Xung quanh việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã, Đại đức Thích Tâm Hải - Phó ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - góp một góc nhìn.
Thái độ của Phật giáo đối với việc loại trừ tục đốt vàng mã ở nước ta không phải là chuyện mới, mà có từ lâu, được nói và làm một cách quyết liệt thời chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ trước.
Tiêu biểu cho thái độ đó là ý kiến của hòa thượng Tố Liên (1903-1977) về việc cần loại bỏ các hủ tục đốt vàng mã để tỏ lòng hiếu kính trong tín ngưỡng của người Việt.
Một hủ tục ảnh hưởng từ Trung Quốc
Qua bài viết "Nguyên nhân tục đốt vàng mã" (1952), hòa thượng Tố Liên đã nhận định rằng việc đốt vàng mã để tỏ lòng "hiếu kính" với gia tiên, người đã khuất là một hủ tục ảnh hưởng từ Trung Quốc, một thời cũng bị các tăng sĩ ở nước này phản đối. "Trong Phật giáo, đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên".
Trong quá trình vận động, giao thoa và tiếp biến của Phật giáo tại nước ta qua các giai đoạn lịch sử, không thể tránh khỏi hiện tượng pha tạp các tín ngưỡng dân gian cũng như sự xâm thực của một số hủ tục vào sinh hoạt thiền môn; một số điều mê tín dị đoan được khoác lên mình chiếc áo truyền thống tâm linh, với nhiều động cơ khác nhau.
Điều nguy hại là một số hủ tục đi vào trong tâm thức của nhiều người, trở thành loại ứng xử không điều kiện, lại rất dễ lây lan.
Với sự quyết liệt của các vị cao tăng, cùng những cư sĩ trí thức trong cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 đã xua tan những đám mây mê tín dị đoan, làm cho bầu trời văn hóa Phật giáo Việt Nam trở nên trong sáng hơn.
Thành quả đó dễ thấy được qua việc loại bỏ các hoạt động tín ngưỡng không phù hợp ra khỏi các ngôi chùa tại cố đô Huế và ở một số nơi khác.
Đốt vàng mã - Ảnh: Nam Trần
Bắt đầu lại từ các bài học vỡ lòng
Chúng ta còn nhớ gần đây, các cơ quan chức năng đã có văn bản về việc chọn linh vật phù hợp với văn hóa dân tộc, dư luận rộ lên, rồi lại đâu vào đấy, mọi thứ đến nay vẫn theo thị hiếu và sở thích cá nhân của người sản xuất, người đặt hàng.
Tục đốt vàng mã, cũng như các vụ việc mê tín dị đoan khác, còn khó khăn hơn rất nhiều, nếu không có sự quyết liệt. Đây không chỉ là việc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các cơ sở chùa chiền trực thuộc qua một văn bản đề nghị, mà cần có giải pháp cụ thể, có sự ràng buộc trách nhiệm liên đới cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng của nhà nước.
Ở bối cảnh phức tạp của đất nước chúng ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 mà vẫn làm được điều đó thì chắc chắn với những ưu thế của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tương quan hiện tại càng có nhiều điều kiện thuận lợi để làm.
Như Phật đã nhấn mạnh trong một đoạn kinh Pháp cú, mọi thay đổi căn bản phải bắt đầu từ nhận thức. Câu chuyện thay đổi những gì đã đi vào tâm thức, được mang ý nghĩa thiêng liêng như báo ân, báo hiếu... là một câu chuyện dài, cần bắt đầu lại từ các bài học vỡ lòng.
Đừng để nói một đằng làm một nẻo, chẳng hạn cứ cho rằng dâng sao giải hạn là mê tín dị đoan, mà cứ ngang nhiên tổ chức lễ dâng sao giải hạn cho bá tánh; cho rằng cần loại trừ hủ tục đốt vàng mã mà lại chủ trương thỏa hiệp bằng việc xây lò hóa vàng, ngay trong các cơ sở thờ tự!
Phải chăng thay vì suy nghĩ "đến lúc cấm đốt vàng mã", theo tôi, nên bắt đầu bằng việc đã đến lúc cần nhận thức lại các giá trị sống, về sự sống và cái chết, bởi không có cái gì tốt sẵn và cũng không có cái gì xấu hoài, mà phần nhiều là kết quả của giáo dục.
Thích Tâm Hải
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy: Ủng hộ chủ trương không đốt vàng mã Đốt vàng mã quá nhiều sẽ tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, có nguy cơ mất an toàn, gây cháy nổ. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương kêu gọi phật tử và người dân không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo. Còn với các nơi khác không thuộc hệ thống cơ sở Phật giáo, cần có thời gian và phương pháp vận động để thay đổi nhận thức của cộng đồng, từ đó thay đổi hành vi. Bộ không cấm các hành vi thể hiện tín ngưỡng tâm linh một cách lành mạnh. Bởi thay đổi về nhận thức, tập tục phải có một quá trình chứ không đơn giản ở việc ban hành văn bản cấm hay không cấm. Nếu ra văn bản cấm đốt vàng mã thì chưa có căn cứ. Nhưng trước mắt, việc tuyên truyền, vận động tiến tới bỏ việc đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự Phật giáo là việc có thể làm được. V.V.Tuân ghi |
Theo TTO