GNO - Con có thói quen mua báo vào buổi sáng sớm. Dù say mê mua báo, đọc báo nhưng thật hài hước là con chưa bao giờ thần tượng, mua cố định bất kỳ tờ báo nào. Đọc báo theo cảm tính là phong cách của con. Cứ hễ ở trang nhất, tờ báo nào có những tin nóng hổi, hoặc lay động lòng người thì con mua.
Cài hoa mùa Vu lan. Hoa trắng là biểu trưng cho người con đã không còn ba mẹ - Ảnh minh họa
Công việc quá bận rộn khiến con không có thời gian đầu tư nghiền ngẫm cho nhiều trang báo. Một, hai trang nhưng có gì đó "để trong đầu", "cất trong tim" là con thấy hài lòng lắm rồi.
Nhưng rồi một dạo, con quyết định chọn mua một tờ báo mà con chưa bao giờ đọc. Cái tít to đùng, kèm theo hình ảnh cảm thương đã khiến cặp kính dày cộm của con dừng lại vài giây. Và rồi con quyết định mua báo đó để đọc. Nội dung bài viết đó, có lẽ không riêng gì bản thân con, mà chắc nhiều người cũng phải rươm rướm nước mắt vì quá thương cảm. Một người mẹ trẻ đã hy sinh mạng sống của mình vì con.
Mẹ à, cô gái ấy bị ung thư phổi khi bắt đầu mang thai. Bác sĩ đã khuyên nên phá cái thai ấy để nhập viện hóa trị, xạ trị nhằm kéo dài mạng sống. Tuy nhiên, như bao nhiêu người mẹ trên thế giới này - vì thương con vô bờ bến, chị đã quyết định giữ lại thai nhi và không điều trị ung thư phổi.
Khi tế bào ung thư di căn, thể trạng chị yếu nên bác sĩ buộc phải mổ để bảo toàn sinh mạng cho đứa bé. Lúc đứa bé chào đời thì người mẹ cũng ra đi vì sức khỏe quá tồi tệ.
Chị mất, để lại muôn sự tiếc thương từ đồng nghiệp, gia đình và cả công chúng xem báo đài. Đặc biệt, bức thư mà chị viết cho chồng và gia đình khiến ai đọc cũng ngậm ngùi rơi nước mắt.
Con thấy đứa bé ấy có hoàn cảnh cũng giống như con, mẹ à! Hơn 25 năm về trước con cũng từng phải xa mẹ vĩnh viễn. Khi mẹ sinh con xong, nghe được tiếng khóc chào đời của con, mẹ nở nụ cười mãn nguyện rồi nhắm mắt.
Bà ngoại kể, khi đó con khóc nhiều lắm vì thiếu sữa và có lẽ trên hết vẫn là vì thiếu hơi ấm yêu thương của mẹ khi mới chào đời. Dù rằng con chưa từng có nỗi đau mất mát vì khi ấy con là đứa trẻ ngây thơ. Nhưng trong tim con, tình cảm thiêng liêng ấy vẫn chất chứa ngày một sâu đậm, theo thời gian và theo tuổi tác. Con nhớ mẹ nhiều hơn mỗi khi Vu lan về.
Cứ đến mùa Vu lan, rằm tháng Bảy âm lịch, dù bận rộn công chuyện cách mấy con cũng chạy về bên ngoại. Quỳ dưới đất, ngả đầu vào đùi bà, con như sống lại ký ức tuổi thơ khi nghe bà kể chuyện về mẹ.
Dường như bà sinh ra để làm người truyền lửa. Bà kể rất nhiều câu chuyện về mẹ nhưng hơn 25 năm qua, chẳng bao giờ hết. Mỗi câu chuyện là một bài học, một khoảnh khắc nhân văn trong đó. Lúc bà kể cái thời mẹ là nữ sinh đi làm, nhưng cũng đôi khi bà kể lúc mẹ làm dâu, buôn bán... Những kỷ vật của mẹ được ba và bà đưa lại, con vẫn cất giữ trân trọng trong ngăn tủ. Khi nhớ mẹ, con lấy ra xem.
