GN - Về nguyên tắc, vị Tỳ-kheo nguyện sống đời tối giản, muốn ít và biết đủ trong bốn vật dụng (thực phẩm, y phục, sàng tọa, thuốc men) và một số vật tùy thân cần thiết khác để có nhiều thảnh thơi mà chuyên tâm thiền định và thuyết pháp độ sinh. Thế nhưng trong thực tế không phải người tu nào cũng an trú vào chánh niệm, sống sâu sắc với thiền mà đôi khi cũng khởi tâm mong cầu, thỉnh thoảng cũng rơi vào loạn tưởng.
Tu theo Phật chỉ ba y, một bát, sống phạm hạnh để giải thoát
Thực ra, việc đánh mất chánh niệm không phải là chuyện lạ đối với người tu. Tâm hoang vu dấy khởi theo nghiệp, tâm bị mất kiểm soát vẫn thường xảy ra. Quan trọng là khả năng tỉnh thức, quay về an trú trong chánh niệm. Nếu khả năng thức tỉnh yếu kém, sa đà theo vọng tưởng loạn động thì tâm mong cầu, ái nhiễm bắt đầu lấn lướt hoành hành. Xét theo khía cạnh đời thường, những sự mong cầu như ăn ngon, mặc đẹp là chính đáng nhưng trong nhà đạo thì đó là tham. Nếu không chuyển hóa tâm tham thì người hộ trì không hoan hỷ, thiên thần quở trách hoặc chê cười.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, sống trong một khu rừng. Tỳ-kheo kia tự nghĩ như vầy:
- Nếu được kiếp-bối tốt, dài bảy khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay để may cái y xong, ta vui tu thiện pháp.
Lúc đó có vị Thiên thần nương ở trong rừng này tự nghĩ:
- Đây không phải là pháp Tỳ-kheo, ở trong rừng mà tư duy hy vọng y tốt.
Khi ấy Thiên thần hóa thành một bộ xương, múa trước Tỳ-kheo kia và nói kệ:
Tỳ-kheo nghĩ kiếp-bối
Bảy khuỷu rộng sáu thước
Ngày thì tưởng như vậy
Đêm tư duy cái gì?
Lúc ấy, Tỳ-kheo kia lòng kinh hãi, thân sợ run, nói kệ:
Thôi! Thôi! Không cần vải
Nay đắp y phấn tảo
Ngày thấy bộ xương múa
Đêm lại thấy gì đây?
Sau một phen tâm kinh sợ, Tỳ-kheo kia liền chánh tư duy, chuyên tinh tu tập, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1359)
Hình ảnh vị Tỳ-kheo đắp trên mình y phấn tảo (vải gai thô ráp), ngồi mơ về một chiếc y kiếp-bối (một loại lụa cao cấp trơn láng, mịn tốt) gợi cho chúng ta suy ngẫm nhiều điều. Những chuyện đại loại như vậy ngày nay chúng ta thấy cũng khá nhiều nhưng ngày xưa, thời Chánh pháp, mộng mơ tham cầu như thế thật chẳng nên tí nào. Mà không nên vọng cầu như thế thật, vì mong y tốt mà chểnh mảng thiền định thì thật uổng phí.
Khi vị Tỳ-kheo vừa khởi lên vọng tưởng mong một chiếc y tốt thì ngay lập tức chư vị Thiên thần xung quanh liền biết được. Biết rồi họ biểu lộ sự không phục. Tu mà không lo biết đủ, mong cầu hoài thì biết lúc nào mới vừa ý. Điều mà Thiên thần suy luận cũng rất đáng ngẫm, “ban ngày mà suy nghĩ như thế thì ban đêm không biết mơ tưởng đến cái gì”. Cũng may vị Tỳ-kheo liên tưởng đến việc “ban ngày mà đã hiện ra bộ xương gớm ghiếc như thế thì ban đêm trong rừng vắng này họ sẽ xuất hiện kinh hãi biết dường nào” nên phát tâm tu tập, đoạn trừ tham ái và chứng đắc Thánh quả.
Thành ra, trong sự tu hành, nếu được Thiên thần nhắc nhở, cảnh tỉnh thì thật phúc duyên. Thiên thần cũng chính là những người đang ở quanh ta, là tứ chúng đệ tử luôn soi sáng và trợ duyên cho ta trong tu học hàng ngày. Phải học theo vị Tỳ-kheo kia, sau chấn động “liền chánh tư duy, chuyên tinh tu tập, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán”.