Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết về một câu chuyện nhỏ, bối cảnh là trường học, nhà trong xóm, bãi tha ma, đan xen trong đó là chuyện người, chuyện cóc, chuyện ma, chuyện công chúa và hoàng tử, kể cả chuyện thiếu ăn, cháy nhà, lụt lội...
Cậu bé Thiều 15 tuổi làm người dẫn chuyện, những câu chuyện xoay quanh những tuyến nhân vật như chú Đàn, có cô bạn thân là cô bé Mận và chú bé Tường, em Thiều, hết sức đáng yêu, dù học lực không giỏi. Chúng lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm khi chơi đùa, cãi cọ, giận hờn, và yêu thương nhau trong không gian một ngôi làng, một ngôi trường, trải qua bao biến động của cuộc đời và thời gian…
Câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh khiến chúng ta liên tưởng đến tuổi trẻ hôm nay, một tuổi trẻ đang trải qua những biến động dữ dội về mặt nhận thức, về tư duy, trong sự thay đổi môi trường giáo dục một cách mãnh liệt với nhưng phương tiện truyền thông cực kỳ tinh xảo, thay đổi cả về trạng thái tâm hồn và cả lý tưởng vào đời…
Tuổi trẻ không được vui chơi?
Đã có ai đó cảnh báo rằng "Ai chở mùa hạ của em đi đâu?" khi tuổi trẻ ngày nay hầu như không có mùa hè. Làm gì còn có những câu chuyện quanh quyển "lưu bút" với những dòng tâm sự "Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…" vì các em nghỉ nhiều lắm cũng chỉ 1 tuần là đã phải khăn gói đi học thêm.
Thế mạnh của tuổi trẻ là khám phá cái mới, bản tính ưa tìm tòi và hiếu động. Thể chất và tâm hồn các em cũng qua những kỳ nghỉ hay qua những sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường phát triển. "Học mà chơi, chơi mà học" không chỉ là khẩu hiệu mà là phương châm của các xu thế giáo dục trên thế giới, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin. Có nhà giáo dục đã nói "Giáo dục là thắp sáng một ngọn lửa, không phải đổ đầy một bát nước". Nhà giáo dục, Pedagogue, nguyên nghĩa là người hướng dẫn tuổi thơ, nghĩa là phải biết khơi gợi, thắp sáng ngọn lửa đam mê hiểu biết hay tìm cái mới trong lòng tuổi thơ. Đó cũng là một trong bốn nguyên tắc cơ bản của UNICEF: Tôn trọng quan điểm của trẻ em.
Nhưng hiện nay các em đang bị nhồi nhét quá nhiều kiến thức, cả cần thiết và không cần thiết, như những chú gà nhồi cơm bằng một lối học hết sức thụ động, cách học ấy sẽ sinh ra những công chức làm theo sự chỉ đạo, hoàn toàn thiếu sáng kiến và sự tự chủ tri thức. Chúng ta biết rằng ngạn ngữ Anh có câu "All work and no play makes Jack a dull boy", nếu chỉ học và không biết vui chơi thì đứa trẻ nào cũng… trở nên đần độn và chậm phát triển trí tuệ. Hãy thử nhìn một đứa trẻ khệ nệ vác trên lưng một cái cặp từ 5 đến 7kg đi suốt đoạn đời tuổi thơ, oằn vai vì kiến thức đang phải… "nhai lại" để rồi phải đối phó với bao nhiêu kỳ thi, bài kiểm tra cũng dưới hình thức tra vấn kiến thức nhiều hơn là tự luận sáng tạo.
Từ đó các em phải chạy đua học thêm triền miên… vùi đầu trong sách vở, lấy đâu ra thời gian mà vui đùa giải trí?
Ngày xưa Einstein cũng từng phê phán một nền giáo dục thời đại ông vốn "quá nhấn mạnh đến hệ thống ganh đua hay chuyên ngành hóa quá sớm sẽ giết chết tinh thần" và ông cảnh báo "Giáo dục nhồi nhét tất yếu dẫn tới sự nông cạn và vô văn hóa".
Hãy nghe một cô giáo tâm sự: "Hiện nay, các trường THCS của chúng tôi đang dạy học theo một chương trình rất nặng nề của sách giáo khoa cải cách, mà đâu phải chỉ truyền tải kiến thức đơn thuần? Xin hãy ghé mắt vào sách giáo khoa của 12 môn học của THCS để thấy rằng chúng ta đang đào tạo một lớp người ‘‘thần đồng’’, một mẫu người toàn diện tuyệt đối". (cô giáo Trần Thị Tuyết Lan trên Việt Báo (http://vietbao.com.vn)
Tư duy đồng phục
Từ thực tiễn giảng dạy theo lối "gà nhồi cơm" ấy , chúng ta buộc học sinh thậm chí có sinh viên suy nghĩ theo kiểu "rập khuôn", buồn vui theo cảm xúc của thầy cô, còn thầy cô thì buồn vui theo cảm xúc của người soạn chương trình và sách giáo khoa, còn những người biên soạn thì cảm xúc theo kiểu… "lập trình"!
