, trộn phân, nó vừa tâm tình với cây: "Chị trồng em xuống đây. Em ngoan, mau lớn, cho hoa thật đẹp, cho trái thật ngọt để chị dâng cúng Bụt rồi làm bánh táo cúng dường cho thầy mình nha! Từ đây chị sẽ gọi em là Hạnh Thảo".

suchi2.jpg

Sinh hoạt trong Tăng đoàn - Ảnh: langmai.org

Mỗi hành động, nó đều đặt trong ý thức thiêng liêng như vậy. Chắc nhờ sức "chú nguyện" của nó mà cây táo lớn nhanh. Ba năm cây đã cho lứa quả đầu tiên. Tới mùa thu hoạch táo, nó lẻo đẻo theo chị Nguyên Tín. Tay nó xỏ cái quang giỏ giống như cô bé quàng khăn đỏ đang đi hái nấm trong vườn cổ tích, nó hạnh phúc lựa hái năm trái ngon nhất, đẹp nhất, xanh nhất. Nó cẩn trọng lau sạch, đặt vào đĩa, thắp hương dâng cúng Bụt.

Ba ngày sau, hạ xuống, nó nhờ chị Nguyên Bảo bày làm bánh táo, đây là loại bánh mà thầy nó rất thích. Ngày ăn bánh táo cũng trùng với ngày rằm, trăng thật là sáng trong, thầy trò nó ra vườn táo, trải chiếu, ăn bánh táo, ngắm trăng. Hạnh phúc vô cùng. Không biết đến khi nào nó mới được ngồi như thế nữa.

Bây giờ nó cũng đang ngồi ở vườn táo nhưng không còn cảm giác hạnh phúc của đêm trăng ấy nữa. Nó đang rất khổ đau, không biết thầy nó có biết hay không, nhưng chắc chắn Bụt đã biết. Nó nhớ Bụt hồi xưa cũng từng ngồi dưới gốc táo trong ngày hội xuống đồng của bà con nông dân xứ Sakya. Nhưng Bụt ngồi và thấy vòng sống vô thường, vạn vật tranh nhau tồn tại, còn nó ngồi đây để hít thanh khí đất trời cho vơi bớt khổ đau trong lòng.

Khổ đau bây giờ của nó, nó thấy lớn lắm, lớn hơn cái khổ đau của một đứa con nít bị giật mất đồ chơi, lớn hơn cái khổ đau của thằng bé mười ba tuổi khi soi gương phát hiện trên mặt mình có cái mụn trứng cá đang chễm chệ. Khổ đau của nó là lớn nhất.

Bây giờ phải làm gì đây để chấp nhận sự thật này? Nó nhớ thời còn để chỏm, thầy nó từng ra bài tập vấn đáp. Thầy hỏi nó: "Nếu thầy cho con ba ngày để sống thì con chọn ngày nào? ".

Gãi đầu suy nghĩ một hồi, nó thưa: "Bạch thầy, con xin chọn ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai ".

Thầy hỏi tiếp: "Nếu thầy chỉ cho con hai ngày để sống, con chọn ngày nào? ".

Thông minh, lém lĩnh, nó mạo muội chọn: "Bạch thầy, con xin sống ngày hôm nay và ngày mai".

Một lựa chọn cuối cùng cho nó: "Nếu con chỉ còn một ngày để sống, con chọn ngày nào? ".

Lần này, nó gãi đầu thành khẩn, lầm thầm trong bụng: "Ai da, sao khó vậy? Chỉ một ngày thôi à, chọn ngày Tý hay ngày Sửu đây? ".

"Bạch thầy, con xin chọn sống hạnh phúc trong mỗi ngày ạ ! ". Như một môn đệ phải trình kiến giải trước vị thiền sư trong buổi đại tham, nó bình tĩnh thưa.

"Hay lắm, vậy là con đã thấy đường đi rồi đó ". Thầy có vẻ hài lòng với câu trả lời của nó.

Cái bài tập năm xưa, bây giờ thành hiện thực rồi sao? Nó chỉ còn vỏn vẹn một ngày nữa thôi, chỉ có một ngày mà không phải nhiều ngày hơn. Nó nghi ngờ. Có thể là sai, cái ông bác sĩ nhầm lẫn, cái bệnh viện kia nhầm lẫn. "Mình phải đòi đi khám bệnh lại lần nữa".

Nhưng nó vẫn sợ là kết quả kia đúng. Nó chuẩn bị một tâm thế để đón chờ nhưng hụt hẫng, tiếc nuối là cảm thọ khó tránh đối với một người sơ cơ như nó. Nó phải làm gì và sống như thế nào trong một ngày còn lại này ? Chắc mình không dám ngủ quá ! Chỉ có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nếu ngủ thì cuộc đời nó càng nhanh kết thúc hơn". Nó làm phép nhẩm tính thời gian.

Làm những gì có thể làm à? Làm cái gì đây? Cười à? Khóc à? Khóc quá nhiều rồi, còn nước mắt đâu nữa mà khóc. Dù có khóc trôi cả chùa này nó cũng không thể thay đổi được cái kết quả xét nghiệm kia. Lục lọi trong ký ức, nó nhớ kỹ lại xem nó đã từng làm ai giận, ai buồn cần phải nói lời thứ tha.

Nó nhớ, lá thư viết gởi thầy nó còn dở dang. Nó nhớ, đã lâu rồi, nó chưa gọi về nhà thăm ba má nó, chắc ba má cũng đang trông nó. Nó nhớ, nhớ nhiều cái còn chưa trọn vẹn, chưa làm xong. Nhiều thứ quá mà chỉ có hai mươi bốn giờ đồng hồ thì làm sao làm kịp. Nó phân vân, lựa chọn nên làm gì trước. Tinh thần nó đang bấn loạn, lộn xộn giữa một mớ bồng bông của sự phân tích, chọn lựa.

Mau lên chứ, vội vàng lên với chứ, ngày xanh kia sắp tàn rồi. Một cái sợ mơ hồ len lõi vào lòng nó. Nó cần ngồi yên, định tĩnh xem mình cần làm gì. Bắt chân kiết già. Nó lại ngồi yên nơi gốc táo. Thở ra, thở vô. Lần này nó thực tập thành công lời dặn của thầy. Đến hơi thở thứ mười, mồ hôi nhễ nhại. Có tiếng gà gáy bên kia đồi. Cái mớ bòng bong kia chợt bỗng tan biến.

Nó giật mình. Ủa, hồi nảy mình ngồi kiết già mà sao bây giờ là nửa kiết già, nửa nằm thế này. Nó nằm trong tư thế kỳ lạ chưa từng. Với tay bấm cái đồng hồ báo thức để đầu giường. Hai giờ khuya. Nhìn sang giường bên cạnh, sư chị Nguyên Tâm còn an lành ngủ.

Một tiếng rưỡi nữa là tới giờ thức chúng rồi. Nó không tài nào chợp mắt được. Tay gác lên trán. Mới là chú tiểu mười ba tuổi mà nó đã thấy mình trong bảy năm sau rồi. Sợ thiệt.

Nằm mơ gì mà y như thật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.