Mối liên hệ giữa kinh Nguyên thủy & kinh Hoa nghiêm

Bài giảng ngày 3-3-2019 tại Học viện Phật giáo TP.HCM

GN - Xét về mặt học thuật, có thể nói tạng Nguyên thủy là nguồn gốc của Phật giáo, nhưng xét về sự tu chứng thì kinh Hoa nghiêm được coi là bộ kinh đầu tiên Phật nói. Vì vậy, làm sao chúng ta kết hợp hai tư tưởng này với nhau.

Đầu tiên chúng ta học kinh Nguyên thủy, nhận thấy chủ yếu Đức Phật giảng pháp cho các Tỳ-kheo và các Phật tử tại gia, nghĩa là Đức Phật nói pháp cho loài người. Nhưng kinh Nguyên thủy hay kinh Đại thừa đều khẳng định rằng ngoài loài người còn có tứ sanh lục đạo là các loài khác. Và khi Đức Phật thuyết pháp cho các loài khác, chúng ta không nghe được, nên không ghi chép được.

Phathoc.png

Và trên tứ sanh lục đạo có tam Hiền, thập Thánh mà kinh Nguyên thủy cũng ghi nhận sự hiện hữu của họ. Tam Hiền thập Thánh cũng là người, nhưng điểm ưu việt của họ về trí tuệ, đức hạnh, phước báu, đạo lực, tu chứng… vượt hơn những người khác. Thật vậy, thực tế cho thấy tuy cùng là người, nhưng cũng có sự khác biệt, có người thông minh, có người chậm hiểu, có người học cũng không hiểu. Thậm chí những người cùng học một trường, cùng học một lớp, việc học hoàn toàn giống nhau, nhưng mỗi người đạt kết quả khác nhau, vì khác ở hiểu biết, khác khả năng tiếp thu, nhận thức… Vì vậy, trong hàng xuất gia cũng chia làm ba cấp bậc là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Hàng chưa học mà hiểu là Bồ-tát. Hàng Duyên giác học ít hiểu nhiều và hàng Thanh văn, học bao nhiêu hiểu bấy nhiêu. Điều này thể hiện rõ nét trong hàng đệ tử của Đức Phật. Điển hình như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là hai người bạn thân, nhưng hai vị này có hiểu biết khác nhau, hoặc sở tu sở chứng của Ưu Ba Ly không giống Ca Diếp… Nói chung, các vị Thánh La-hán có quả vị La-hán đồng nhau, nhưng tuệ lực thì khác nhau.

Cần có tầm nhìn xa hơn mới thấy được sự tu chứng trong đạo Phật là điều chính yếu, chứ không hạn hẹp ở sự hiểu biết suông về lý thuyết. Từ yếu lý này, nhiều điều mà tạng Nguyên thủy không ghi, hay chỉ ghi nhận sự kiện thực tế thôi, nhưng với huệ nhãn hay pháp nhãn của người có trình độ chưa học mà đã hiểu thì thấy khác, thấy sâu xa hơn.

Khởi đầu, kinh Nguyên thủy ghi Đức Phật ngồi ở cội bồ-đề thành Vô thượng Chánh đẳng giác là Ngài biết được tất cả kiếp quá khứ của Ngài, biết được tất cả hiện tượng xảy ra trong cuộc đời và Ngài biết cả những diễn biến trong tương lai. Thành Phật phải có sự hiểu biết chính xác và trọn vẹn như vậy. Ngoài ra, thành Phật cũng là con người đó, nhưng khác với lúc chưa thành Phật. Kinh Nguyên thủy ghi rằng đầu tiên Phật đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như. Nhưng quan trọng là chúng ta thấy thêm yếu lý tiềm ẩn trong sự kiện vật chất, đó là điều mà Đại thừa triển khai.

Khi Phật tới, năm anh em Kiều Trần Như nghĩ rằng không cần tiếp đón Sa-môn Cù Đàm, vì người này không tu nổi, đã ăn uống bình thường và còn nói chuyện với đám con nít.

