Miến Điện kỳ bí » Bài 1: Quạ đen và nắng nóng

Miến Điện chào đón chúng tôi bằng cái nóng trên 45 độ C và tiếng quạ kêu ngàn ngạt trên những ngọn cây trước cửa sân bay. Quạ đen có mặt ở khắp nơi, cả trên cây bồ đề trong khuôn viên chùa Vàng nổi tiếng...

Những chú tiểu đi khất thực trong sáng sớm
Những vị sư trẻ đi khất thực trong sáng sớm

Lạ lẫm Yangon

Chiếc xe khách chở chúng tôi từ sân bay vào trung tâm thành phố Yangon trông già cỗi nhưng khá tươm và có máy lạnh. Tuy nhiên vừa nổ máy một chốc, nó bắt đầu giở chứng. Lái xe, phụ xe lại lóc cóc quấn váy (ở Miến Điện người ta gọi là longin, một kiểu váy của đàn ông) đẩy xe. Đường phố tinh tươm vì tịnh không bóng xe gắn máy; chủ yếu xe đạp, xe ô tô buýt cũ kỹ. Trời gần tối, Yangon thiếu điện nên mọi thứ trông lờ mờ. Những người đàn ông mặc váy phất phơ bên lề đường đứng đón gió... nóng. Tiếng máy phát điện kêu lạch phạch. Hai bên đường phố vẫn còn nhiều khu tập thể cũ, xập xệ đến điêu tàn.

Thế rồi, vỡ oà một khách sạn tầm 4-5 sao có tên Park Royal (số 33 đường Alan Pya Phaya Road). Lạ lùng thay, khách sạn này như một thế giới tách biệt với những gì vừa được chứng kiến. Phong cách phục vụ từ nhân viên lễ tân đến dọn phòng cũng chuyên nghiệp.

Những người lần đầu tiên đến Miến Điện như chúng tôi đều tò mò về hoạt động ngầm của khách sạn Park Royal. Khách sạn có chỗ mát-xa với giá niêm yết hơn 10 USD nhưng có vẻ vắng khách. Chỉ có quán bar ngay sảnh là nhộn nhịp, nữ ca sĩ vừa gõ trống, vừa hát những bản tình ca tiếng Anh nổi tiếng thập niên 80.

Lạ nhất, khi vào thang máy, liên tục bắt gặp những cô gái ăn mặc khêu gợi đi cùng những người đàn ông ngoại quốc. Tôi tò mò bắt chuyện với một cô gái xinh đẹp, đang thất thểu ngoài hành lang khách sạn: "Đi chơi nữa không?". "Lần khác thì sẽ OK nhưng giờ em mệt”.

Mới 22 giờ, đường phố Yangon đã lặng ngắt. Những quán bia vỉa hè lục tục dọn hàng. Chỉ có những người bê thúng đi bán trầu còn kiên nhẫn chờ khách trước cửa rạp hát. Ở đây, người dân ăn trầu như một thói quen. Đi chơi đêm ở đây cũng giống như một sự lạc loài.

Các cậu bé làm lễ xuất gia

Các cậu bé làm lễ xuất gia

Trước khi sang Miến Điện, nghe một số người dặn dò kinh nghiệm khiến tôi tưởng... nghẹt thở. Đặc biệt, trước đó, Yangon vừa xảy ra một vụ nổ bom khiến nhiều người thiệt mạng. Trên thực tế, mọi thứ không đến nỗi tệ, dù chúng tôi được khuyến cáo cấm ra khỏi khách sạn vào giữa trưa để tránh cái nắng oi nồng, hay lũ quạ đen đậu đầy trên các ngọn cây cao.

Yangon yên bình với những người dân dễ mến và có phần lầm lũi. Trước cửa một toà nhà có siêu thị lớn bên cạnh khách sạn Park Royal, vài nhân viên bảo vệ (không mặc quần áo quân sự) bồng súng AK. Trong siêu thị bán nhiều chủng loại hàng hóa nhưng đa phần có xuất xứ Trung Quốc. Tìm mỏi mắt không thấy hàng hóa Việt Nam.

