Mong một ngày hoa tỏa hương…

Giác Ngộ - Sáu vị thủ khoa - sáu gương mặt tiêu biểu trong số 830 tân cử nhân (khóa VII) Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM là những hoa trái trong vườn cây giáo dục Phật giáo thuộc GHPGVN. Người nhỏ nhất 28 tuổi, vị lớn nhất đã 44 tuổi, nhưng tâm nguyện của các vị ấy đồng nhau: dồi dào sức trẻ, mong muốn tu học, hoằng pháp lợi sanh. 

>> Tin tức Tốt nghiệp cử nhân khóa VII và khai giảng khóa IX Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Chuyên mục 30 năm GHPGVN kỳ này dành riêng cho họ, đại diện cho hàng trăm Tăng Ni trẻ đồng trang lứa đã kết thúc một chặng đường tu học, giờ mới thực sự dấn thân hành đạo theo hạnh nguyện của từng cá nhân…

BTN_0028.JPG
Từ trái qua: SC.Thích nữ Huệ Hải, SC.Thích nữ Duyên Liên, ĐĐ.Thích Thường Tuệ, ĐĐ.Thích Nguyên Tựu, SC.Thích nữ Phương Liên, SC.Thích nữ Liên Thư  - Ảnh: B.Toàn

Sáu vị thủ khoa ấy là ĐĐ.Thích Thường Tuệ (khoa Phật giáo Trung Quốc, 40 tuổi, chùa Bửu Thọ, Kiên Giang), ĐĐ.Thích Nguyên Tựu (khoa Triết học Phật giáo, 29 tuổi, chùa Bửu Liên, TP.HCM), SC.Thích nữ Huệ Hải (khoa Lịch sử Phật giáo, 28 tuổi, chùa Hải Vân, TP.Vũng Tàu, BR-VT), SC.Thích nữ Liên Thư (khoa Phạn-Tạng, 34 tuổi, tịnh xá Ngọc Tâm, Long An), SC.Thích nữ Phương Liên (khoa Phật giáo Việt Nam, 42 tuổi, tịnh xá Ngọc Chơn, Vĩnh Long) và SC.Thích nữ Duyên Liên (khoa Pàli Đông Nam Á, 44 tuổi, tịnh xá Ngọc Chơn, Vĩnh Long).

Khi được hỏi về hạnh nguyện xuất gia cũng như hành đạo của quý thầy, quý cô, đặc biệt là sau cột mốc tốt nghiệp cử nhân Phật học thì ai cũng hoan hỷ chia sẻ những dự định, tâm nguyện dấn thân của mình.

Thầy Thường Tuệ, vốn là người đã quen với nhiều công tác xã hội nhờ tham gia Ban Đại diện Sinh viên của trường cũng như đã từng học, tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Do vậy nên thầy có nhiều trải nghiệm cũng như vốn liếng ngoại ngữ trong nghiên cứu, đặc biệt là sách Phật học nước ngoài. 

BTN_0014.JPG   BTN_0019.JPG

ĐĐ.Thường Tuệ (trái) & ĐĐ.Nguyên Tựu - Ảnh: B.Toàn

Thầy bộc bạch, đã là tu sĩ thì lý tưởng cao cả nhất chính là học pháp, hành pháp, đem chia sẻ kiến thức cũng như những kết quả hành trì của mình từ việc học cho mọi người, để ai cũng được bớt và hết khổ.

Về con đường sắp tới, thầy Thường Tuệ cho biết sau Tết này sẽ du học ở Ấn Độ với mong ước sẽ học được nhiều hơn những kiến thức Phật học, từ đó có chất liệu cho sự tu tập, hành trì, giúp đời, giúp người.

Cũng đồng tâm nguyện với ĐĐ.Thích Thường Tuệ, ĐĐ.Thích Nguyên Tựu cho biết cũng đã từng tham gia những lớp dịch kinh. Qua những lời kinh, lời dạy của cổ đức (từ công việc cũng như từ những năm ngồi trên ghế nhà trường) mình học được rất nhiều. 

Thầy nhấn mạnh: “Tu học song hành chính là ở chỗ đó, ở chỗ mình vừa học (đón nhận những kiến thức mới) vừa soi lại mình từ những chân giá trị cao thượng mà Phật, Tổ, các bậc thầy đã rút ra, giảng giải, trao truyền. 