Họ định không tiếp Phật, nhưng điều này được kinh Đại thừa triển khai rằng họ làm lơ, không tiếp Phật trên thực tế, nhưng các ông nhìn hướng nào cũng thấy Phật, nghĩa là Phật này đã ở trong tâm các ông. Vì vậy, tâm các ông nghĩ không đón tiếp Sa-môn Cù Đàm, nhưng nghĩ như vậy là hình ảnh thánh thiện của Phật đã lọt vô lòng các ông rồi. Nói cách khác, đó là sự yên lặng như Chánh pháp. Từ yếu nghĩa này, Đại thừa thường đề cập đến thuyết pháp trong thiền định, không nói mà nói, không nghe mà nghe. Không nói mà nói là nói trong thiền định và không nghe mà nghe là nghe bằng tâm mới là điều quan trọng nhất đối với người tu.

Thực tế cho thấy nhiều khi giảng đường chỉ có vài chục Phật tử mà họ ồn ào nói đủ thứ chuyện. Trong khi Đức Phật ngồi ở tịnh xá có hàng ngàn người nghe pháp. Vua A Xà Thế tới thấy hội trường hoàn toàn yên lặng, vì các Tỳ-kheo đang ngồi thiền, đang nhập định; bấy giờ thầy trò gặp nhau trong định, nên Phật thuyết pháp trong định rất quan trọng. Nếu ngồi thiền mà không nghe được pháp âm bị Tổ quở là than nguội củi mục, không đạt được kết quả tốt đẹp. Cốt lõi của Phật giáo Nguyên thủy là các thầy ngồi thiền phải có Chánh niệm mới có Chánh định mới nghe Phật thuyết pháp trong định.

A Xà Thế thấy hàng ngàn Tỳ-kheo yên lặng, Phật cũng yên lặng, bấy giờ Đại thừa nghĩ thêm chẳng lẽ Phật và đại chúng ngồi không. Nếu rơi vào tình trạng ngồi không thì chúng ta thấy trong thực tế có các đạo tràng tu mà không chứng, nên ngồi thiền một lúc họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không muốn ngồi thiền nữa. Nhưng thực tu vào định, nghe Phật thuyết pháp được và sống với niềm hỷ lạc đó.

Tôi có trải nghiệm này, nhiều năm trước ở chùa chỉ có một thầy một trò trong đêm thanh vắng, tôi nghe tiếng tụng kinh. Tôi hỏi Hòa thượng: Con không thấy ai, nhưng nghe tiếng tụng kinh. Hòa thượng nói Tổ tụng kinh. Trên bước đường học đạo, trong cảnh thanh vắng, tâm chúng ta cũng thanh vắng và chúng ta vào Chánh định nên bắt gặp được âm thanh của người trụ Chánh định. Vì vậy, Tổ và Phật nhập định cả ngàn năm, nhưng khi chúng ta vào Chánh định cũng nghe được các Ngài.

Nghe Phật thuyết pháp mới quan trọng. Trí Giả nói không nghe ngôn ngữ nhưng nghe pháp ngữ nghĩa là bình thường chúng ta nghe Giáo thọ sư giảng dạy bằng ngôn ngữ chỉ để gợi ý cho chúng ta và trở về phòng, khi chúng ta vào Chánh định thì những yếu nghĩa tự sáng ra trong tâm trí mình. Trí Giả phát hiện lý này, ngài nói hội Linh sơn chưa tan, dù ngài sống cách xa Phật đã 1.000 năm, vì trong Chánh định, ngài thâm nhập được hội Linh Sơn mới nghe được Phật Thích Ca thuyết pháp, nên ngài nói không nghe mà nghe là nghe bằng tâm yên tĩnh, tức có Chánh niệm, Chánh định mới nghe pháp âm Phật.

Theo Trí Giả, có các trường hợp nghe như sau. Một là các thầy nghe mà không nghe nghĩa là không để ý nghe, không lóng nghe, ngồi trong lớp nghe bằng tai nhưng không nghe bằng tâm. Nếu nghe bằng tai và thấy bằng mắt là không thấy Phật và không nghe được pháp thì tu cả đời vẫn là phàm phu. Vì vậy, cái nghe thứ hai quan trọng hơn, chúng ta nghe bằng tai và những gì nghe được đều chui vào tâm mình. A Nan thuộc hạng này, ngài nghe Phật nói pháp bằng tai và ghi nhớ, lưu trữ toàn bộ trong tâm, nên ngài kiết tập được lời Phật dạy không sót, được tôn kính là bậc đa văn đệ nhất.

Riêng tôi nhờ thực tập pháp tu này, phát huy được tuệ giác. Tất cả những gì tôi học đều trở thành đề tài lớn mà suốt đời tôi luôn suy nghĩ, trong yên lặng tôi vẫn suy nghĩ, tìm ra những yếu lý của pháp Phật.