Chỉ trên đường phố Yangon mới thấy thấp thoáng biển hiệu của Ngân hàng BIDV và phòng bán vé của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cùng với quốc kỳ Việt Nam bay phất phới. Trong một nhà hàng nhỏ ở Yangon, cũng thấy thực đơn cà phê Trung Nguyên: Một bên đề tiếng Việt, bên kia tiếng Anh. Ở góc độ đầu tư nước ngoài, Miến Điện như một miền đất hoang sơ, nhiều tiềm năng.

Chùa Vàng ở Yangon đồ sộ và được dát nhiều vàng, nhưng chính sinh hoạt quanh chùa mới đáng chú ý. Những cậu bé tầm 5-7 tuổi, mặt bầu bĩnh đáng yêu được bố mẹ làm lễ xuất gia vào chùa tu hành. Lễ rước long trọng, các nhân vật chính được ăn mặc đẹp như hoàng tử. Người thân những cậu bé này rạng ngời hạnh phúc vì họ chuẩn bị gửi con, cháu mình nương náu cửa Phật. Đồ thờ cúng trong buổi lễ sau đó được phát cho mọi người, những cậu bé được làm lễ xuống tóc. Mỗi người đàn ông Miến Điện đều có một thời gian ngắn xuất gia trong đời. Họ yêu thích hội họa, đặc biệt là bức tranh những chú tiểu chân trần đi khất thực trong nắng sớm.

Những bức tranh chú tiểu đi khất thực được nhiều người yêu thích
Những bức tranh chú tiểu đi khất thực được nhiều người yêu thích


Xe buýt bay

Điều ngạc nhiên là, Miến Điện tuy ít được thế giới biết đến nhưng có đến 4 hãng hàng không nội địa (Myanmar Airways, Yangon Airways, Air Mandalay, Air Bagan). Những hãng bay này hoạt động nhiều như xe buýt. Có lẽ do địa hình của đất nước này phức tạp nên khó phát triển đường bộ. Trong chuyến bay, đôi khi phi công gặp người quen lại xuống hàng ghế chuyện trò ít phút. Nữ tiếp viên có vẻ được tuyển lựa rất kỹ nên về hình thức và cung cách phục vụ rất ổn.

Máy bay xuất phát từ Yangon đi Bagan mất khoảng 2 tiếng rưỡi, nhưng vẫn hạ cánh dọc đường (quá cảnh) lấy thêm khách tại Mandalay. Hành khách đi Bagan vẫn ngồi lại trên máy bay chờ hãng hàng không vợt khách đi tiếp. Mỗi lần như vậy, khách ngồi trên máy bay toát mồ hôi vì máy bay tắt điều hoà để tiết kiệm nhiên liệu.

Ghế trên máy bay cũng không cần ghi số, hành khách muốn ngồi đâu cũng được. Tuy nhiên, với loại máy bay cánh quạt lắp phía trước, hầu hết những người quen đi máy bay đều muốn giành chỗ ngồi ở phần đuôi để tránh tiếng ồn. Ngoài ra, do đường bay ngắn, lại phải hạ cánh vợt thêm khách nên dù máy bay chưa đủ độ cao nhất định, nhưng phi công đã phải nghiêng cánh vào cua. Mỗi lần như vậy, không ít hành khách phải vớ vội túi nôn.

Trên mỗi chuyến bay, hành khách được phát nhiều loại báo. Một số tờ The New Light of Myanmar, True News... được in bằng tiếng Anh và Miến Điện. Ít thông tin, đơn điệu và chủ yếu về quân đội. Nhưng cũng có thông tin đáng chú ý như: Một số đảng phái ở Miến Điện đã chính thức đăng ký hoạt động để chuẩn bị bầu cử. Đặc biệt, trang cuối của tờ The New Light of Myanmar có nhiều khẩu hiệu được kẻ vuông vức chia làm 2 phần. Phần trên "Chỉ có hoà bình, ổn định, quốc gia mới hưng thịnh", phần dưới "VOA, BBC gieo rắc lòng hận thù giữa các dân tộc"... (Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.