Mong con sống bình an…

GN - Nhân chuyến đến thăm Mái ấm tình thương, trẻ mồ côi chùa Long Phước, thị xã Bạc Liêu, tôi có cảm nhận rằng, mỗi khi các bậc cha mẹ mang con đến bỏ cho chùa, họ đều có rất nhiều lý do và hoàn cảnh khác biệt để dứt bỏ con mình. Thậm chí có những bà mẹ chỉ mới ở độ tuổi 16, 17, cái tuổi mà người ta cho là ăn chưa no, lo chưa tới…

Mẹ đã cho con sự sống

Giờ đây, khi đong đầy nước mắt, các bà mẹ mới nhận ra rằng: Đó là những gì mẹ không thể nào quên. Vẫn biết còn có nhiều sự chọn lựa khác, nhưng vì còn nghĩ đến con nên mẹ vô cùng lo sợ khi nghĩ đến những chọn lựa đó.

DSC_0144.JPG

Những em mồ côi sống ở chùa luôn được nâng niu - Ảnh: H.D

Tình yêu của mẹ dành cho con ngay khi sự sống của con bắt đầu. Và dù rằng, cuộc đời của con mẹ đã dứt bỏ nhưng tình yêu đó là vô cùng. Rồi đây, tiếng gào trong câm nín sẽ đánh thức các bà mẹ trong bóng đêm để than khóc cho sự mất mát và sự trống vắng của một đứa trẻ thơ mà mẹ đã tạo ra hình hài.

Nếu quả thật những người mẹ bỏ con không có một chút gì nghĩ đến con, thì trước khi sinh con, các mẹ đã dùng những loại thuốc, uống để hủy hoại thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Nếu như phương pháp này không thành công thì chắc chắn khi đứa con ra đời sẽ chịu ảnh hưởng, sẽ khiến đứa con có những dị tật, mà như thế thì thiếu công bằng với đứa trẻ.

Dù có trăm phương hay ngàn kế để giải quyết vấn đề thì cuối cùng mẹ vẫn không thể giữ được con cho mình. Mặt khác, cả cha và mẹ đều không có khả năng để nuôi con. Làm sao mẹ chịu được cảnh sinh con ra rồi nuôi con trong muôn vàn sự túng thiếu. Con yêu của mẹ, nỗi đau mà cha mẹ đã gây ra cho con dù ngoài ý muốn nhưng cha mẹ sẽ phải vương mang cho đến cuối cuộc đời này.

Dù với lý do nào thì bỏ con cũng là điều luôn luôn bị xã hội lên án. Bởi lẽ đã có những gia đình rất nghèo nhưng họ cố gắng nuôi con trong cảnh khốn khó. Đó là quan niệm của số đông trong xã hội đời thường.

Vậy, qua lăng kính của Phật giáo, chúng ta nhìn nhận như thế nào về vấn đề này, phải chăng đó là “nhân”, là “duyên”, là “quả” hay là “nghiệp lực”…?. Cái mà người đời cho là: số phận, là vô duyên, hay bạc phước, kém may mắn hoặc bất hạnh v.v...

Cho dù là duyên hay quả do các trẻ đã cộng nghiệp từ đời trước, hay là nghiệp bởi cha mẹ của trẻ vừa mới tạo ra thì cũng bằng tất cả tấm lòng từ bi cứu khổ của đạo Phật, bằng hạnh nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm, qua tinh thần ưu đời mẫn thế, vô ngã vị tha, chúng ta hãy giúp họ có cơ hội nhìn lại với chính mình. Và, hãy dành cho các trẻ những điều kiện tốt nhất để cho các cháu được thay da, đổi thịt trong một môi trường sống tốt, hãy chắp cánh cho các trẻ vươn lên trong đời. Đừng vì một định kiến nào đó trong xã hội mà làm ảnh hưởng đến bổn hoài và hạnh nguyện của chúng ta (Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ). Đức Phật cũng có nói: “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật” và lời thệ nguyện của Bồ-tát Địa Tạng:“Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ-đề”.

… Vào chùa con sẽ được làm người

Con chim biết tha mồi về tổ để mớm cho con, huống chi là người đã chín tháng cưu mang thì làm sao những bà mẹ này không đau lòng, không xót dạ khi phải đành lòng dứt bỏ con mình trong một hoàn cảnh vô cùng bức ngặt. Chắc chắn họ đã đong đầy nước mắt, quặn thắt niềm đau, và luôn luôn bị lương tâm giày vò, xâu xé. Họ sẵn sàng chấp nhận nén lòng mình lại, tạm gác niềm đau và phải mang tiếng đời, để cho con vào chùa. Để con được làm người, có điều kiện sống tốt hơn, một tương lai tươi sáng hơn, chi bằng để cho đứa trẻ sống với họ trong cảnh cơ hàn đói rách.

DSC06810.JPG

Mong con sống làm người thiện lành - Ảnh: CTV

Đồng cảm lắm, thông cảm lắm cho những người đã từng làm cha mẹ của những đứa trẻ vô cùng bất hạnh này, chúng tôi không vội vàng trách móc họ bởi vì, mỗi quyết định của con người đều có một lý do riêng và nỗi khổ riêng. Chúng ta không ở trong hoàn cảnh của họ nên không biết rõ được rằng lúc đó họ như thế nào. Dứt bỏ một đứa con không phải chuyện dễ dàng, tôi nghĩ họ cũng sẽ phải trải qua những cung bậc của cảm xúc, đáng buồn nhưng cũng đáng trách thật.

Với tôi, có thể vì yêu thương con nên họ mới quyết định tìm đến cửa chùa, một mái nhà lớn để phó thác con mình, mong sao cho đứa trẻ có được cuộc sống ấm no, an lành, và hạnh phúc dưới sự thương yêu, che chở, bảo bọc của quý thầy và sự chăm lo chu đáo tận tình của các cô bảo mẫu.

Nếu những người cha mẹ ấy không mang những đứa trẻ vào đây sớm thì chuyện gì sẽ xảy ra và cuộc đời của các cháu sẽ đi về đâu. Có phải chăng, chúng sẽ lang thang bụi đời, lượm ve chai, hay móc bọc ni lông, đi bán vé số, làm thuê, sanh tâm trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, xì ke chích hút… khi chúng sống trong một môi trường vô cùng phức tạp, thiếu sự giáo dưỡng của gia đình. May mắn lắm, chúng đã được vào chùa từ khi tuổi còn non nớt, chưa bị ô nhiễm, chưa dính bụi trần.

Ngày hôm nay các trẻ đã được tạo ra bởi tinh cha, huyết mẹ, với sáu căn đầy đủ, được nghe Chánh pháp, được gặp chư Tăng và hạnh phúc hơn thế nữa là: các cháu được bơi lội, được tắm mình trong môi trường đạo pháp. Được sự quan tâm chăm sóc, được ăn no, mặc đẹp, cắp sách đến trường, tạo nghề và hướng nghiệp, để trang bị và vun đắp cho mình có một gia đình. Một mái ấm thật bình yên và thật hạnh phúc. Nếu có đủ duyên với Phật pháp thì các cháu sẽ được xuất gia học Phật, được hãnh diện đi trên con đường giải thoát và giác ngộ cho bản thân.

Và đặc biệt, tôi muốn nói là sự ảnh hưởng rất lớn đối với các cháu là vấn đề đạo đức, nhất là đạo đức Phật giáo. Đấy cũng là phần phúc của các cháu mồ côi khi được cưu mang trong môi trường nhà Phật, được làm người thiện lương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.