Chúng ta là Thanh văn nhờ nghe pháp bằng tai và lưu giữ được trong tâm để tiến tu đạo hạnh. Còn nghe pháp không vô tâm thì xếp vào hạng chỉ nghe ngôn ngữ, không nghe pháp ngữ, nên khi lời giảng dạy của Giáo thọ sư chấm dứt thì pháp cũng bay mất, quả là uổng phí đời tu và cô phụ sự giáo dưỡng của thầy, tổ.

Và cái nghe thứ ba của Bồ-tát không nghe ngôn ngữ, nhưng nghe được pháp ngữ là nghe trong thiền định. Hai nhà sư đắc thiền nói với nhau trong thiền định chính xác hơn là nói bên ngoài. Điển hình là sự gặp gỡ tương thông kỳ diệu giữa Phật Triết và Hạnh Cơ. Ngài Phật Triết là nhà sư Việt Nam đã đóng bè tre sang Nhật truyền đạo. Đúng ngày giờ bè tre của ngài tấp vô bờ biển thì đã có Bồ-tát Hạnh Cơ đứng đón. Hai vị này không nói với nhau bàng ngôn ngữ nhưng đã truyền thông cho nhau bằng tâm. Ngài Hạnh Cơ mong ngài Phật Triết sang làm lễ khai quang tượng Tỳ Lô Giá Na và ngài Phật Triết tự vượt trùng dương đến Nhật cũng để làm tốt việc này.

Vào thời đó, Thiên hoàng Nhật ra lệnh ai có đồ đồng phải đem nộp để đúc pho tượng Tỳ Lô Giá Na lớn nhất mà chỉ Nhật Bản có được. Pho tượng lớn đến mức bàn tay của Phật rộng có thể chứa được 16 người ngồi thiền. Nhưng pho tượng chỉ có thể đúc đến vai thôi, phần đầu không thể đúc được, ngài Phật Triết đã chỉ đạo cho việc đúc tiếp đầu pho tượng Phật thành công, ngài đã khai quang pho tượng và làm lễ tán hoa cho lễ hội  Phật giáo Nhật. Công đức của ngài Phật Triết đã được khắc ghi trên tấm bia ở chùa Đại An, Nhật Bản.

Qua việc làm nói trên, có thể khẳng định rằng ngài Phật Triết và ngài Hạnh Cơ không sử dụng ngôn ngữ, nhưng hai vị này đã sử dụng thiền ngữ và pháp ngữ. Đối với thầy tu, thiền ngữ quan trọng nhất, nghĩa là hiểu trong lòng. Hai huynh đệ hiểu nhau không cần nói bằng lời, nhưng hiểu sâu sắc về nhau; trên bước đường tu, chúng ta gặp được bạn tri thức là như vậy, gọi là linh sơn cốt nhục, tức bạn chân linh. Chân linh ta và chân linh bạn hỗ trợ nhau để tiến tu; thiếu bạn này thì khó tu. Tôi thành đạt được nhờ gặp nhiều thiện tri thức như vậy.

Trở lại vấn đề Phật giáo Nguyên thủy đã có pháp hành, pháp tu được Phật dạy ban đầu là Thiền Tứ niệm xứ tiến tu đến thành tựu Bát Chánh đạo. Thực tập pháp này theo Nguyên thủy sẽ thành tựu quả vị Thánh La-hán. Thật vậy, tất cả pháp Phật dạy nhằm giúp chúng ta xóa nghiệp phàm phu. Mình là phàm tăng nương theo đức của đại tăng mà xóa lần nghiệp phàm và đưa pháp Phật vào, lần lần trở thành Hiền Thánh là đã có sự khác biệt gọi là tâm hình dị tục.

Người đời toan tính đủ thứ mới sanh tham sân si, phiền não, tự ái và khổ đau. Còn mình tu hành, tâm khác người đời. Họ cần kiếm ăn ngon, nhưng mình tu, thức ăn chính là thiền thực và pháp thực thú vị hơn. Tôi đọc sách thấy hay quá, nên quên đói, quên ăn. Từ sở đắc này, tôi phát hiện chúng ta phải thích thú trong việc ngồi thiền mới quên ăn, quên ngủ, quên đói.

