Buổi sáng lành lạnh. Tôi “thả lỏng” mọi giác quan, mặc lũ chim tha hồ thi nhau hót, mặc cho mấy khóm hoa hồng tỏa mùi hương dìu dịu, những tia nắng đầu tiên của ngày mới xuyên qua lá, đậu trên thảm cỏ xanh mướt…
Cuộc sống luôn kỳ diệu - Ảnh minh họa từ internet
Vào một buổi sáng, tôi thấy trên một cành cây khô một nhúm lá non xuất hiện. A! Cây sweetgum sống lại! Tôi khẽ kêu thành tiếng. Trước đây tôi không có cảm tình gì với cây này, vì toàn cây lớn như cây cổ thụ mà khô khốc không một cái lá. Không một con chim đến đậu ngoại trừ đám quạ đen chỉ ghé qua, kêu mấy tiếng quạ quạ thiếu cảm tình rồi bay đi.
Mấy hôm rồi tôi nghe phong phanh nhà chức trách có quyết định đốn hạ cây. Ngồi trong nhà nghe tiếng máy cưa, máy kéo chuyển động, tôi đinh ninh “thôi rồi hết một đời… cây”, và không buồn ra xem nữa. Sáng hôm sau mới biết, người ta đã đốn hạ cây khác, một cây phượng tím đã mục rỗng ruột có nguy cơ gãy đổ.
Nay cây sweetgum có cơ may sống lại. Từ một nhúm lá non ban đầu, chỉ mấy ngày sau toàn cây bao phủ bởi một màu mạ non của lá cây mới ra đời. Thế là từ đây tôi có thêm một người bạn mới mà trước đây tôi đã đối xử không tốt mặc dù chỉ trên mặt tình cảm. Nhìn cây tràn đầy sức sống, tôi cũng như cảm thấy trẻ lại. Lũ chim dường như cũng cùng tâm trạng giống như tôi, nay đã thi nhau kéo nhau về hót líu lo suốt ngày.
Mỗi ngày tôi lại có thêm bạn mới. Một chú sóc không biết từ đâu tới, ngần ngại nhìn tôi rồi biến mất sau rặng cây. Ngày hôm sau chú lại đến, xem chừng không có gì đe dọa, chú leo lên tuốt đọt cây sweetgum và thả mình trong không trung làm tôi hết hồn. Nhanh chóng chú bám vào một cành cây dưới thấp. Màn nhào lộn còn tiếp diễn vài ngày sau đó với thêm một người bạn của chú nữa.
Những bạn nữa mà tôi không thể không kể đến. Đó là đôi chim nhỏ, rất nhỏ, rất thân thương với cư dân ở đây, và được đặt tên một cách trìu mến: Humming bird. Chúng làm việc từ rất sớm. Khi tôi vừa ngồi, thì đã thấy chúng thay phiên nhau làm tổ. Con này vừa tha về một cọng cỏ khô thì con kia cũng ngậm một cọng cỏ khác chờ đến lượt mình làm tiếp công việc xây tổ. Nhịp nhàng đều đặn cứ thế suốt ngày. Buổi sáng khi tôi chưa ngồi vào chỗ, buổi chiều tối khi tôi vào nhà vì trời trở lạnh, tôi vẫn thấy chúng làm việc không ngơi nghỉ!
Cây sweetgum làm tôi nhớ lại cây “thầu đâu” ở quê tôi nơi Quảng Trị. Gọi là thầu đâu theo tiếng địa phương vì miền Bắc gọi là cây xoan. Cây này cũng được gọi là cây sầu đông, vì nó rụng lá hết vào mùa đông trơ cành trụi cánh khẳng khiu. Trái cây không ăn được, chẳng làm một việc gì khác, đến lũ chim cũng chê vì vị đắng chát. Nhưng hình dáng của trái thì thật tuyệt.
Khi tả khuôn mặt của người con gái đẹp người ta nói khuôn mặt hình trái xoan! Mặc dù công dụng của trái xoan không có nhưng đối với lũ trẻ của chúng tôi thời ấy rất quý: dùng làm đạn bắn nhau! Với cây súng tự chế giản dị, lũ trẻ chúng tôi chơi tập trận giả suốt ngày quên cả mùa hè nóng bức của miền Trung.
Người bình dân Việt Nam hiểu rõ quan hệ giữa cây cối và con người hơn ai hết. Họ không vứt bỏ những đồ dùng nhà bếp hoặc những vật dụng thân thiết khác hư hỏng như bếp lò, chén bát, bình vôi… Họ đặt ở đâu? Họ đặt ở gốc cây đa ở đình làng hoặc ở các gốc cây lớn khác. Họ tin rằng nơi đó vẫn có thần linh ở và họ gởi gắm những vật dụng mà một thời gian đã gắn bó thân thiết với họ. Những ngày lễ Tết, ngày rằm, mồng một nơi này luôn nghi ngút khói hương. Con người xử sự đầy tính nhân văn, thấm đẫm lòng biết ơn như thế!
Về lại quê hương tôi thực sự buồn vì mùa hè năm nay vắng bóng tiếng ve. Còn đâu “tiếng ve kêu râm ran suốt đêm hè” mà nhạc sĩ Trọng Đài ở Hà Nội lưu luyến? Còn đâu những buổi rong chơi tìm xác ve của lũ trẻ chúng tôi, chẳng làm gì cả ngoài việc đếm xác ve xem ai thu lượm nhiều hơn?
Phát triển đường sá, nhà cửa không theo quy luật, phong trào bê-tông hóa, đã ngăn chặn vòng đời của con ve - quyền được sống của một số loài sinh vật. Có ai đã thống kê bao nhiêu loài đã bị hủy hoại như thế. Khi một loài bị xóa sổ, sẽ kéo theo nhiều loài khác nữa đi vào dĩ vãng. Vậy mà từng có lệnh chặt phá hàng loạt cây xanh. Ôi! Sao lại thế? “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Trịnh Công Sơn). Sỏi đá mà còn như thế huống hồ con người và sinh vật?