Miên man tảo mộ

GN - Nếu như lễ tảo mộ của người Trung Hoa nhằm vào tiết Thanh minh, cũng là hội đạp thanh cho nam thanh nữ tú du xuân, như đã được Nguyễn Du miêu tả trong Truyện Kiều:

tao mo.jpg

Tảo mộ - Ảnh: Internet

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến anh

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Thì ở Việt Nam ta, lễ tảo mộ lại khởi từ nửa sau tháng Chạp và kéo dài cho đến Tết.

Và đúng như tên gọi của nó, “tảo mộ” là quét dọn mồ mả cho sạch sẽ, chứ không có gì là du ngoạn, vui chơi cả. Có lẽ xuất phát từ quan niệm “dương sao âm vậy”, nên trong khi người còn sống lo dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất, mới mẻ để đón Tết thì họ cũng làm như thế đối với những người quá cố. Vì thế, đối với người Việt Nam, lễ tảo mộ mang một ý nghĩa rất sâu sắc về đạo hiếu, nói lên lòng tri ân của con cháu đối với cửu huyền thất tổ.

Về phần tôi, tôi nhớ mãi không quên những lần tảo mộ như thế ở quê nhà, khi tôi hãy còn tấm bé. Từ chiều hôm trước tôi đã thấy các chú, bác, cậu, mợ, dì, dượng… ở xa lục tục tụ về nhà tôi, để cho kịp công việc tảo mộ hôm sau, thường được bắt đầu từ rất sớm, khoảng 3 hay 4 giờ sáng. Những người bà con ở xa ấy cũng không quên mang theo lễ vật để góp với gia đình tôi; người ôm cặp vịt, người đội mâm xôi, có người xách theo hũ cơm rượu, cũng có người chỉ cầm vài bịch kẹo thèo lèo… Và đêm đó hầu như không có ai ngủ cả; mọi người thức nói chuyện suốt. Đàn ông thì nhâm nhi ly rượu. Đàn bà thì nấu nướng chuẩn bị đồ cúng cho ngày mai. Đám trẻ con cũng rạo rực không yên; chúng chạy đầu này, nhảy đầu kia, đến khi mệt quá thì nằm thiếp ngay trên đùi mẹ. Vừa chợp mắt được một chút thì đã nghe tiếng kêu cửa. Đại khái như: Chú Sáu ơi, dậy chưa?

Trên đường ra nghĩa trang cũng sẽ gặp nhiều gia đình khác. Tiếng gọi nhau í ới thật vui nhộn. Trong khi người lớn giẫy cỏ thì bọn con nít chúng tôi vừa quét, vừa gom cỏ lại chất thành đống, sau đó nổi lửa đốt. Lửa sáng bừng cả một vùng trời cũng là để xua đi cái lạnh mùa đông. Dụng cụ quét mộ phải sạch, dụng cụ không sạch mà quét lên mộ mang tội. Nếu là chổi thì phải là chổi mới chưa sử dụng một lần nào, nhưng thường thì người ta quét bằng tàu lá dừa, nhánh trâm bầu, vừa tiện lợi lại vừa… không tốn tiền.

Sau khi giẫy mả tại điểm tập trung xong, người ta lại chia nhau đi tảo những ngôi mộ nằm lẻ tẻ chỗ khác, có khi rất xa, hoặc chỉ là nấm mộ không tên không tuổi. Dù không biết đó là mộ của ai nhưng người dân cứ thấy chỗ nào nhô lên một chút là cứ làm cho sạch sẽ rồi thắp một vài nén hương. Ta còn nhớ trong Truyện Kiều, Thúy Kiều trên đường về cũng đã gặp nấm mộ vô chủ (sau khi hỏi ra mới biết là mộ của Đạm Tiên). Bùi ngùi khi nhìn thấy cảnh: “Sè sè nắm đất bên đàng / Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh / Rằng sao trong tiết Thanh minh / Mà đây hương khói vắng tanh thế mà”, nên nàng: “Đã không kẻ đoái người hoài / Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương”, gọi là ấm hồn người nơi đáy mộ.

Trở lại với lễ tảo mộ ở Việt Nam, sau khi tảo mộ xong, mọi người lại trở về gia đường cúng kiếng, chờ tàn hết cây nhang thì dọn cỗ xuống. Không rõ người xưa nghĩ rằng cháy hết cây nhang thì người âm mới ăn xong, hay đó chỉ thể hiện sự thành kính, kính trọng đơn thuần? Ngày nay, có nhiều gia đình dâng lễ lên, thắp hương vái xong vội bưng xuống liền. Họ cho rằng để lâu như thế một là thức ăn bị nguội, hai là sợ khói bụi rớt vào mất vệ sinh. Cách nhìn khoa học như thế cũng hay, tuy nhiên tôi thấy rằng như vậy thì hình như là mình cúng…. cho mình, chứ không phải cúng cho ông bà đã khuất.