Có thể nói thiền thay cho ngủ. Nhưng có người ngồi thiền ngủ gục, phải nhờ thầy gõ nhẹ vào lưng cho thức. Tôi hỏi tại sao ngủ, họ nói ngủ từ trong ruột là nghiệp trần quá nặng, nhưng tu hành phải có thay đổi tốt hơn. Có lần tôi họp ở Mỹ, thấy các thầy Việt Nam, Nhật, Trung Quốc đều luôn gật đầu đồng ý tất cả những gì diễn giả nói! Các thầy nói sao buồn ngủ quá, vì 2 giờ chiều ở Mỹ, Hội đồng Tôn giáo họp, ở nước mình là 2 giờ khuya là giờ ngủ.

Thiền Tào Động ở Nhật tập 1 giờ đêm bắt đầu thức và tập quen như vậy, nên tôi không buồn ngủ.

Mệt mới ngủ, nên người tu lấy thiền thay cho ngủ. Nhưng phàm tăng ngủ dậy rồi vẫn còn ngáp và mặt bơ phờ. Còn thiền sư thì khác, họ không mệt, không buồn ngủ, vì họ thiền là cơ thể đã nghỉ ngơi. Tu có ngộ, có chứng cuộc sống phải khác người thường.

Khởi đầu theo Nguyên thủy kinh điển được ghi chép thành văn và từ đó ý nghĩa sâu xa của Phật dạy được suy nghĩ rộng ra, triển khai thành kinh điển Đại thừa trong đó có kinh Hoa nghiêm. Theo Trí Giả, Đức Phật nói kinh Hoa nghiêm 21 ngày trong thiền định, kế tiếp Phật nói kinh A-hàm 12 năm, kinh Phương đẳng 8 năm, kinh Bát-nhã 22 năm và kinh Pháp hoa, kinh Niết-bàn được Phật nói sau cùng 8 năm. Như vậy là trọn cuộc đời thuyết pháp của Đức Phật 49 năm, nhưng Phật giáo Nguyên thủy cho rằng Đức Phật thuyết pháp trong 45 năm.

Theo tôi, thời gian 45 năm, hay 49 năm Đức Phật thuyết pháp không quan trọng. Vì kinh Pháp hoa nói rằng chư Phật có đời sống có thể thu 60 kiếp thành nửa ngày, đó là thời gian tâm lý khác với thời gian thực tế. Thí dụ điều gì chúng ta mong đợi sẽ cảm thấy nó đến rất chậm, điều gì chúng ta lo sợ thì thấy nó đến rất nhanh. Hoặc đối với người bị án tù 10 năm, thời gian một ngày trôi qua rất chậm, còn phạm nhân bị tuyên án tử hình, họ thấy một ngày qua mau.   

Theo Nguyên thủy, sau khi Đức Phật thành đạo, Phật bắt đầu  nhìn lại quá khứ Ngài từng là rong rêu, gỗ đá tiến lên làm nai, làm sư tử, làm muông thú cho đến làm người, làm trưởng giả, làm vua, làm thầy tu… Nói chung, Đức Phật biết rõ từng kiếp quá khứ của Ngài và của các bạn thân hay thù mà trong đời hiện tại tất cả có mặt đầy đủ theo lý nhân duyên. Thể hiện ý này, Phật nói quá khứ và hiện tại là một.

Người thương là thiện duyên và người ghét là nghịch duyên cũng kéo tới. Như trường hợp vua A Xà Thế và Tần Bà Sa La, họ từng là kẻ thù của nhau trong kiếp quá khứ, nên A Xà Thế tái sanh làm con để trả mối thù với Tần Bà Sa La. Vì vậy, khi hoàng hậu mang thai A Xà Thế, bà đã có thèm muốn rất đáng sợ là muốn hút máu vua. Điều này cho thấy dù còn là bào thai, A Xà Thế đã muốn uống máu kẻ thù là vua cha.

Hiểu lý này, tôi quan sát người thương hay người ghét để sắp đặt việc tu hành, tăng trưởng quyến thuộc Bồ-đề và hóa giải ác duyên, đó chính là thể hiện ý nghĩa quán nhân duyên, không phải chỉ đọc suông vô minh duyên hành, hành duyên thức….

Các thầy phải quán các pháp để thấy nhân duyên. Quán là cái thấy trong thiền định và trở lại thực tế, thấy cũng giống như thấy trong thiền định là đúng. Nếu chưa Chánh niệm, còn tà niệm là bị vô minh, nên thiền thấy vậy, nhưng thực tế thì phũ phàng là không đắc đạo, thấy sai.