Điều làm con thích thú là album ảnh của mẹ - ảnh thời con gái, hình cưới rất đời thương nhưng treo veo như giọt sương ban mai. Mẹ có nụ cười rất đẹp, đôi lúm đồng tiền sâu như giếng nước sau nhà.
Rồi hai bà cháu dắt nhau đi chùa cầu an. Khuôn viên chùa vào những ngày Vu lan ồn ào, náo nhiệt như trẩy hội. Người ta đến chùa thắp nhang cầu mong cho cha mẹ, ông bà sống đời với mình. Những đóa sen hồng, sen trắng thay cho tâm tư, tình cảm của người con dành cho gia đình thông qua những lời khấn nguyện.
Đã nhiều năm trôi qua, con vẫn duy trì nếp quen này. Dù con chưa một lần gặp mẹ, nhưng đứng trước Phật bà, con luôn khấn nguyện rằng có một ngày con được gặp mẹ, dù chỉ trong mơ.
Bà bảo: “Cháu nhớ mẹ thì cứ khóc! Ai bảo con trai không được khóc cơ chứ! Đừng kìm nén cảm xúc khiến cho tâm lý mình khó chịu, trăn trở, lo âu. Hãy khóc để gột rửa những muộn phiền và cho lòng thanh thản nhẹ tênh”.
Hôm nay, mùa Vu lan nữa lại về trong chộn rộn của biết bao người con. Con lại cùng bà đi chùa. Dòng người lướt qua với những hoa hồng đỏ thắm cài trên ngực áo. Giữa biển người mênh mông ấy, không biết có ai cài hoa hồng trắng như con không, mẹ ơi?
Đặng Trung Thành
(Q.Bình Tân, TP.HCM)
Mời bạn đọc viết "Vu lan trong tim con" Tòa soạn
Tháng Bảy - mùa Vu lan - mùa Hiếu hạnh. Đây là dịp để mỗi người ôn nhắc công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; ơn giáo dưỡng của thầy tổ... trong Tứ trọng ơn Phật dạy. Và đây cũng là cơ hội để những người con, học trò giãi bày với cha mẹ, thầy mình về những lỗi lầm lỡ phạm, kỷ niệm đã qua và lòng biết ơn sâu sắc.
Lời sám hối, câu xin lỗi không bao giờ muộn, giúp hòa giải và gắn kết, để mỗi người được nuôi dưỡng nguồn mạch tình thương, vun bồi cội rễ tâm linh cao đẹp.
Đức Phật dạy, hạnh Hiếu là hạnh Phật. Hiếu với người tạo nên hình hài, dưỡng nuôi tâm thức, trao truyền giá trị tốt đẹp để mình có thể thấy trời cao, đất rộng... còn là đạo lý dân tộc. Vì thế, tháng Bảy - Vu lan, nếu bạn có những xúc cảm nào cần bày tỏ, những nỗi niềm nào cần được chia sẻ..., hãy gửi cho Giác Ngộ - chúng tôi tình nguyện bắc một nhịp cầu để bạn được trải lòng một cách nhẹ nhàng, bình an.
Biết đâu, mỗi con chữ của bạn sẽ trở thành món quà ý nghĩa, thành đóa hoa tươi thắm dâng tặng đấng sinh thành, tỏ lòng biết ơn người một đời giáo dưỡng để mình nên huệ mạng?
Mọi chia sẻ và bài viết của bạn đều được chúng tôi trân trọng đọc, chọn đăng trên tuần báo Giác Ngộ và Giác Ngộ online - để cùng góp tay khơi dậy tinh thần hiếu đạo nơi mỗi người, giúp mỗi người neo đậu lòng mình trước phong ba cuộc đời...
Bài vở (nếu được, có thể gửi thêm hình ảnh nhân vật trong câu chuyện) hoan hỷ gửi về: onlinegiacngo@gmail.com (ghi rõ: gửi mục Vu lan trong tim con); nhận bài đến ngày 25-8 (rằm tháng Bảy).
Kính chúc quý bạn đọc có một mùa Vu lan an lạc, tinh tấn.