Giáo dục không chỉ là ban bố mệnh lệnh , lăm le trừng phạt dù bằng đòn roi hay bằng điểm số. Không thể xây dựng nên Người - những công dân có phẩm chất, bằng một thứ văn hóa "đồng phục", luôn đi sát lề và sợ hãi… khi không giống người khác.
Giáo sư Hoàng Tụy có lần cảnh báo về "một nền hư học cổ lỗ với những căn bệnh kinh niên: học nhồi nhét để đi thi, học tách rời với hành, chạy theo những giá trị ảo, các hư danh "Hàng năm chúng ta vẫn nghe tổng kết những câu văn "kinh dị" của học sinh lớp 12 khi làm bài thi nhưng có ai hỏi tại sao và chuyện đó diễn ra như thế nào? Có ai nhận ra các em suy nghĩ bằng cái đầu của người khác, của những… soạn giả sách giáo khoa mà chưa hề có nhận định của riêng mình. Có chuyện khôi hài trước đây khi mô tả "người cha", có thầy cô cứ buộc các em phải tả cha mình là công nhân thì mới… "đúng ý", nếu một em mất cha hay cha thuộc tầng lớp khác thì sao? Phải chăng bữa cơm tối nào cũng "cha ngồi đọc báo, bà ngồi kể chuyện, mẹ ngồi may vá, em ngồi học bài"?
Chúng ta đang tạo nên những con người thiếu dũng cảm và trung thực khi không dám nói điều mình nghĩ, không dám sống hết mình.
Sự ngột ngạt của tâm hồn
Tuổi trẻ thiếu thời gian tận hưởng niềm vui thanh xuân, thiếu không gian bày tỏ cảm xúc. Một vài kỳ thi VietNam Idol hay Sao Mai gì đấy chỉ khuấy động đôi chút đời sống nghệ thuật thiếu thốn. Còn thì chỉ thấy tuổi trẻ bày tỏ cảm xúc trong những lần Việt Nam tham dự AFF Cup hay Sea games, ngoài ra thì chỉ thấy một lớp trẻ liều lĩnh "bão" đêm lạng lách ngoài đường phố… Có người phàn nàn tuổi trẻ hôm nay thiếu "Lễ". Nên việc Hà Nội chính thức đưa tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh" vào dạy trong các trường phổ thông cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng học là một chuyện còn hành lại là một chuyện khác. Những chuẩn mực về ứng xử từ văn hóa xếp hàng, văn hóa giao thông… cũng cần phải được dạy từ đầu.
Khi các em biết ứng xử văn minh, tâm hồn sẽ bớt bực dọc, sẽ cảm thông với mọi người, sống có trách nhiệm và biết trân trọng tình cảm của nhau theo đúng ý nghĩa của tình yêu. Chúng ta cần phải tạo ra bầu trời xanh cho các em ngắm lại hoa vàng, phải tạo ra thảm cỏ xanh cho các em thả đôi cánh của trí tưởng tượng trên đấy… Các em không chỉ học trong sách vở, trong lớp mà học cả thế giới bên ngoài. Chúng ta đã từng nghe những thi sĩ ngày xưa bộc bạch:
Hỡi thành đô với linh hồn bách thảo Còn nhớ ta chàng tuổi trẻ tóc bay Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Đem tâm sự đi nói cùng cây cỏ(Đinh Hùng)
Hay
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường(Nguyên Sa)
…
Thế giới lãng mạn ấy nuôi lớn tâm hồn tuổi trẻ, là dưỡng chất vào đời:
Rồi tôi lớn đi vào đời không biết
Hai bàn chân giẫm nát cỏ không hay(Bùi Giáng)
Phân tâm học chứng minh những kẻ mang nhiều ẩn ức và chấn thương tâm lý thời thơ ấu dễ có hành vi bạo lực sau này. Điểm lại những vụ trọng án gần đây, ta thấy phần đông là những kẻ thiếu thốn tình cảm, gia đình đổ vỡ, hay thiếu giáo dục yêu thương từ gia đình, thậm chí có bằng đại học nhưng vẫn hành xử độc ác (như vụ Nguyễn Đức Nghĩa).
Thông thường, nếu gia đình có khuynh hướng xử sự với nhau bằng bạo lực sẽ khiến con trẻ nhiễm thói quen ấy, từ ngọn roi của bậc cha mẹ hung ác đến lưỡi dao của kẻ sát nhân đều khởi nguồn từ một môi trường thiếu tình người. Người dân cũng có khuynh hướng dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn vì lòng họ không còn tin vào tình người. Phải tập cho trẻ biết sống, biết yêu thiên nhiên, yêu con người, hành xử đầy tình thân.
Khi tình yêu ngự trị trong tim, sự độc ác sẽ khăn gói ra đi… vì khi ấy trái tim tràn đầy nhân ái. Hãy cho tuổi thơ và tuổi trẻ được hưởng hạnh phúc trong những năm tháng đầu đời của mình.
Hãy để tuổi trẻ được là chính mình: được sống những tháng ngày tuổi trẻ. Đừng để các em thành những My sói hay những sát thủ mang gương mặt trẻ thơ.
Muốn thế, hãy cho các em được sống thật trong thế giới của mình: thế giới mà các em sẽ thấy lại hoa vàng trên cỏ xanh...