Quán nhân duyên theo Nguyên thủy qua kinh Hoa nghiêm vẽ bản đồ rõ ràng lộ trình tu của chúng ta. Giáo sư Sakamoto vẽ bản đồ này cho biết quá trình tu từ ngũ ấm sanh quốc độ và quốc độ sanh chúng sanh. Nghĩa là sự hiện hữu của tất cả quốc độ và sự hiện hữu của tất cả các loài gọi là chúng sanh khởi nguyên từ ngũ ấm gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Trong kinh Nguyên thủy, Đức Phật cũng dạy các Tỳ-kheo quán ngũ ấm. Trước hết quán sắc, tức thân vật chất không phải là ta, vì nó luôn sinh diệt, biến đổi không ngừng. Thật vậy, ta từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành cho đến già, đến chết thì “Ta” này luôn thay đổi, cho nên người tu không bám víu vào sắc ấm. Kế tiếp quán thọ ấm cho đến thức ấm cũng thay đổi luôn. Quán thuần thục sẽ nhận thấy ngũ ấm là không, là vô ngã. Ý này được Hòa thượng Thiện Siêu diễn tả vô ngã là Niết-bàn.

Còn chúng ta chỉ nói, hay quán nhưng vẫn thấy ngũ ấm hiện hữu thực là chưa được. Trên bước đường tu, từ nói lý thuyết cho đến quán sát các pháp và phải chứng đắc thì sanh tử mới không trói buộc chúng ta nữa, đó là yếu lý mà Đại thừa triển khai quá trình hình thành tam thế gian khởi đầu từ ngũ ấm thế gian cho đến quốc độ thế gian và chúng sanh thế gian.

Từ ngũ ấm không thực qua giai đoạn hai là quốc độ. Quốc độ là vật chất. Trong kinh Nguyên thủy, Đức Phật cũng nói Ngài từng làm đá, làm cây, làm thảo mộc, nhưng kinh Đại thừa triển khai thêm một bước là bắt đầu có đá, có nước, có không khí, có lửa… mới hình thành nên sự sống của quốc độ. Và đến giai đoạn ba, có chúng sanh hiện ra. Thật vậy, Phật nói Ngài từng là sinh vật nhỏ bé ở dưới nước, tiến lên làm côn trùng, làm dã thú cho đến có thân người với cấu trúc cơ thể đặc biệt. Vì vậy, Phật nói chỉ loài người mới tu thành Phật được.

 Ngày nay chúng ta được mang thân người là hàng cao nhất trong tứ sanh và cao nữa được gặp Phật pháp lại được xuất gia làm Sa-môn. Chỉ có con người được làm Sa-môn, nhưng không phải làm người mà ai cũng được xuất gia làm Sa-môn, vì còn có giá nạn. Hơn thế nữa, tu hành suông sẻ từ nhỏ đến già rất khó, nên không ít người tu rồi hoàn tục rồi lại tu nữa.

Từ người làm Sa-môn, làm Thanh văn cũng phải có đủ tiêu chuẩn làm Thanh văn, nói rõ là đắc đạo; không phải ai cũng đắc đạo. Nhưng nếu không đắc đạo cũng phải giữ thân người để kiếp sau tu nữa, đừng để rớt xuống làm thú vật rất khó tu.

Làm Sa-môn đúng nghĩa được Phật nói cho vua A Xà Thế nghe trong kinh Sa-môn quả. Gặt hái được từ quả thứ nhất đến quả cuối cùng của Sa-môn là ai cũng muốn thấy ta, nghe ta, gần gũi ta, vì nương theo ta, họ học được, có được cuộc sống an lành và được giải thoát.

Vì vậy, Sa-môn đúng nghĩa phải có đời sống giải thoát thực sự. Muốn được như vậy, phải có quá trình tu chuyển hóa từ thân ngũ ấm theo phàm phu trở thành Pháp thân trang nghiêm giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến mới thực sự tỏa sáng nếp sống thảnh thơi, giải thoát. Và từ nền tảng kiên cố này mới đi sâu vào thiền quán, mới thấy đúng như thật lý nhân duyên sanh các pháp để từng bước dìu dắt những người hữu duyên cùng hành Bồ-tát đạo với mình cho đến thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.