Con đường phụng sự của vị tu sĩ 29 tuổi này còn dài bởi theo dự định của thầy, có thể sẽ sang Thái Lan để học tiếp những bậc học cao hơn trong biển kiến thức của Phật giáo, nhưng chuyên ngành mà thầy chọn là Pàli, “để có thể tiệm cận những lời Phật dạy từ chính kinh điển Nguyên thủy, để hiểu sâu sắc những truyền thống của đạo Phật mình”.

“Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, Sư cô Thích nữ Huệ Hải đã nhắc lại ý niệm chung của người tu Phật. Đó cũng là kim chỉ nam cho người tu trẻ, 28 tuổi, niệm điều đó để nhắc mình và nhắc người rằng sự học cần thiết, nhưng sự tu là cứu cánh, bởi nếu học mà không tu thì cũng không thể nào giải thoát, giác ngộ. 

“Mà mình không giải thoát thì có thể cứu được ai?”, Sư cô Huệ Hải trăn trở, để rồi khi được thầy tổ khuyến khích ở lại TP.HCM tiếp tục học những chuyên môn khác thì cô chọn sẽ học lớp phiên dịch. Tuổi trẻ, việc học là cần thiết để mình có tư lương và như cô khẳng định: “Mình học, hành Phật pháp rồi sẽ tùy duyên mà giúp đời, hóa độ chúng sinh”.

Với Sư cô Liên Thư, điều mà cô mong ước, gửi gắm đối với Giáo hội chính là Phật giáo Việt Nam nên mở những hệ đào tạo chuyên sâu các chương trình Phật học. Từ đó, Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp học viện không phải bôn ba đi học nơi xứ người, và đó cũng là trực tiếp đào tạo ra thế hệ kế thừa.

BTN_0011.JPG  BTN_0017.JPG

SC.Huệ Hải (trái) & SC.Liên Thư - Ảnh: B.Toàn

Cũng theo cô Liên Thư, bất cứ tu sĩ nào ra đi đều muốn trở về Việt Nam để phụng sự, hành đạo, truyền bá Chánh pháp nhưng điều trăn trở là môi trường cho những người học trở về có hay không? “Thiết nghĩ, Giáo hội cũng nên có chính sách thu hút Tăng tài, khuyến khích quý vị trở về chứ đừng thụ động ngồi chờ học Tăng quay về, mà nhiều khi họ về lại không biết làm gì cho tương thích thì lại vô tình làm thui chột nhiệt huyết của người muốn cống hiến”, Sư cô Liên Thư chia sẻ.

Điều đặc biệt là hai chị em sư cô Phương Liên - Duyên Liên (đến từ tịnh xá Ngọc Chơn, Vĩnh Long) đều đạt vị trí thủ khoa và cả hai vị đều có tuổi trên 40. Kết quả ấy là cả một quá trình học, cố gắng hết mình, với nhiều trăn trở cống hiến, tìm tòi học và hành của hai cô. 

Cả hai cô được sinh trưởng trong chiếc nôi giáo dưỡng của thầy tổ, rằng: “Thầy của trò không cho đệ tử đi học sớm mà thời gian đầu ở trong chúng, lo trau dồi giới hạnh, đạo đức…”. Về sau, khi cả hai cô thoát ly đi học trung cấp Phật học, rồi đến học Học viện Phật giáo thì những giá trị từ việc hành trì giới hạnh tinh chuyên từ thầy bổn sư đã giúp quý cô ngộ ra nhiều điều.

Sư cô Duyên Liên cho biết: “Khi đó, mình nhận ra, nếu học và làm bài tiểu luận hoặc chia sẻ Phật pháp với Phật tử mà mình chỉ có kiến thức thì sẽ nói suông, không thể giúp người ta bớt khổ. Nên mình cần phải thực tập những điều mình học, trong mỗi giờ lên lớp, mỗi bài tiểu luận…”.

BTN_0001.JPG  BTN_0012.JPG

Sư cô Phương Liên (phải) & SC.Duyên Liên - Ảnh: B.Toàn

Rồi thì từ những điều đã học, đã hành, đã cùng với thầy mình làm đạo, từ những khóa tu tại đạo tràng.