Ở chốn thiền môn vào những ngày giữa cuối tháng Chạp cũng có lễ như vậy, gọi là lễ tảo tháp. Đó là chư vị Tăng Ni sau khi viên tịch, thay vì lập mộ như người thế gian, họ được “đặc cách” xây tháp. Trong kinh Đức Phật dạy có bốn hạng người xứng đáng được xây tháp, gồm: Như Lai, vua Chuyển luân Thánh vương, Bích chi Phật, và Tứ quả thanh văn. Trong kinh Du hành, Trường A-hàm I, Đức Phật cũng dặn Tôn giả A Nan về việc dựng tháp của Ngài “thờ tại ngã tư đường để những ai đi ngang qua trông thấy tháp Phật mà tưởng nhớ Đức Như Lai đã dùng Chánh pháp giáo hóa chúng sanh, ngõ hầu [những người ấy] sống được phước lợi, thác được sanh thiên”. Chư Tăng Ni có thể được coi là thuộc về hàng ngũ đệ tử Thanh văn của Đức Phật, nên sau khi tịch xây tháp để người đời sau phụng thờ vậy. Cách thức tảo tháp cũng không khác gì tảo mộ, nhưng phần nghi lễ thì trang trọng hơn. Như phải lạy trước mỗi tháp, nhiễu tháp v.v…

Lễ tảo mộ hay tảo tháp từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó là sự gặp gỡ giữa cõi âm và cõi dương, giữa quá khứ và hiện tại, cũng là dịp để dòng họ, tông môn họp mặt, cùng nhau hồi tưởng về người đã khuất. Trong không gian ấy, bao nhiêu câu chuyện về người đã khuất được ôn lại. Mỗi câu chuyện là một kỷ niệm, một bài học đạo đức mà các bậc tiền bối muốn răn dạy cho con cháu để họ biết đó mà tu tâm dưỡng tánh, lánh dữ làm lành.

Ngày nay, dân số ngày càng tăng, đất đai còn không đủ chỗ cho người sống, thì có chỗ đâu cho người đã khuất. Dần dần, người ta cũng sẽ hỏa táng hết. Tôi có đọc được đâu đó, đại khái một nhà văn triết lý rằng, nếu có một nơi nào đó để cho tâm hồn ta khắc khoải nhớ về, thì hoặc là nơi đó có người mình yêu, hoặc nơi đó có nấm mồ người thân của mình. Nhưng khi không còn nấm mồ làm nơi “tử quy” nữa, thì người ta biết nhớ về nơi nao?

Hơn nữa, những khu nghĩa trang ngày nay được các công ty khai thác dưới hình thức kinh doanh, mồ mả có thể đẹp hơn, sang trọng và sạch sẽ hơn. Nhưng đó là thứ mồ… công nghiệp, có người quản lý, có bảo vệ và khi gần đến Tết thì người nhà chỉ cần điện thoại cho Ban Quản lý thuê người quét rửa, người nhà chỉ cần đến thăm và thắp nhang thôi. Đó có thể gọi là tảo mộ không, có thể gọi là về quê thăm mồ mả ông bà? Tính thiêng liêng gắn bó dường như đã mất và không hề có chiều sâu tâm linh. Phải chăng đây cũng là lý do khiến con người thời nay sống hời hợt? Một khi chiều sâu tâm linh đã mất, sợi dây liên hệ với tổ tiên đã không còn (hoặc không còn quan trọng nữa) thì con người trở thành lạc lõng trên thế gian. Họ chỉ biết có hiện tại và những thú vui tạm bợ thoáng qua...

Đã lâu rồi tôi cũng không thấy người dân ta dựng nêu ăn Tết nữa. Nhiều nét đẹp truyền thống dần mai một. Và rồi đây những đứa trẻ thế hệ sau có khi không còn hưởng cái háo hức chờ đợi để được đi quét mộ ông bà lúc xuân sang Tết đến, không được hưởng không khí rộn ràng mà sâu lắng của đêm tảo mộ, tảo tháp quê nhà. Cuộc đời thì cứ đi tới, những sự mất mát tinh thần ấy ta còn biết hỏi ai?

Thích Trung Hữu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.