Món ăn “thương hiệu”

Bó xổ chay
Bó xổ chay

GN - Vào ngày mồng một và rằm mỗi tháng, Sư cô ở tịnh xá Ngọc Chơn (Tây Ninh) gần nhà tôi đều mang tới gửi cho dì Huệ một ít đòn bó xổ chay để dì phân phối cho mọi người, trong đó có má tôi.

Dì Huệ là một Phật tử thuần thành, năng nổ trong việc gắn kết mọi người với Phật pháp. Dì thường xuyên tổ chức những chuyến đi chùa vào những ngày đầu và giữa tháng, thỉnh thoảng có những chuyến đi xa hành hương về tịnh xá Trung Tâm hoặc tận Vũng Tàu.

Tịnh xá Ngọc Chơn nằm gần cửa khẩu Mộc Bài, Sư cô trụ trì ít nói, chỉ cười hiền nhưng nấu chay thì rất ngon. Người tới tịnh xá lúc nào cũng được đãi các món chay, có khi là bánh canh, bún riêu... tùy loại nhưng món chay Sư cô làm lúc nào cũng thanh khiết, không nêm bột ngọt chỉ dùng rau củ quả để tạo vị ngọt cho nước dùng. Đến một lần rồi quen hơi bén tiếng, thế là có những lần tiếp theo, không khi nào tới chùa mà không được đãi một món ngon nào đó theo mùa. Mỗi khi tổ chức khóa tu một ngày, Sư cô đều chuẩn bị ăn uống chu đáo để mọi người chuyên tâm nghe pháp và ngồi thiền.

Tịnh xá ban đầu chỉ mái tranh vách lá nhưng qua sự kiên trì tu bổ của Sư cô và Phật tử, nay đã được xây dựng khang trang. Mỗi khi có dịp ghé về chùa tôi hay ngồi trên ghế đá phía dưới giàn lan đang trổ hoa để hít thở hương thơm trong lành tinh khiết, hướng nhìn về những chậu sen ở giữa sân đang tỏa ngát vị thanh tao, hương gió từ cánh đồng trước mặt phả vào người mùi của đất sau mưa, của cỏ non nồng nồng chan chát, những kỷ niệm ấu thơ bất giác tràn về như luồng nước mát làm trôi sạch hết những buồn phiền lo toan tất bật của đời sống thường ngày.

Hôm tôi đến thăm, Sư cô đang cần mẫn gói những đòn bó xổ chay, giống như chả lụa, có thể ăn sống hoặc đem chiên lại rồi kho sả ớt hoặc trộn chung với nhiều loại rau củ thành một món xào thập cẩm rất ngon. Bó xổ của Sư cô làm rất thơm mùi tàu hủ đặc trưng, rất dai và thanh đạm. Lần đầu được ăn món này, má tôi khen ngợi: “Giống hệt hương vị của mấy mươi năm về trước khi người ta không xài hóa chất thế vô cho có mùi vị”.

Những ngày Tết, Sư cô còn phải làm gấp đôi, gấp ba ngày thường vì ai cũng tranh nhau đặt hàng, họ bảo: “Giờ ăn cái gì hay mua cái gì ngoài chợ cũng sợ người ta làm không sạch. Chỉ có mua của Sư cô là an tâm mà còn rất ngon”. Sư cô nghe rồi cũng cười vì cô làm thực phẩm bằng cái tâm trong sáng, mình ăn được thì mọi người cũng phải an tâm khi dùng bánh trái do mình làm ra. Lời lãi đâu có quan trọng vì nấu ăn là sở thích, được làm những món ngon và sạch cho mọi người dùng là niềm vui của Sư cô.

Ngoài ra, Sư cô không nỡ để niềm tin vừa tạo dựng nơi người đời chợt lịm tắt khi người ta không còn biết tin vào đâu, vào ai khi đồ ăn thức uống hàng ngày đã không còn an toàn. Duy có cửa chùa còn lưu lại chút lương tâm thuần khiết trong thời buổi nhiễu nhương thật giả khó phân. Tận sâu trong lòng những Phật tử, đến với Sư cô vì họ có niềm tin yêu dù nhỏ bé đối với những món ăn mang “thương hiệu Sư cô”, những nụ cười hồn hậu, những lời khen chất phác, thật thà không cần ai tô vẽ tự bản thân đã ngầm nói lên sự vô giá của niềm tin họ đặt vào cửa chùa.

Cuộc sống cứ từng ngày trôi qua trong bình dị, những ngày rằm, mồng một đều đặn má tôi tới chùa lễ Phật và ủng hộ một ít những món quà bánh chay của Sư cô. Đôi khi tôi hỏi vô tình “Má ăn không ngán hả?!”. Má cười, “Thích mấy món của Sư cô làm, vì còn chút hương vị xưa thuần chất”. Nếu một ngày nào đó không còn những điều giản đơn này, thì chút đóng góp nhỏ bé tinh khôi của Sư cô xin giữ mãi với thời gian, như nụ hoa bình thản trước gió, rụng rồi lại nở đóa vô ưu. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.