Hai sư cô Phương Liên, Duyên Liên có chút lo lắng về tuổi tác nếu như có học thêm những bậc học cao hơn nhưng nếu nhân duyên tới thì mình cứ thuận duyên trong hạnh nguyện dù đi đâu, làm gì thì cũng không ngoài mục đích: xiển dương Phật pháp, giúp cho mình và người thoát bể khổ sinh tử luân hồi…

***

Sáu vị tu sĩ, thủ khoa, tân cử nhân Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã ngồi để chia sẻ, để nói trọn lòng mình và theo như quý thầy, quý sư cô ấy thì đó là tâm nguyện chung của bất kỳ ai khoác áo tu sĩ.

Rõ ràng, với quý thầy, quý sư cô, việc học, việc tu, hành đạo, giúp đời, cứu khổ đã trở thành tâm nguyện giúp cho người tu đi trọn con đường. “Trong đó, việc trở lại phụng sự đạo, cứu chúng sanh cũng chính là con đường để người tu bước lên con thuyền thanh lương, trở về bến giác”, cả sáu vị đã thống nhất với nhau như thế trong cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi ngay sau ngày nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Phật học.

Quý thầy, quý cô chính là thế hệ kế thừa, tiếp nối một chặng đường của Phật giáo Việt Nam sau 30 năm hình thành, phát triển.

Riêng với chúng tôi, chúng tôi vẫn mong được có cơ hội lắng nghe tâm nguyện của những vị tân cử nhân về các chương trình hoạt động cụ thể, về những kế hoạch tạo nên sức sống tại những ngôi chùa mà quý vị đã phát tâm sơ xuất gia; những kế hoạch, chương trình thiết thực gắn bó với các cơ sở Phật giáo, nơi những quê nghèo, nơi miền cao nguyên, với bà con Phật tử, nhất là với giới trẻ, bởi chính họ là người hiểu những nơi đó, rõ nỗi ước ao học và tu Phật của đồng bào những nơi đó hơn ai hết.

Chúng tôi mong những bông hoa này sẽ tỏa hương; hương thơm từ đạo hạnh, từ chất lượng các hoạt động Phật sự vì lợi lạc chung, vì sự phát triển của Giáo hội trong tương lai…

Chúng ta có thể tự tin để nói rằng ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định trong sự nghiệp trồng người. Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã có những đóng góp tuy khiêm tốn nhưng rất thực tiễn và có ý nghĩa cho giáo dục Phật giáo nói riêng, nền giáo dục Việt Nam nói chung. Bởi lẽ, như người ta quan niệm, giáo dục làm nên văn hóa.

Văn hóa chỉ sẽ tốt đẹp và thăng hoa khi có một nền giáo dục hoàn thiện và cân đối. Tiêu chí của giáo dục Phật giáo là nhắm đến giáo dục con người toàn diện, bao gồm hạt nhân đạo đức và trí tuệ. Thiếu một trong hai nhân tố này, văn hóa của con người sẽ trở nên khập khễnh, loạng choạng và cực đoan.

Với chương trình đào tạo được xây dựng trên nền tảng cốt lõi của đạo Phật là con đường Bát chánh đạo, còn gọi là giới đức (đạo đức), tâm đức (thiền định) và tuệ đức (trí tuệ), chúng ta có thể nhận thấy rằng giáo dục Phật giáo đã và đang có cống hiến cho xã hội Việt Nam những con người đầy đủ đức độ và trí tuệ để phục vụ Giáo hội, đất nước.

Đặc biệt khi nền văn hóa nhân bản, nhân văn của các quốc gia trên thế giới bị bào mòn bởi cơn bão toàn cầu hóa thiên nặng về vật chất, thực dụng, hưởng thụ, chúng tôi tin tưởng rằng nếu được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong nền giáo dục quốc dân, giáo dục Phật giáo có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội Việt Nam trong việc bảo tồn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt…

HT.THÍCH TRÍ QUẢNG

Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM
phát biểu tại Lễ  tốt nghiệp cử nhân Phật học  khóa VII
và khai giảng khóa IX HVPGVN tại TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.