Những đêm trăng tròn, hay có bóng trắng của một người con gái trẻ ngồi chơi trên cành hoa gạo mỏng manh. Người làng kính cẩn gọi là "cô". Hàng trăm câu chuyện liêu trai được truyền miệng kể về "cô".
Người ta kể nhiều và kể với cảm xúc chân thật tới mức như chính họ vừa nhìn thấy "cô". Tất nhiên là bọn trẻ con chúng tôi sợ phát khiếp. Chẳng đứa nào dám bén mảng tới gần cây gạo vào những tối trăng tròn.
Trong ký ức của tôi, mộc miên đẹp giản dị. Nó cũng báo hiệu tháng Ba đã về. Ở quê tôi, tháng Ba là mùa của lễ hội. Trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo đẹp. Người lớn thì tất bật chuẩn bị cho những lễ của làng, của họ. Các cụ già mặc những bộ quần áo tế. Cánh thanh niên thì chuẩn bị rước kiệu, múa trống, đấu vật, làm pháo đất...
Trên ngọn cây gạo, chim kéo về làm tổ rất nhiều. Đủ loại chim! Chào mào, sẻ, sáo... Phần vì ngọn cây cao chót vót, phần vì những câu chuyện mang màu sắc ma quái nên chẳng đứa nào dám bắn chim ở cây gạo. Chim càng về nhiều. Trưa hè, chim ríu rít rộn cả một góc trời. Gốc gạo to lắm, mấy người ôm. Bọn trẻ con chúng tôi tha hồ mà chơi trốn tìm, đánh khăn, đánh đáo. Chơi chán thì nhảy xuống sông tắm...
Hết hè sang thu, mộc miên bắt đầu rụng lá. Hoa cũng tàn hết. Mộc miên trơ trọi cành... khắc khổ. Dáng mộc miên sừng sững chịu đựng qua mùa đông và mùa xuân rét buốt mưa phùn gợi nhiều cảm xúc cho một kẻ xa quê như tôi.
Sài Gòn chiều gió lộng, chợt nhớ cây mộc miên. Thương cho cây mộc miên giản dị như người quê. Nghe đâu văng vẳng lời ru của mẹ...